Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Các nước trên thế giới cần tăng cường hợp tác và trao đổi nhằm giảm thiểu ô nhiễm gây ra từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật

11/09/2024

    Có thể nói, việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân cùng cộng đồng dân cư tại các vùng nông nghiệp, góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước, hạn chế ô nhiễm đất, không khí và tiến tới sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Nhân dịp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), CropLife Quốc tế, EuroCham và CropLife Việt Nam đồng tổ chức “Hội nghị Quốc tế về Quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật năm 2024” tại thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn TS. Andrew Ward - Giám đốc Stewardship, CropLife Quốc tế và TS. Tan Siang Hee - Giám đốc điều hành, CropLife Châu Á về các giải pháp nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm do vỏ bao gói thuốc BVTV tại các quốc gia trong khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

    PV: Xin ông cho biết việc quản lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và các loại nhựa nông nghiệp ở các quốc gia trên thế giới hiện nay như thế nào? Kinh nghiệm của các nước có thể áp dụng tại Việt Nam?

TS. Andrew Ward - Giám đốc Stewardship, CropLife Quốc tế

    TS. Andrew Ward - Giám đốc Stewardship, CropLife Quốc tế: Trong năm 2023, tỷ lệ thu hồi bao gói thuốc BVTV trên toàn cầu đạt xấp xỉ 66%. Theo chúng tôi được biết, đây là tỷ lệ thu hồi cao khi so với các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với con số này và đang tìm cách để xây dựng các hệ thống quản lý bao gói mới cũng như nâng cao hiệu quả của các hệ thống hiện có. Việc chia sẻ kinh nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề này. Đó cũng là mục tiêu chính mà CropLife tổ chức Hội nghị Quốc tế về Quản lý bao gói thuốc BVTV năm 2024 tại Việt Nam. Các chuyên gia trong cộng đồng toàn cầu của chúng tôi, đại diện cho 69 quốc gia đã tham gia chia sẻ dữ liệu và kinh nghiệm nhằm mục tiêu cùng nhau phát triển. Hội nghị tương tự đã được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2022 và sau hội nghị, quốc gia này đã đạt được nhiều thành tựu trong việc quản lý bao gói. Trên cơ sở này, chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng cho Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia tại Phiên thảo luận chiều ngày 4/9/2024

    PV: Tại Hội ngh Quốc tế về Quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật năm 2024, bên cạnh việc tập trung đến quản lý bao gói thuốc BVTV trong đó có Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và tiến bộ trong quản lý bao gói thuốc để khám phá những cơ hội tiềm năng và cách chúng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý bao gói thuốc BVTV trong tương lai. Với vai trò đơn vị đồng tổ chức, xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?

    TS. Andrew Ward - Giám đốc Stewardship, CropLife Quốc tế: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và các tiến bộ trong quản lý bao gói thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý, từ đó nâng cao quy mô và hiệu quả của Hệ thống quản lý bao gói thuốc BVTV. Có thể thấy, trên thế giới, EPR cung cấp cho các ngành công nghiệp bối cảnh về pháp lý nhằm hỗ trợ cho quá trình thu gom bao gói sau sử dụng. Chúng tôi ủng hộ cho việc cân nhắc một cơ chế cụ thể trong quản lý bao gói thuốc BVTV, vốn hàm chứa mức độ rủi ro nhất định và khác biệt so với việc quản lý các loại chất thải nhựa khác. Ngoài ra, phí EPR đóng góp từ ngành BVTV có thể được phân bổ để thiết lập Hệ thống quản lý bao gói mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng để quản lý các loại nhựa trong nông nghiệp. Có rất nhiều tiến bộ trong quản lý bao gói được xây dựng trong thời gian qua, bao gồm các đổi mới trong giao tiếp với hộ nông dân, máy phân loại, máy nghiền, và mới đây nhất là những cải tiến trong kỹ thuật tái chế máy móc hoặc hóa chất.

