Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Vườn quốc gia Bến En đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong công tác bảo tồn hệ sinh thái

06/08/2015

   Vườn quốc gia (VQG) Bến En cách TP. Thanh Hóa 46 km về phía Tây Nam, trải rộng trên 2 huyện Như Xuân và Như Thanh, được thành lập năm 1992 với tổng diện tích 16.643 ha, trong đó có 8.544 ha rừng nguyên sinh và tái sinh. Nơi đây được ví như “Hạ Long trên cạn” bởi vẻ đẹp hoang sơ với rừng xanh bạt ngàn, mây nước lung linh.

Vượn bạc má tại VQG Bến En

   Điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp kì vỹ của VQG Bến En là hồ Bến En hay còn gọi là sông Mực, rộng khoảng 4.000 ha, sâu hàng chục mét, gồm hồ Thượng và hồ Hạ, nằm ở độ cao khoảng 200 m so với mực nước biển, mặt sông bốn mùa phẳng lặng, màu nước trong xanh. Đặc biệt, VQG Bến En rất phong phú về các loài động, thực vật quý, hiếm. Phía Bắc VQG là những dãy núi đá vôi trải dài, thuộc các xã Hải Vân, Xuân Khang, Xuân Thái với nhiều hang động còn giữ được vẻ hoang sơ tự nhiên như hang Ngọc, hang Dơi, hang Xuân Thái... Trong đó, đáng chú ý nhất là quần thể thắng cảnh hang Ngọc và cây lim trăm tuổi được ví như biểu tượng của VQG Bến En.

   Trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo tồn và phát triển VQG Bến En, Ban Quản lý VQG  đã xây dựng và phát triển thành công hệ sinh thái (HST) đa dạng của rừng nhiệt đới, phục vụ yêu cầu bảo tồn nguồn tài nguyên quý, hiếm kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Hệ thực vật ở VQG thuộc HST rừng núi đất nhiệt đới ẩm, là trung tâm phân bổ của các loại cây thuộc kiểu rừng thường xanh với 1.417 loài thực vật, thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 34 loài thực vật quý, hiếm như lim xanh, săng le, lát hoa, táu mật, gội nếp, trai lý, bản xe… đặc biệt là trên 300 loài cây dược liệu như mã tiền, sa nhân, sến, trẩu, màng lay, hương bài, thu hải đường, lim xanh, vù hương... Năm 2005, Ban Quản lý VQG đã khoanh nuôi, phục hồi được 2.006 ha rừng tự nhiên; Khoanh nuôi kết hợp với tác động kỹ thuật cao 96 ha rừng sinh thái; Trồng, chăm sóc 60 ha rừng trồng, 29 ha vườn thực vật. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật về diễn biến của các loài cây bản địa quý, hiếm và thực nghiệm xử lý giống, gieo ươm, gây trồng một số loài cây mới như đinh hương, giổi, vang nhuộm, rau sắng, vù hương, trai lý… nhằm bảo tồn quỹ gen thực vật. Ngoài ra, hệ thống cây xanh tại khu hành chính với hàng trăm loài khác nhau cũng góp phần tôn tạo cảnh quan và môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.

Bến En như bức tranh thủy mặc hùng vĩ và thanh bình

   Về động vật, Bến En là nơi ẩn náu của nhiều nhóm côn trùng, các loài chim, loài gặm nhấm, móng guốc và thú ăn thịt. Hiện VQG có 50 bộ, 177 họ, 216 giống và hơn 1.004 loài động vật, trong đó có 91 loài thú, 261 loài chim, 54 loài bò sát, 31 loài ếch nhái, 68 loài cá, 500 loài côn trùng, với nhiều loài động vật quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như voi, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má... Bên cạnh đó, một số loài động vật có giá trị bảo tồn ở mức độ toàn cầu cũng đã được ghi nhận tại VQG Bến En như vượn má trắng, lửng chóc. Thời gian gần đây, đã có hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu với những đề tài như: “Bảo tồn nguồn gen một số loài cây quý hiếm ở VQG Bến En”; “Nghiên cứu quá trình phục hồi rừng sau nương rẫy ở VQG Bến En”… góp phần bảo tồn, phát triển các loài động thực vật đặc hữu.

   Ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc Ban Quan lý kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Bến En cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý VQG đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá xây dựng “Chiến lược bảo tồn VQG Bến En giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm xử lý kịp thời các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, xâm lấn đất rừng trái phép; Bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và các giá trị về đa dạng sinh học, giá trị khoa học của HST và cảnh quan thiên nhiên hiện có trong phạm vi ranh giới được giao… góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hiện tại, Ban Quản lý VQG đang thực hiện 4 mô hình chăn nuôi lợn rừng, thực hiện công tác cứu hộ một số loài động vật quý, hiếm và lập Dự án xây dựng VQG thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối, kết hợp với các Viện Nghiên cứu Trung ương, tổ chức quốc tế thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và một số dự án về bảo tồn, phát triển các loài lim xanh, sưa và một số cây thuốc quý; Dự án đa canh, đa con; Điều tra, bổ sung, lập danh mục động, thực vật VQG Bến En; Đề án nuôi trồng thủy sản...

   Để hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững và đẩy mạnh công tác bảo tồn HST, VQG Bến En đang xây dựng dự án quy hoạch tổng thể về đầu tư phát triển du lịch lâu dài, toàn diện. Đồng thời, thực hiện Đề án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái; Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Với những thế mạnh và tiềm năng du lịch vốn có, cùng sự đầu tư đúng hướng, VQG Bến En hứa hẹn sẽ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai.

Gia Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn