Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Xây dựng khu công nghiệp xanh - Hướng đi mới bền vững cho doanh nghiệp

08/08/2015

     Ngày 6/8/2015, tại Ninh Bình, Bộ Kế hoạc và đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo giới thiệu các hoạt động của Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam".

     Với mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái, góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường, hướng tới sản xuất sạch và tiết kiệm chi phí sản xuất, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2014, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 4.554.000 USD từ Quỹ môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO. Dự án sẽ triển khai thí điểm tại các KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ).

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, mô hình KCN sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện, đóng góp tích cực cho việc thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Thông qua Dự án, các doanh nghiệp trong các KCN sẽ được đào tạo về sản xuất sạch hơn, được hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ để sử dụng tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải ra môi trường theo quy trình toàn diện gồm: Lập hồ sơ vay vốn và được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi, được xác nhận là KCN sinh thái. Bên cạnh việc đem lại lợi ích thiết thực về cắt giảm tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất ở các doanh nghiệp, qua đó, giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh; đồng thời, góp phần giảm phát thải khí nhà kính khoảng 182.000 tấn/năm; giảm 6 triệu m³ nước thải mỗi năm.

     Đánh giá cao những lợi ích mà Dự án mang lại cho tỉnh Ninh Bình nói chung và các doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định, việc triển khai Dự án là rất kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh Ninh Bình cam kết tham gia Dự án này với vốn đối ứng trên 10 triệu USD để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Khánh Phú. Phó Chủ tịch tỉnh mong muốn, thông qua Dự án, nhiều nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư nước ngoài tìm thấy cơ hội đầu tư, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp tại Ninh Bình.

     Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay cản trở việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho sản xuất và cải tiến công nghệ là năng lực lập hồ sơ vay vốn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Chúc - Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững Vùng cho biết, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tài chính và kỹ thuật của Dự án sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian chuẩn bị, loại bỏ sai sót không đáng có để tiếp cận được các nguồn tài chính ưu đãi từ dự án. Hiện các chuyên gia của Dự án đang xây dựng một cuốn Sổ tay hướng dẫn nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN tham gia thí điểm Dự án có sự hiểu biết tốt hơn về các cách tiếp cận và hưởng lợi từ các quỹ tín dụng xanh là các đối tác của Dự án: Quỹ Ủy thác tín dụng xanh; Quỹ BVMT Việt Nam; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia.

     KCN Khánh Phú có diện tích 351,07 ha, hiện có 32 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động ổn định. Qua khảo sát của UNIDO và Bộ KH&ĐT có 8 doanh nghiệp có tiềm năng để chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch hơn, với mức tiết kiệm ước tính khoảng 5 - 20% năng lượng, 10 - 30% nước và nếu thực hiện chuyển đổi thành công các doanh nghiệp có thể cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của mình, giúp nâng tầm hình ảnh và thương hiệu công ty.

 

Hương Trần

 

 

 

Ý kiến của bạn