Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước

08/02/2023

    Ngày 1/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2023; bãi bỏ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước.

    Nghị định số 02/2023/NĐ-CP gồm 5 Chương, 51 Điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và công khai thông tin trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; trồng bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thăm dò, khai thác nước dưới đất; tổ chức lưu vực sông và việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.

    Cụ thể, Chương I - Quy định chung (gồm 5 điều, từ Điều 1 đến Điều 5): Chương này quy định những nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1); Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 2); Công khai thông tin (Điều 3); Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước (Điều 4); Tổ chức lưu vực sông (Điều 5).

    Chương II - Điều tra cơ bản tài nguyên nước (gồm 7 điều, từ Điều 6 đến Điều 12): Chương này quy định những nội dung về trách nhiệm thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước (Điều 6); Kiểm kê tài nguyên nước (Điều 7); Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước (Điều 8); Quan trắc tài nguyên nước (Điều 9); Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra (Điều 10); Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước (Điều 11); Báo cáo sử dụng tài nguyên nước (Điều 12). 

    Chương III - Bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (gồm 26 điều, từ Điều 13 đến Điều 42).

    Chương IV - Điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông (gồm 5 Điều, từ Điều 44 đến Điều 48): Chương này quy định những nội dung về: Các hoạt động trên lưu vực sông cần điều phối, giám sát (Điều 44); Nội dung, yêu cầu đối với hoạt động điều phối, giám sát trên lưu vực sông (Điều 45); Trách nhiệm của Bộ TN&MT (Điều 46); Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 47); Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 48).

    Chương V - Điều khoản thi hành (gồm 3 Điều, từ Điều 49 đến Điều 51): Chương này quy định những nội dung về: Sửa đổi bổ sung một số quy định về tài nguyên nước, bãi bỏ quy định của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Điều 49); Điều khoản chuyển tiếp (Điều 50); Điều khoản thi hành (Điều 51).

    Về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và công khai thông tin trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Nghị định quy định, đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm: đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đại diện đơn vị quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước chịu ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước của dự án và tổ chức, cá nhân khác có liên quan. 

    Đối với điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước, Nghị định cũng nêu rõ quy định về điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước (Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển; giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất). Tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép tài nguyên nước phải hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

    Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải có giấy phép như sau:

    Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm: Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 m3/giây đến 0,5 m3/giây (Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định của Nghị định này); Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 m3/ngày đêm đến 100.000 m3/ngày đêm); Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định này và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố; Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.

    Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép, bao gồm: Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều này; Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn