Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon và phát triển bền vững ở Việt Nam

27/09/2024

    Ngày 27/9/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon và phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho biết, tín chỉ các-bon được tạo ra với ý tưởng tạo động lực tài chính để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Các cá nhân, công ty và Chính phủ có thể mua tín chỉ các-bon để bù đắp lượng khí thải nhà kính hoặc bán chúng để thu được lợi ích tài chính. Tín chỉ các-bon lần đầu tiên được nêu trong Nghị định thư Kyoto vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2005. Kể từ đó, thị trường tín chỉ các-bon toàn cầu đã phát triển nhanh chóng và đạt 3 tỷ USD vào năm 2020.

    Tại Việt Nam, việc xây dựng thị trường các-bon được đề cập lần đầu trong Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/2012 về quản lý phát thải khí nhà kính và các hoạt động buôn bán tín chỉ các-bon ra thị trường toàn cầu. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/6/2013 cũng đề cập đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/ND-CP ngày 7/1/2022 quy định về giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Trên cơ sở đó, Việt Nam đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ các-bon từ năm 2025 với kỳ vọng vận hành chính thức hệ thống mua bán tín chỉ các-bon vào năm 2028. Việc phát triển thị trường các-bon sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, đồng thời tăng khả năng thích ứng với các cơ chế định giá các-bon quốc tế, mở ra cơ hội liên kết với thị trường các-bon toàn cầu và khu vực, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, thị trường các-bon còn là một cơ chế để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các công nghệ phát thải thấp, hướng đến một nền kinh tế trung hòa các-bon và phát thải ròng bằng “0”. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách phát triển thị trường các-bon còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm chi phí, tính phức tạp trong áp dụng, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, hỗ trợ của Chính phủ, đối tác dịch vụ và công nghệ. Hội thảo “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon và phát triển bền vững ở Việt Nam” là diễn đàn giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu chia sẻ, trao đổi các xu hướng tiếp cận, tiềm năng và thách thức trong thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon.

    Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển thị trường tín chỉ các-bon của một số quốc gia trên thế giới, TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, nhiều nước trên thế giới đã có những hoạt động phát triển thị trường các-bon riêng, tùy thuộc vào điều kiện và tiềm năng của từng nước. Một số khu vực phát triển như EU, Úc, California (Mỹ), Québec (Canada), Hàn Quốc đã có những cơ chế phát triển thị trường các-bon được đưa ra và áp dụng từ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Thái Lan... đang dần triển khai các hoạt động phát triển thị trường các-bon nhằm hạn chế tác động của các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải đến môi trường. Nhìn chung, phát triển thị trường các-bon là một phần quan trọng của nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu lượng khí thải và chống lại biến đổi khí hậu. Các quốc gia đã sử dụng cơ chế và chính sách khác nhau để phát triển thị trường các-bon, nhưng hầu hết đều có các yếu tố chung như áp dụng các hệ thống giá các-bon, hỗ trợ phát triển công nghệ sạch và tăng cường năng suất… Mặc dù đang dẫn đầu trong việc phát triển thị trường các-bon các nước phát triển vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Sự biến động trong chính sách và sự bất ổn kinh tế gây ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường các-bon; Cạnh tranh giữa các nhà sản xuất năng lượng tái tạo và các nhà sản xuất năng lượng hóa thạch gây áp lực lên thị trường các-bon; Sự chênh lệch trong tham vọng giảm phát thải giữa các quốc gia sẽ đẩy mạnh nguy cơ rò rỉ các-bon trên thế giới. Để khắc phục những thách thức này, các quốc gia đã và đang tiếp tục phát triển các chính sách và cơ chế hỗ trợ cho thị trường các-bon, đồng thời tăng cường sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Còn ở các nước đang phát triển, ngoài những thách thức nói trên, việc phát triển thị trường các-bon còn gặp nhiều khó khăn hơn, như việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý thị trường và giám sát khí thải, khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và đánh giá mức độ tác động của các chính sách và cơ chế, khả năng quản lý và hạn chế về công nghệ. Do đó, việc hỗ trợ từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế là rất cần thiết để giúp các nước đang phát triển phát triển thị trường các-bon một cách bền vững.

    Về thách thức và giải pháp trong việc phát triển thị trường các-bon tự nguyện (VCMs), ThS. Lưu Hạnh Nguyên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, thị trường các-bon tự nguyện đang ngày càng được chú trọng trong bối cảnh toàn cầu tìm kiếm giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quá trình phát triển và vận hành thị trường này gặp phải nhiều thách thức đáng kể. Các thách thức này không chỉ liên quan đến việc sử dụng tín chỉ các-bon từ phía các doanh nghiệp, mà còn bao gồm cả các khó khăn trong việc thực thi và đảm bảo chất lượng của tín chỉ các-bon, sự phức tạp trong chính sách điều hành và tác động xã hội. Các thách thức có thể kể đến như hành vi tẩy xanh (thay vì thực hiện những thay đổi căn bản trong hoạt động sản xuất để giảm phát thải, nhiều doanh nghiệp chọn cách mua tín chỉ các-bon để duy trì hình ảnh "xanh" mà không cải thiện các hoạt động gây hại môi trường); thiếu đồng nhất trong phương pháp kế toán trên toàn cầu hoặc việc thực hiện sai lệch có thể dẫn đến những tuyên bố thiếu chính xác; chất lượng không đồng nhất của các dự án các-bon… Để giải quyết các thách thức này, theo ThS. Lưu Hạnh Nguyên, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ các-bon. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về thị trường tín chỉ các-bon cho các doanh nghiệp; Tiêu chuẩn hóa hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV); Thúc đẩy hợp tác quốc tế và tham gia các cơ chế các-bon toàn cầu; Tăng cường tính minh bạch và chống lại hiện tượng tẩy xanh…

    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích thực trạng cũng như triển vọng phát triển thị trường tín chí các-bon tại Việt Nam, đưa ra các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia. Đối với nội dung phát triển bền vững, các đại biểu trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi về tài chính trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch sinh thái gắn với dược liệu… Thông qua Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và chuyên gia đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn