Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Chính sách phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

04/07/2022

    Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi đủ lớn để đảm bảo nguồn cung năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhà nước đóng vai trò quan trọng thông qua ban hành chính sách hợp lý, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Bài viết này tóm tắt nội dung của một nghiên cứu mới đây do Đại học Quốc gia Ôxtrâylia thực hiện về chính sách cần thiết để phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

    Để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về “không” vào năm 2050, Việt Nam cần nguồn cung cấp điện sạch đủ lớn để thay thế điện than. Điện gió ngoài khơi là nguồn cung tiềm năng. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á: 475 GW, tương đương khoảng 6 lần tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia hiện tại. Với chỉ số công suất khoảng 40 - 50%, điện gió ngoài khơi có khả năng cung cấp điện thường xuyên và ổn định hơn so với điện mặt trời và điện gió trên bờ. Ngoài ra, điện gió ngoài khơi có thể giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính và có tiềm năng củng cố an ninh quốc phòng.

    Việt Nam là nước có tốc độ phát triển điện gió nhanh thứ ba trên thế giới trong năm 2021, sau Trung Quốc và Anh. Trong 2021, đã có 20 dự án điện gió gần bờ được đưa vào hoạt động với tổng công suất khoảng 800 MW để kịp hưởng mức giá bán điện ưu đãi (feed-in tariff) theo Quyết định số 39/2018/TTg-QĐ của Thủ tướng Chính phủ kết thúc vào 31/10/2021. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam còn ở giai đoạn sơ khai.

    Rào cản lớn nhất hiện tại là cơ chế chính sách chưa hoàn thiện và đồng bộ, các thủ tục còn chưa thuận tiện, và năng lực kỹ thuật trong nước còn hạn chế. Quan trọng nhất là sau khi mức giá bán điện ưu đãi theo Quyết định 39 kết thúc thì hiện chưa có chính sách cụ thể để phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

    Để tháo gỡ các rào càn này, trước mắt cần đặt mục tiêu cao và rõ ràng về phát triển điện gió ngoài khơi. Có thể tham khảo mục tiêu mà Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: 11-25 GW đến năm 2035. Đặt mục tiêu cao là nguyên nhân thành công của Trung Quốc, Anh và Đức, ba cường quốc hàng đầu về điện gió ngoài khơi.

    Ngoài ra, có thể cân nhắc ban hành mức giá bán điện ưu đãi mới phù hợp với tình hình hiện tại để tiếp tục khuyến khích đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế đấu giá. Áp dụng tiêu chuẩn về tỷ lệ điện tái tạo trong tổng lượng điện (renewable portfolio standard) cho các nhà sản xuất và cung cấp điện cũng sẽ là giải pháp hợp lý thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi. Sớm áp dụng thuế các bon và thị trường các bon cũng sẽ giúp đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi.

    Đặc biệt là, cần sớm ban hành quy hoạch sử dụng không gian biển và quy trình thủ tục phát triển dự án điện gió rõ ràng và thuận lợi. Có thể xem xét áp dụng cơ chế một cửa tiếp nhận hồ sơ, với đầu mối là Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng để xây dựng thành công nền công nghiệp điện gió ngoài khơi. Song song với phát triển điện gió ngoài khơi, cần quan tâm phát triển hệ thống dự trữ năng lượng và lưới điện quốc gia.

    Hiện tại giá thành điện gió ngoài khơi còn ở mức cao. Tuy nhiên, mức giá đã và sẽ tiếp tục giảm nhanh khi thị trường toàn cầu đủ lớn. Cần chuẩn bị chính sách từ bây giờ để đón đầu cơ hội. Các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Quan trọng là cần cơ chế thông thoáng và ổn định để khơi thông nguồn lực tiềm năng này. Có thể xây dựng công nghiệp điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sạch sang Thái Lan, Singapore.

    Nếu tận dụng được thời cơ khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong ASEAN đạt được mục tiêu phát thải ròng về không, đồng thời đảm bảo được an ninh năng lượng.

    Toàn văn nghiên cứu gốc bằng tiếng Anh có thể tải về tại đây

TS. Đỗ Nam Thắng

 Đại học Quốc gia Ôxtrâylia

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2022)

Ý kiến của bạn