Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Cần có một quá trình chuyển dịch công bằng vì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5°C

04/05/2022

    Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tới cuộc sống của người dân nhiều nơi và gây ra mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia. Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra đòi hỏi một sự chuyển dịch nhanh chóng, đó là loại bỏ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một nền điện khí hóa sạch, nhưng điều này phải được thực hiện một cách công bằng. Hiện có sự khác biệt rất lớn về khả năng chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt của các quốc gia, trong khi vẫn phải duy trì nền kinh tế năng động, đồng thời mang lại một quá trình chuyển dịch công bằng. Một lịch trình loại bỏ dần việc sản xuất dầu và khí đốt với sự hỗ trợ đầy đủ cho các nước đang phát triển cần được đặt ra nhằm đáp ứng các cam kết về khí hậu.

Các nước giàu cần chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt vào năm 2034

    Theo một báo cáo mới từ Đại học Manchester công bố, các quốc gia giàu có phải chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt vào năm 2034 để thế giới có thể đi đúng lộ trình vì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5°C và cho các quốc gia nghèo có nguồn thu nhập từ sản xuất nhiên liệu hóa thạch thêm thời gian để thay thế nguồn thu này. Báo cáo đề xuất thời điểm loại bỏ sản xuất dầu và khí đốt của các quốc gia nhằm phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, cũng như cam kết về một quá trình chuyển dịch công bằng. Tính toán dựa trên mức độ giàu có, sự phát triển và sự phụ thuộc kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch khác nhau của các quốc gia, báo cáo này cho biết các quốc gia nghèo nhất cần thời gian đến năm 2050 để chấm dứt sản xuất nhưng các nước này cũng sẽ cần nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể để chuyển đổi nền kinh tế của họ. Báo cáo khuyến nghị rằng tất cả các quốc gia đều cần cắt giảm đáng kể sản lượng dầu khí trong thập kỷ này. Những quốc gia giàu có nhất, sản xuất hơn một phần ba lượng dầu và khí đốt của thế giới, phải cắt giảm sản lượng 74% vào năm 2030; những quốc gia nghèo nhất, chỉ cung cấp một phần chín nhu cầu toàn cầu, cần cắt giảm 14%.

    Nghiên cứu đã được hoàn thành trước khi Nga tấn công Ukraine. Nhưng giá dầu và khí đốt tăng cao chỉ làm củng cố thêm cho nghiên cứu đã đưa ra trong báo cáo, đó là nếu thế giới dành hai mươi năm qua để thiết lập việc sử dụng năng lượng hiệu quả và hợp lý cùng với việc xây dựng số lượng lớn các dự án năng lượng tái tạo, thì giờ đây thế giới đã không phải tìm kiếm nguồn cung cấp dầu khí thay thế và đối mặt với tác động của giá cả biến động. Đây chính là thời điểm các quốc gia nên lập kế hoạch cho một thế kỷ XXI sử dụng năng lượng tái tạo thay vì sống phụ thuộc vào dầu mỏ như thế kỷ XX.

    Khi các nước ký Thỏa thuận Paris của Liên hợp quốc, họ đồng ý rằng các quốc gia giàu có cần thực hiện các bước đi lớn hơn và nhanh hơn để cắt giảm lượng khí thải trong nền kinh tế của họ, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp các nước nghèo hơn dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nguyên tắc này đã được áp dụng cho sản xuất điện than, với việc Liên hợp quốc kêu gọi các nước giàu có trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngừng sử dụng than vào năm 2030 và phần còn lại của thế giới sẽ ngừng sử dụng vào năm 2040.

Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia lần đầu tiên đạt cột mốc sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021

    Các lộ trình chấm dứt sản xuất nhiên liệu hóa thạch, áp dụng các nguyên tắc tương tự đối với dầu và khí đốt. Báo cáo xác định mức sản lượng trong tương lai phù hợp với các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris và điều này có ý nghĩa gì đối với 88 quốc gia chịu trách nhiệm về 99,97% nguồn cung cấp dầu và khí đốt. Báo cáo đặt ra các lộ trình loại bỏ dầu khí khả thi cho năm nhóm quốc gia khác nhau dựa trên năng lực của họ nhằm thực hiện một quá trình chuyển đổi, loại bỏ nhanh chóng và đơn giản nhiên liệu hóa thạch.

    Để có 50% cơ hội hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên mức 1,5°C, báo cáo chỉ ra rằng: 19 quốc gia có năng lực tốt nhất, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ (GDP/đầu người) trên 50.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2034, với mức cắt giảm 74% vào năm 2030. Nhóm này sản xuất 35% lượng dầu và khí đốt toàn cầu và bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy, Canada, Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; 14 quốc gia có năng lực tốt, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ là gần 28.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2039, với mức cắt giảm 43% vào năm 2030. Nhóm này sản xuất 30% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Ả Rập Xê Út, Kuwait và Kazakhstan; 11 quốc gia có năng lực trung bình, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ 17.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2043, với mức cắt giảm 28% vào năm 2030. Các quốc gia này sản xuất 11% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, Brazil và Mexico; 19 quốc gia có năng lực thấp với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ là 10.000 USD, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2045, với mức cắt giảm 18% vào năm 2030. Các quốc gia này sản xuất 13% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Indonesia, Iran và Ai Cập; 25 quốc gia có năng lực thấp nhất, với GDP bình quân đầu người không tính từ nguồn dầu mỏ là 3.600 đô la, phải chấm dứt sản xuất dầu khí vào năm 2050 với mức cắt giảm 14% vào năm 2030. Các quốc gia này sản xuất 11% lượng dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Iraq, Libya, Angola và Nam Sudan.

    Thời gian để chúng ta giới hạn mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C còn lại rất ít. Mặc dù lộ trình này cho các quốc gia nghèo hơn nhiều thời gian hơn để loại bỏ dần sản lượng dầu và khí đốt, nhưng họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mất thu nhập. Một quá trình chuyển dịch công bằng sẽ đòi hỏi mức hỗ trợ tài chính đáng kể cho các nước sản xuất dầu khí nghèo hơn, để họ có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của mình trong khi chuyển sang các nền kinh tế phát thải ít các-bon, và đối phó với các tác động ngày càng tăng của khí hậu.

    Trong khi phần lớn mọi người đã hiểu rằng cần phải loại bỏ khẩn cấp việc sản xuất than trên toàn cầu, báo cáo này đã minh họa rất rõ ràng nguyên nhân chúng ta cần phải loại bỏ sản xuất dầu và khí đốt. Và nó cho thấy rằng tốc độ và thời gian chấm dứt sản xuất nhiên liệu hóa thạch cần phải diễn ra nhanh chóng. Tình trạng cấp bách này đã được chứng minh một cách đầy bi thảm bởi các sự kiện địa chính trị gần đây, những sự kiện giúp làm sáng tỏ quan điểm rằng tại sao thế giới có nhiều lý do để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch”.

    Các lộ trình đề xuất cho việc cắt giảm sản lượng dầu và khí đốt phụ thuộc vào việc loại bỏ than đá trên toàn cầu một cách nhanh chóng. Báo cáo lưu ý rằng nhiều quốc gia nghèo hơn dựa vào sản xuất than trong nước cho nhu cầu năng lượng của họ: gần 3/4 lượng than trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 1,5°C mà không cần cắt giảm chặt chẽ hơn nữa đối với dầu và khí đốt, sản lượng than phải đạt đỉnh ở các nước đang phát triển vào năm 2022 và chấm dứt vào năm 2040, trong khi các nước phát triển phải loại bỏ toàn bộ sản lượng than vào năm 2030.

Con đường điện khí hóa sạch sẽ dẫn đến một khí hậu an toàn

    Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia đang nỗ lực thực hiện nhằm đưa lĩnh vực năng lượng đi đúng hướng để hạn chế mức tăng nhiệt ở 1,5°C. Con đường điện khí hóa sạch sẽ dẫn đến một khí hậu an toàn. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời rẻ, sạch, an toàn có thể mở rộng và sẽ là xương sống của hệ thống điện trong tương lai. Báo cáo thường niên lần thứ ba của Ember có tên Báo cáo Đánh giá ĐIện năng toàn cầu đã phân tích dữ liệu điện năng của 209 quốc gia từ năm 2000 tới 2020, với các dữ liệu mới nhất của năm 2021 trên 95 quốc gia đại diện cho 93% nhu cầu điện năng toàn cầu. Báo cáo cho thấy, điện gió và điện mặt trời là hai nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất, đã đạt kỷ lục 10% năng lượng toàn cầu trong năm 2021. Theo đó, có 50 quốc gia trên thế giới sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021, trong đó có cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bảy quốc gia mới lần đầu tiên đạt được cột mốc này trong năm 2021 gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Argentina, Hungary và El Salvador. Trên toàn cầu, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời đã tăng gấp đôi kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015.

    Việt Nam đã cho thấy một trong những quá trình chuyển dịch nhanh chóng nhất từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời trong năm 2021 và chạm tới cột mốc 10%, dù trước đó con số chỉ là 3% trong năm 2020. Sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam tăng tới 11% trên tổng sản lượng, điều này cho thấy việc nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi. Việt Nam cũng trải qua giai đoạn phát triển đáng kinh ngạc trong lĩnh vực điện mặt trời khi sản lượng tăng 337% (+17 TWh) trong duy nhất một năm và trở thành một trong 10 quốc gia có sản lượng điện mặt trời lớn nhất thế giới trong năm 2021. Sự tăng trưởng trong lĩnh vực điện mặt trời này đồng nghĩa rằng, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á đáp ứng được nhu cầu điện tăng thêm bằng điện gió và điện mặt trời.

    Nhu cầu điện toàn cầu đã tăng trở lại sau đại dịch với mức tăng hàng năm lớn nhất từ ​​trước đến nay trong năm 2021 (+1,414 TWh). Mặc dù đạt được mức tăng trưởng kỷ lục trong sản xuất điện gió và điện mặt trời, thì những nguồn này chỉ đáp ứng được 29% nhu cầu điện gia tăng trên toàn cầu vào năm 2021, phần nhu cầu còn lại được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong năm 2021, điện than đã có một giai đoạn phát triển nhanh nhất kể từ năm 1985 (+9%), trong khi điện khí chỉ tăng 1%. Sự gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã đẩy lượng phát thải CO2 của ngành điện toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2018 là 3%.

    Tuy nhiên, tại Việt Nam, do tỷ trọng của điện gió và điện mặt trời tăng, cho nên tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 73% xuống 63%. Nếu những xu hướng này có thể được nhân rộng trên toàn cầu và duy trì, ngành điện sẽ đi đúng hướng để đạt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,50C. Theo Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để có thể nắm trong tay mục tiêu này, điện gió và điện mặt trời cần đạt mốc 40% điện năng toàn cầu vào năm 2030, trong khi điện than cần giảm từ 36% xuống chỉ còn 8%.

    Có thể thấy, ngay cả khi lượng khí thải từ điện than đạt mức cao nhất từ trước tới nay thì vẫn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình chuyển đổi điện toàn cầu đang diễn ra tốt đẹp. Điện gió và điện mặt trời được thêm vào lưới điện nhiều hơn bao giờ hết. Và điều này không chỉ ở một vài quốc gia, mà trên toàn thế giới. Điều này có thể và được kỳ vọng sẽ cung cấp phần lớn lượng điện sạch cần thiết để dần thay thế tất cả điện từ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời giúp tăng cường an ninh năng lượng để đảo ngược sự gia tăng khí thải toàn cầu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Nguyễn Vũ Phương Linh

Mạng lưới Báo chí Biến đổi khí hậu và Năng lượng

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

 

Ý kiến của bạn