Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Các dự án phải chấp hành nghiêm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải

24/08/2023

    Theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trừ một số trường hợp, còn lại tất cả các dự án sau khi được cấp Giấy phép môi trường đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, nhằm kiểm tra, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp với yêu cầu về BVMT đối với công trình xử lý chất thải của chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

    Khoản 1, Điều 46, Luật BVMT năm 2020 quy định: “Công trình BVMT và vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư sau khi được cấp Giấy phép môi trường bao gồm: Vông trình xử lý chất thải là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại”. Theo đó, chủ đầu tư dự án phải thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan cấp Giấy phép môi trường trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để theo dõi, giám sát; trường hợp cơ quan cấp Giấy phép môi trường là Bộ TN&MT thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh để phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

    Thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải từ 3 - 6 tháng đối với trường hợp dự án là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn; đối với các dự án khác do chủ dự án đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm nhưng không quá 6 tháng.

    Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm. Trường hợp dự án thuộc đối tượng quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, phải tổ chức theo dõi, giám sát kết quả quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục có camera theo dõi và kết nối, truyền số liệu về cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh nơi triển khai dự án. Bên cạnh đó, tự thực hiện quan trắc khi đáp ứng theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TN&MT hoặc phối hợp với tổ chức có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để quan trắc chất thải, đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải.

    Đặc biệt, trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án, nếu chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp như: Dừng hoạt động hoặc giảm công suất của dự án đầu tư để bảo đảm các công trình xử lý chất thải hiện hữu có thể xử lý những loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải và Giấy phép môi trường; rà soát các công trình, thiết bị xử lý chất thải, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và đưa ra giải pháp khắc phục; cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung (nếu có) các công trình xử lý chất thải để đáp ứng yêu cầu về BVMT theo quy định.

    Trong trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường, chủ dự án đầu tư phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp Giấy phép môi trường để được hướng dẫn giải quyết; trường hợp cơ quan cấp Giấy phép môi trường là Bộ TN&MT thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh để phối hợp giải quyết các vấn đề về môi trường; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải lập kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải hoặc từng hạng mục công trình xử lý chất thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải để vận hành lại.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn