Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Xây dựng Công viên động vật hoang dã tại Ninh Bình

04/05/2015

     Chính phủ Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã có cam kết thực hiện Công ước Cites về bảo vệ các loài động vật hoang dã. Việt Nam thừa nhận sự cần thiết bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, trong đó quan tâm tới các khía cạnh bảo vệ và phát triển rừng cũng như BVMT như là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai. Trên thế giới, hầu hết mỗi quốc gia đều xây dựng các công viên động vật hoang dã để bảo tồn kết hợp giáo dục BVMT cho các tầng lớp dân cư trong xã hội thông qua tham quan, học tập, nghiên cứu, đồng thời kết hợp với dịch vụ du lịch.

     Ngày 29/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Công viên động vật hoang dã quốc gia được xây dựng tại xã Kỳ Phú và Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với quy mô 1.155,43 ha. Tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 7.368 tỷ đồng, trong đó, vốn xã hội hóa khoảng 5.247 tỷ đồng (71,2%); Ngân sách nhà nước khoảng 2.121 tỷ đồng (28,8%).

     Mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn, cứu hộ, phát triển và lưu trữ nguồn gen các loài động vật hoang dã, ưu tiên các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường kết hợp với du lịch sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

     Mục tiêu cụ thể của Đề án là bảo tồn, cứu hộ, phát triển khoảng 3.000 cá thể thuộc 250 loài động vật; tổ chức gây nuôi các loài động vật trong môi trường bán tự nhiên; tạo hiện trường và cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, giáo dục môi trường và tài nguyên thiên nhiên; thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

 

Công viên động vật hoang dã tại Ninh Bình được xây dựng dựa vào vùng lõi của VQG Cúc Phương

 

     Dự án xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia gồm các phân khu chính: Phân khu cây xanh sinh thái; Phân khu động vật hoang dã; Phân khu chăm sóc - nghiên cứu phát triển các loài động vật hoang dã; Phân khu trung tâm dịch vụ; Phân khu vui chơi giải trí, Phân khu tái định cư và nhà công vụ, nhà ở cán bộ công nhân viên và dịch vụ.

     Trong đó phân khu động vật hoang dã sẽ là tâm điểm của dự án với diện tích trên 400 ha và được tổ chức theo các mô hình cảnh quan đặc trưng của các phân vùng trên thế giới như sa mạc châu Phi, các bộ lạc Nam Mỹ và các vùng rừng rậm nhiệt đới châu Á. Trục cảnh quan gắn kết các khu chức năng sẽ bao gồm hồ nước nhân tạo được tổ chức trải dài theo khu đất, kết hợp với cảnh quan đồi núi tạo nên một sinh cảnh đặc biệt mang dáng dấp đặc trưng của Ninh Bình. Đồng thời, các công trình dịch vụ được bố trí thành từng cụm nhỏ bám theo trục cảnh quan là những điểm nhấn trong tổng thể khu vực; trục giao thông lớn hướng vào phân khu động vật hoang dã từ quảng trường trung tâm tạo nên sức hút cho khu vực này. Đối trọng với khung cảnh yên tĩnh và hoang dã của phân khu động vật hoang dã là phân khu vui chơi giải trí theo chủ đề. Các công trình vui chơi giải trí tại khu vực này mang tính hoạt náo cao với các công trình mang dáng vẻ vui nhộn.

     Để quản lý và vận hành Dự án, UBND tỉnh đã có Quyết định số 551/QĐ-UBND ngày 31/7/2013 thành lập Ban quản lý Công viên động vật hoang dã quốc gia Ninh Bình (Ban quản lý) trực thuộc Sở NN&PTNT. Đến cuối năm 2014, Ban Quản lý đã từng bước ổn định tổ chức và hoạt động đạt được nhiều kết quả như tiến hành công bố quy hoạch xây dựng Công viên động vật hoang dã quốc gia đến với các tổ chức và cá nhân; hoàn thành công tác cắm mốc giới theo quy hoạch; hoàn thiện Đề án tổng thể; ký kết biên bản ghi nhớ với tổ chức Four Paws (Cộng hòa Liên bang Đức) về việc đầu tư xây dựng, duy trì một trung tâm cứu hộ gấu; triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi thú dữ châu Á...

     Dự án được phân kỳ đầu tư trong 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2015; giai đoạn 2 từ 2016 - 2020 và giai đoạn 3 từ 2020 đến 2025 sẽ đưa toàn bộ Dự án vào hoạt động và khai thác.

 

Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015

Ý kiến của bạn