Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Bàn về bài toán quản lý chất lượng môi trường không khí quy mô quốc gia và quy mô tỉnh, thành phố ở Việt Nam

19/09/2022

    Quản lý chất lượng không khí (CLKK) là một hệ thống gồm nhiều công việc phải thực hiện trong một giai đoạn nhất định, có thể kể đến như: Quản lý những gì; Ai, cơ quan nào phải quản lý CLKK; Quản lý bằng phương pháp/công cụ nào; Kết quả mong đợi đối với CLKK. Tất cả những gì liên quan đến CLKK đều cần được quản lý. Tuy nhiên, có thể nêu những điểm chính cần quản lý gồm: Kiểm kê khí thải; Xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống monitoring CLKK; Xử lý số liệu, chạy mô hình đánh giá và công bố số liệu về CLKK; Tìm kiếm các giải pháp giảm khí thải, nâng cao hoặc duy trì CLKK.

    Chủ thể và/hoặc người chịu trách nhiệm quản lý CLKK

    Các cơ quan quản lý CLKK các cấp như Quốc hội, Chính phủ ở cấp cao nhất, các Bộ, ngành chịu trách nhiệm từng mảng liên quan, trong đó Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính ở quy mô quốc gia. Ở các tỉnh, thành phố đều có tổ chức ngành dọc tương ứng ở quy mô địa phương mình.

    Phương pháp và công cụ áp dụng trong quản lý CLKK

    Hiện nay, có nhiều phương pháp, công cụ có thể áp dụng để quản lý CLKK, tiêu biểu như: Công cụ luật pháp chính sách; Công cụ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; Công cụ kinh tế.

    Công cụ luật pháp chính sách có tính quyết định đối với hiệu quả quản lý CLKK. Việt Nam đã ban hành Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Bộ TN&MT và một số Bộ, ngành liên quan cũng đã có Thông tư, văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý CLKK. Ngày 29/4/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí; Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; Phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí; Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng môi trường không khí; Phối hợp với các Bộ có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí.

    Công cụ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả công tác quản lý CLKK. Với sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chúng ta có thể áp dụng nhiều phương pháp đánh giá CLKK mới, hiện đại hơn, có nhiều thiết bị mới đo đạc, phân tích chính xác hơn, sử dụng tiện lợi hơn nên kết quả thu được rất hữu dụng. Hiện tại, Việt Nam chưa thể xây dựng được phương pháp, chưa chế tạo được thiết bị, chưa tạo được phần mềm chuyên dụng phục vụ quản lý CLKK nhưng chúng ta có thể mua để sử dụng. Vấn đề đặt ra là chọn được giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ phù hợp để áp dụng và sử dụng thì chúng mới phát huy hết tác dụng và cho kết quả tốt, hiệu quả cao. Đã có những bài học khi chúng ta chưa chọn được công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường nên đã xảy ra một số tác động, tác hại môi trường, thậm chí là sự cố đáng tiếc. Vì vậy, phải lựa chọn các phương pháp thực hiện tốt nhất có thể, mua sắm, lắp đặt được thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý chất thải, thiết bị giám sát, đo đạc phát thải, đo đạc các yếu tố đặc trưng cho CLKK tốt nhất có thể.

    Công cụ kinh tế được coi là dễ áp dụng và có hiệu quả sử dụng cao. Công cụ kinh tế giúp các chủ thể chủ động lập kế hoạch BVMT thông qua việc lồng ghép chi phí BVMT vào giá thành sản phẩm để không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên bởi nó tác động trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân và doanh nghiệp nên khi tiến hành sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng, các chủ thể phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận thông qua việc thường xuyên cải tiến công nghệ kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm.Sử dụng công cụ kinh tế có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, tạo ra một nguồn tài chính dồi dào và cần thiết từ toàn xã hội để quản lý và BVMT. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý CLKK, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các hoạt động, giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm không khí và tăng cường lý hiệu quả quản lý CLKK như tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn; xây dựng và ban hành quy định về chuẩn kết nối và yêu cầu kết nối số liệu trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, các địa phương và khu công nghiệp. Một số công cụ khác như ký quỹ môi trường, xác định hạn ngạch phát thải, kiểm soát tuân thủ phát thải… cũng đã và đang được các nhà khoa học nghiên cứu để đề xuất đưa vào áp dụng ở thời điểm thích hợp.

    Kết quả mong đợi đối với quản lý CLKK

    Kết quả quản lý CLKK có thể đánh giá qua mức độ hoàn thành các công việc như: Có được cơ sở dữ liệu tốt về nguồn thải, mức thải của các nguồn thải; Có bộ số liệu đo nồng độ các chất ô nhiễm tại các điểm đo, điểm tính, lưới tính và xử lý để có được thông số, làm rõ được phân bố CLKK theo không gian và diễn biến theo thời gian; Có kế hoạch cụ thể, khả thi để duy trì, nâng cao CLKK ở nơi chưa bị ô nhiễm không khí và kế hoạch xử lý, giảm thiểu phát thải, giảm nồng độ chất ô nhiễm trong không khí ở những địa phương, nơi CLKK đã bị suy giảm mức nghiêm trọng, ô nhiễm không khí đã xảy ra.

    Phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết ô nhiễm không khí đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Môi trường không khí có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự sống trên Trái đất. Vì vậy, bảo vệ chất lượng không khí, gìn giữ không khí trong sạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.

GS. TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022)

    Tài liệu tham khảo:

    1. Hoàng Xuân Cơ, Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trong kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Tạp chí Kinh tế Môi trường online, ngày 20/7/2022.

    2. https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-he-thong-quan-trac-moi-truong-trong-ke-hoach-quan-ly-chat-luong-khong-khi-69233.html

    3. Hoàng Xuân Cơ, Khả năng đánh giá chất lượng không khí giai đoạn 2022 - 2030, Tạp chí Kinh tế Môi trường online, ngày 8/4/2022.

    4. https://kinhtemoitruong.vn/kha-nang-danh-gia-chat-luong-khong-khi-giai-doan-2022-2030-65894.html.

 

Ý kiến của bạn