Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Về làng Nôm tìm lại vẻ đẹp xưa

25/02/2016

 

     Từ Hà Nội, đi theo Quốc lộ 5 chừng trên dưới 20km, rẽ trái khoảng mươi cây số nữa, ta sẽ gặp làng Cầu Nôm (mà người ta quen gọi tắt là làng Nôm) - nay là thôn Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Như phần lớn các làng quê đồng bằng Bắc bộ, làng Nôm nằm nép mình yên tĩnh trong một vành đai hào luỹ mà ngày nay dấu tích còn rải rác khắp quanh làng, đặc biệt ở phía đông bắc.

 

 

     Là một trong những điểm nhấn kiến trúc quan trọng trong quy hoạch làng, cùng với đình - đường trục chính, cổng làng cũng trở thành biểu tượng của làng. Chiếc cổng cầu kỳ, khá lớn vào thời điểm ấy (Tương truyền xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, trùng tu năm 1915) tất nhiên đã lĩnh hội thấu đáo truyền thống quy hoạch làng người Việt. Cái độc đáo, tinh hoa của người làng Nôm là ở việc đặt vị trí cổng rất đối xứng với ngôi đình qua mặt hồ chính, con đường chính của làng. Chính điều này đã góp phần điều chỉnh một cách tự phát việc phát triển khu dân cư, làm cho nó có xu thế xoay quanh trục đình - hồ (ao đình)- đường chính, tránh một nhược điểm tưởng như cố hữu của làng đồng bằng Bắc bộ: Khu dân cư phát triển lộn xộn, không có hình dáng nhất định.

 

 

     Sau cánh cổng, làng Nôm hiện lên hệt như những gì người ta vẫn hình dung về ngôi làng Việt cổ tồn tại cách đây mấy trăm năm: có giếng nước, cây đa, cầu ao ven hồ, chợ phiên và đặc biệt là ngôi chùa Nôm xây dựng từ năm 1680 dưới thời Chính Hòa, nhà Hậu Lê. Làng Nôm xưa kia là một làng buôn bán sầm uất. Dân làng mua nguyên liệu đồng để bán lại cho các lò đúc đồng ở tại địa phương, như: Đại Bái (Bắc Ninh), Trúc Bạch (Hà Nội), làng Chè (Thanh Hóa)... Làng có một cổng chính được xây dựng bề thế, có 8 trục vuông, trên vòm cổng đắp một đại tự, với 3 chữ nổi “Đồng Cầu Môn” (cổng làng Đồng Cầu).

     Cách cổng làng vài trăm mét có một cầu đá, với 9 nhịp đầu rồng bắc qua con sông Nguyệt Đức, nối đường làng với chợ Cầu Nôm và chùa Đại Đồng (chùa Nôm) - tên tự là Linh thông cổ tự. Giữa làng có một hồ lớn, dài trên 300m, rộng khoảng 80m, ở giữa hồ có một chiếc cầu đá bắc qua. Quanh hồ là những ngôi nhà mái ngói cổ; đặc biệt có 7 nhà thờ của 7 dòng họ xây liền nhau, kiến trúc theo kiểu dáng cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cuối hồ có cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trùm lên ngôi đình Nôm, thờ Thành hoàng làng là Tam Giang - người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tây Hán và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống, được vua phong “Hộ Quốc Phúc Thần”.

 

 

     Chùa Nôm hay còn gọi là chùa Thông (Linh Thông tự), tương truyền dựng trên một đồi thông từ đời Mạc, trùng tu lớn đời Lê, tôn tạo nhiều lần trong đời Nguyễn. Hiện chùa nằm dưới những vòm gạo, muỗm trầm mặc, lưu giữ trong điện hàng trăm pho tượng và di vật cổ. Đây cũng là nơi đặt bát hương thờ Mẫu thánh Tam Giang, điểm cuối của lễ rước sau khi đặt bát hương thờ Mẫu trả lại cung. Đây cũng là nơi gửi phần siêu thoát của đời sống tinh thần người dân trong làng và trong vùng. Nơi cùng với cây đa/quán chợ, bến nước/giếng làng làm thành một trục - những điểm nhấn kiến trúc gắn bó với những người phụ nữ làng quê Việt. 

 

 

     Ngoài di sản văn hoá vật thể, người làng Nôm có đời sống tín ngưỡng, tâm linh phong phú. Trong một năm, nhiều lễ hội được tổ chức (12 tháng Giêng hội làng, 13 tháng Giêng các dòng họ làm lễ tế Xuân, 15 tháng Giêng làm lễ Thượng nguyên, 15 tháng Tư lễ Trung nguyên, 15 tháng Bảy lễ Hạ nguyên và 21 tháng Chạp là lễ Tất niên). Trong ngày hội làng, đàn ông trong làng đến tuổi 55 được khao lão, người đi xa không về thì phải nộp lệ trình làng. Con gái làng đi lấy chồng phải cung tiến vào đình 20 mâm đồng hoặc xây dựng vài chục mét đường làng bằng gạch (ngày nay, tập tục này đã được bãi bỏ).

     Nằm ngoài làn sóng đô thị hóa, làng Nôm may mắn vẫn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa của một ngôi làng cổ vùng ven châu thổ sông Hồng với nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán đậm nét truyền thống, cổ xưa. Chùa Nôm, đình Nôm, cầu Nôm, chợ Cầu Nôm, cổng làng, sông Nguyệt Đức, cùng với những ngôi nhà cổ là những di sản văn hoá tạo nên quần thể làng Nôm có một vẻ đẹp cổ thuần Việt có một không hai ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đây chính là một quần thể di tích lịch sử văn hoá có các yếu tố cơ bản tạo thành một làng quê tiêu biểu của Việt Nam. Ngày 12/02/1994, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cho quần thể di tích làng Nôm.

 

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn