Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

WWF hỗ trợ duy trì bền vững nghề khai thác ghẹ xanh Kiên Giang

10/01/2014

     Trong số các nghề khai thác thủy hải sản từ tự nhiên, khai thác ghẹ là nghề lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau nghề khai thác cá ngừ, hiện đang thu hút khoảng 20.000 ngư dân. Hoạt động đánh bắt ghẹ xanh tại tỉnh Kiên Giang đang đặt ra vấn đề về BVMT, duy trì nguồn lợi thủy sản và sinh kế của chính bà con nơi đây. Hiện nay, Câu lạc bộ Ghẹ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Sở NN&PTNT Kiên Giang và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã tiến hành một chương trình nhằm xác định và giải quyết các vấn đề cần ưu tiên trong công tác quản lý nghề khai thác ghẹ xanh ở Kiên Giang. Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Quản lý Chương trình Khai thác Thủy sản của WWF tại Việt Nam đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh về vấn đề này.

     Xin bà cho biết, tầm quan trọng của nghề khai thác ghẹ xanh từ tự nhiên đối với nền kinh tế quốc gia và các cộng đồng địa phương đang tham gia khai thác?

     Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Khai thác ghẹ là một nghề khai thác nhỏ so sánh với nhiều nghề khác như khai thác cá ngừ, khai thác cá, tôm bằng lưới kéo... Tuy nhiên, về mặt xuất khẩu, ghẹ mang lại giá trị kim ngạch lớn thứ hai trong số các sản phẩm thủy sản khai thác từ tự nhiên, chỉ sau cá ngừ. Khai thác ghẹ ở Việt Nam chủ yếu là khai thác ghẹ đỏ và ghẹ xanh. Ghẹ đỏ được khai thác rải rác khắp cả nước trong khi ghẹ xanh được khai thác tập trung chủ yếu ở tỉnh Kiên Giang. Tổng giá trị xuất khẩu ghẹ năm 2010 là 110 triệu USD.

 


Hoạt động thu thập số liệu sinh học của ghẹ xanh tại Kiên Giang

 

     Nghề khai thác ghẹ xanh ở Kiên Giang hiện tại ước tính có khoảng 20.000 ngư dân tham gia đánh bắt nằm rải rác ở tất cả các huyện ven biển nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Tiên và Phú Quốc. Phần lớn trong số họ là ngư dân nghèo, khai thác gần bờ quy mô nhỏ và khai thác thủy sản là sinh kế chính.

     Các tác động hiện tại của nghề khai thác ghẹ xanh đối với môi trường, thưa bà?

     Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Nghề khai thác ghẹ xanh sử dụng chủ yếu là lưới rê và bẫy. Lưới rê thường khai thác xa bờ, mắt lưới lớn nên ít tác động đến môi trường. Trong khi đó, khai thác bằng bẫy sử dụng mắt lưới rất nhỏ nên tỷ lệ ghẹ nhỏ bị khai thác rất nhiều, ảnh hưởng đến sức sinh sản và số lượng bổ sung đàn hàng năm. Đặc biệt là từ khi có ngư cụ lồng bái quái (lú, lờ) của Trung Quốc du nhập vào, lượng ghẹ nhỏ bị khai thác tăng lên rất nhiều. Do tình trạng khai thác quá mức, năng suất khai thác và chất lượng ghẹ liên tục giảm trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu ghẹ đã lo lắng đến một tương lai phải đóng cửa hoạt động vì không còn ghẹ để sản xuất.

     WWF tại Việt Nam đã có sáng kiến gì để cải thiện vấn đề này?

     Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Trên quy mô toàn cầu, WWF đang triển khai Chương trình hỗ trợ các nghề khai thác từ tự nhiên phát triển bền vững, sử dụng tiếp cận từ thị trường làm đòn bẩy, cụ thể là chứng nhận sinh thái (MSC). Các nghề khai thác từ tự nhiên đạt được chứng nhận này sẽ có cơ hội duy trì và phát triển nguồn lợi, hệ sinh thái liên quan bền vững, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu ở các thị trường khó tính như châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản...

