Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 12/12/2024

Xây dựng Báo cáo các vấn đề trọng tâm trong quản lý đa dạng sinh học

15/09/2015

       Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Xây dựng Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) và lồng ghép ĐDSH vào quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, ngày 13/12/2013, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn ĐDSH (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng Báo cáo các vấn đề trọng tâm trong quản lý ĐDSH tại Việt Nam.   Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Hội Thảo        Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam có đến 164 vườn quốc gia, khu bảo tồn (KBT). Ngoài ra, hệ thống KBT biển, KBT nước nội địa cũng đã được quy hoạch. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì tính toàn vẹn của nguồn gen, loài, quần thể và các hệ sinh thái.      Hiện nay, có nhiều văn bản pháp luật được ban hành, từng bước hoàn thiện khung pháp lý theo xu thế chung của thế giới, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cương quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…      Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu định hướng xây dựng báo cáo tóm tắt chính sách về các vấn đề trọng tâm trong quản lý ĐDSH và những thách thức, bất cập về tổ chức thể chế trong quản lý nhà nước về ĐDSH và quản lý các KBT ở Việt Nam.      Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), bảo tồn ĐDSH là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam; hệ thống thể chế và năng lực quản lý còn yếu; các văn bản pháp luật về ĐDSH thiếu tính hệ thống, chưa nhất quán và còn nhiều bất cập, chồng chéo. Do đó, cần xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về ĐDSH và quản lý KBT một cách có hiệu quả, phù hợp với bối cảnh Việt Nam.      Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận cũng như đóng góp nhiều sáng kiến cho công tác quản lý ĐDSH ở Việt Nam, nhằm xây dựng Báo cáo các vấn đề trọng tâm trong quản lý ĐDSH với đầy đủ các nội dung về tổ chức, thể chế, tài chính cho bảo tồn ĐDSH và kiểm soát buôn bán, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.   Theo VEA  
Ý kiến của bạn