    PV: Việt Nam nằm trong top các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cùng với diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, ước tính mỗi năm Việt Nam phát sinh hàng trăm tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật các loại và còn tồn dư lượng hóa chất sau sử dụng. Vậy ông có nhận đình gì về thực trạng quản lý BVTV tại Việt Nam hiện nay?

    TS. Tan Siang Hee - Giám đốc điều hành, CropLife Châu Á: Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, do đó các hoạt động thực hành nông nghiệp tại quốc gia, bao gồm cả việc quản lý thuốc BVTV, cũng nhận được sự quan tâm rất lớn. Quản lý bao gói và dư lượng thuốc BVTV là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực bền bỉ không chỉ tại riêng Việt Nam mà còn tại các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

    Những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong phương pháp tiếp cận quản lý thuốc BVTV. Mới đây, Hiệp hội CropLife châu Á đã phối hợp cùng với Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) ký kết Bản Ghi nhớ Hợp tác triển khai Chương trình “Khung Quản lý thuốc  BVTV bền vững” (SPMF). Bản ghi nhớ nhấn mạnh cam kết của các bên trong việc tăng cường các thực hành quản lý thuốc BVTV, đặc biệt chú trọng tới việc thúc đẩy sử dụng thuốc có trách nhiệm, nâng cao nhận thức của nông dân và xây dựng các hệ thống thu gom bao gói sau sử dụng.

TS. Tan Siang Hee - Giám đốc điều hành, CropLife châu Á

    Chúng tôi cũng đang tích cực tham gia thúc đẩy triển khai các giải pháp như chương trình Quản lý bao gói sau sử dụng (Empty Container Managemetn - ECM), tập trung vào quá trình xử lý và tái chế an toàn các bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Dẫu vậy, các nỗ lực bền bỉ trong việc cải thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường hợp tác công - tư và thúc đẩy tập huấn ngay tại thực địa cho nông dân vẫn đóng vai trò then chốt, nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực của sử dụng thuốc BVTV không đúng cách tới môi trường và đảm bảo sự bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

    PV: Hiện nay, việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật BVMT; Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và tại Điều 3, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT. Với góc nhìn của CropLife, ông thấy việc triển khai các quy định trên đã giải quyết bài toán quản lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng như thế nào? Những hạn chế cần khắc phục thời gian tới?

    TS.Tan Siang Hee - Giám đốc điều hành, CropLife Châu Á: Hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam về quản lý bao gói thuốc BVTV, được quy định tại Luật BVMT, Nghị định và Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc quản lý và xử lý bao gói một cách có trách nhiệm. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về môi trường phát sinh từ việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, thông qua việc đưa ra các yêu cầu cụ thể về thu gom và xử lý bao gói sau sử dụng.

    Với góc nhìn của CropLife, các quy định này đã tạo ra nền tảng thiết yếu trong công tác quản lý, tuy nhiên, tính hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào thực trạng tuân thủ nhất quán, mức độ triển khai thực tế và sự tham gia của nông dân. Khung pháp lý hiện tại cần được củng cố thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả nhằm hỗ trợ cho các điểm thu gom và tiêu huỷ, đặc biệt tại các vùng nông thôn và khó tiếp cận, vốn là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam.

    Để thực thi các quy định này hiệu quả, Việt Nam cần giải quyết một số hạn chế hiện nay, bao gồm triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và tập huấn cho nông dân về cách xử lý bao gói đúng cách, tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân tới các điểm thu gom và phát triển các cơ chế khuyến khích sự tham gia của người dân. Ngoài ra, việc thúc đẩy mô hình đối tác công – tư, ví dụ như sự hợp tác giữa Chính phủ và Hiệp hội CropLife Việt Nam, cũng đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên bằng cách thúc đẩy các giải pháp cải tiến và mở rộng tiếp cận tới nông dân. Những nỗ lực này sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được tiến bộ bền vững trong quản lý bao gói trong thời gian tới.

    PV: Ông kỳ vọng gì về kết quả Hội nghị quốc tế về Quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật năm 2024 (CMS 2024) lần này. Đồng thời, ông có đề xuất gì với các cơ quan chức năng nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm do vỏ bao gói thuốc BVTV tại các quốc gia trong khu vực trên thế giới trong đó có Việt Nam?

    TS. Tan Siang Hee - Giám đốc điều hành, CropLife Châu Á: Hội nghị quốc tế về Quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật năm nay (CMS 2024) tạo ra một diễn đàn tăng cường hợp tác và trao đổi về những thách thức toàn cầu liên quan đến quản lý bao gói. Chúng tôi kỳ vọng CMS 2024 sẽ thúc đẩy đối thoại về các giải pháp cải tiến, mang tính khả thi cao trong việc quản lý bao gói bền vững, và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư. Chúng tôi trông đợi Hội nghị năm nay sẽ nêu bật các thực hành tốt từ ​​các nước trên thế giới, đồng thời kêu gọi các cam kết mới nhằm giảm thiểu ô nhiễm gây ra từ bao gói thuốc BVTV.

Phiên thảo luận sáng ngày 5/9/2024

    Với hướng tiếp cận đa chiều, chúng tôi tin tưởng các nguy cơ ô nhiễm từ vỏ bao gói thuốc BVTV sẽ mau chóng được giải quyết. Qua đây, chúng tôi cũng có một vài khuyến nghị dành cho các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, cụ thể như sau:

    Thứ nhất, nâng cao khuôn khổ pháp lý: Chính phủ cần xem xét tăng cường các quy định hiện hành và đảm bảo các chính sách này phù hợp với các thực hành tốt trên thế giới về quản lý bao gói thuốc BVTV, bao gồm việc ban hành các hướng dẫn cụ thể về thu gom và xử lý bao gói một cách an toàn.

    Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý bao gói sau sử dụng: Thiết lập các điểm thu gom dễ tiếp cận, đặc biệt tại các vùng nông thôn, và xây dựng các cơ sở tiêu huỷ phù hợp, hiệu quả nhằm hạn chế việc xử lý không đúng cách và ô nhiễm môi trường.

    Thứ ba, thúc đẩy Hợp tác công - tư: Chính phủ cần tích cực hợp tác với khối tư nhân, bao gồm các tổ chức như CropLife, nhằm tận dụng hiệu quả chuyên môn, nguồn lực và công nghệ. Sự hợp tác này sẽ đẩy mạnh sự phát triển các giải pháp sáng tạo, thân thiện với môi trường và đảm bảo thực thi các quy định một cách hiệu quả.

    ​Thứ tư, xây dựng các chiến dịch nâng cao nhận thức: Chính phủ cần tiếp tục đầu tư cho các chương trình giáo dục cho nông dân, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của xử lý bao gói đúng cách, từ đó thúc đẩy các chương trình hướng dẫn về sử dụng thuốc BVTV một cách có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả, kể đến như sáng kiến ​​Quản lý bao gói sau sử dụng (ECM) đã triển khai thành công tại một số khu vực.

    ​Thứ năm, khuyến khích sự tham gia: Áp dụng các cơ chế khuyến khích sự tham gia tích cực của nông dân và các bên liên quan trong quá trình thu gom và tái chế bao gói sau sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình.

    ​Cuối cùng, vấn đề cốt lõi cần chú ý là đảm bảo tính bền vững. Để đảm bảo điều này, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới cần phát triển ngành nông nghiệp đi đôi với việc ưu tiên bảo vệ môi trường và quản lý thuốc BVTV một cách có trách nhiệm.

    PV: Trân trọng cảm ơn các ông đã trả lời phỏng vấn!

Phạm Đình (Thực hiện)

Ý kiến của bạn