      Để duy trì bền vững lâu dài nguồn lợi tự nhiên có giá trị này, Sở NN&PTNT Kiên Giang và Câu lạc bộ ghẹ VASEP với sự hỗ trợ từ WWF, đã tiến hành một chương trình nhằm xác định và giải quyết các vấn đề cần ưu tiên trong công tác quản lý nghề khai thác ghẹ xanh ở Kiên Giang. Mục tiêu chính của Chương trình là duy trì một trữ lượng ghẹ bền vững về mặt sinh thái; Đảm bảo sự phân bố công bằng giữa những người sử dụng chung nguồn lợi; Cung cấp các chương trình sinh kế thay thế cho các ngư dân phải chuyển đổi nghề nghiệp; Giảm thiểu tối đa các tác động lên hệ sinh thái; Đảm bảo việc quản lý nghề ghẹ hiệu quả và có sự tham gia của các bên.

     WWF và Câu lạc bộ ghẹ VASEP là đơn vị tài trợ về kinh phí cho các hoạt động như đánh giá nguồn lợi, đánh giá tác động lên hệ sinh thái và các loài bị khai thác không chủ ý. Sở NN&PTNT Kiên Giang sử dụng nguồn kinh phí của Nhà nước để thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật, hỗ trợ sinh kế cho những ngư dân phải chuyển đổi nghề nghiệp.

     Xin bà cho biết, lộ trình của MSC đối với ngành khai thác ghẹ xanh là gì?

     Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Dự án Cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh tại Kiên Giang (FIP) được triển khai trong 5 năm (năm 2012 - 2016). Sau năm 2016, nếu FIP được triển khai tốt, nghề ghẹ sẽ được đánh giá toàn diện theo tiêu chuẩn của chứng nhận MSC.

     Hiện tại, các Tập đoàn nhập khẩu thủy sản ở Mỹ và EU cam kết vẫn ưu tiên nhập các sản phẩm thủy sản chưa có chứng nhận MSC nhưng đang trong Chương trình FIP. Trong trường hợp FIP không thành công hoặc nghề ghẹ không lấy được chứng nhận MSC, nghề ghẹ sẽ đối mặt với nguy cơ mất thị phần từ các nhà nhập khẩu này. Nhưng quan trọng hơn là nghề ghẹ đang đối mặt với sự khai thác không bền vững dẫn đến suy kiệt nguồn lợi, nghề khai thác bị mất, ngư dân mất sinh kế, doanh nghiệp mất nguồn cung sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ý lo ngại về tương lai sản xuất của họ nếu ngư dân tiếp tục khai thác tận diệt như hiện tại. Điều này đúng với nhiều nghề khác chứ không chỉ riêng nghề khai thác ghẹ.

 

Ngư dân sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hoạt động khai thác bền vững

 

     Ngược lại, nếu đạt, nghề ghẹ sẽ nhận được chứng nhận MSC. Như vậy, sản phẩm có nhiều thuận lợi hơn về thị trường. Ngư dân và doanh nghiệp với sự hỗ trợ của đơn vị quản lý (Sở NN&PTNT, Bộ NN&PTNT) sẽ phải đứng ra tổ chức chuỗi giá trị, liên kết giữa các bên hưởng lợi để thống nhất sự đóng góp cho việc duy trì chứng nhận. WWF sẽ hỗ trợ việc quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm tới những nhà nhập khẩu quan tâm sản phẩm khai thác bền vững.

     Một trong các xu hướng quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên thế giới hiện nay là sử dụng nhãn sinh thái gắn cho các sản phẩm được khai thác bền vững, thân thiện với môi trường. Chứng nhận MSC là một trong số những nhãn sinh thái đó. Ý tưởng của nhãn sinh thái này là sử dụng hướng tiếp cận từ thị trường để khuyến khích ngư dân khai thác bền vững. Chứng nhận được sử dụng để phân biệt các sản phẩm được khai thác bền vững trên thị trường. Tuy nhiên, chứng nhận này có các ưu điểm hơn các chứng nhận cùng loại là nó đang được người tiêu dùng ở các nước phát triển, các nhà nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản quan tâm tới phát triển bền vững ưu tiên. Chương trình chứng nhận MSC là một chương trình do Hội đồng Biển Quốc tế tiến hành nhằm tìm kiếm và quảng bá các nghề khai thác từ tự nhiên một cách bền vững.

     Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

 

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

 

Ý kiến của bạn