Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tuyên Quang chú trọng phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường

11/01/2016

   Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.867 km2 (trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 82.509 ha, chiếm 14% diện tích đất tự nhiên, diện tích đất trồng lúa trên 26.555 ha; đất lâm nghiệp trên 446.926 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên). Những năm qua, kinh tế của tỉnh Tuyên Quang đã có những bước phát triển quan trọng, tuy nhiên cùng với xu thế phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) đã có những thách thức trong công tác quản lý nhà nước về BVMT.

   Nhận thức được vấn đề đó, tỉnh Tuyên Quang xác định rõ phát triển kinh tế phải gắn với BVMT theo hướng quản lý chặt chẽ có hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên (đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học…) và BVMT.

   Trong giai đoạn 2011 - 2015, Sở TN&MT tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 26/12/2012; Kế hoạch số 87-KH/TU ngày 9/9/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

   Đối với công tác quy hoạch, đến nay tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch tài nguyên nước; Quy hoạch BVMT; Quy hoạch Bảo tồn bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH)...

Khu di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang

   Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã di chuyển các nhà máy xí nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi địa bàn TP đến địa điểm mới hoặc khu, cụm công nghiệp tập trung như: Nhà máy đường Tuyên Quang, nhà máy giấy Nông Tiến, bệnh viện Lao và phổi, nhà máy nghiền bột barite Hòa An, nhà máy sản xuất bột kẽm Tràng Đà, cơ sở chế biến lâm sản phường Minh Xuân, nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Đặc biệt, tỉnh xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 7 cơ sở: Kho thuốc trừ sâu nông trường chè Tân Trào, bệnh viện Lao và phổi, bệnh viện đa khoa Tuyên Quang, bãi rác TP. Tuyên Quang, xí nghiệp thiếc Sơn Dương, bãi thải mỏ Antimon Đầm Hồng (huyện Chiêm Hóa), bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc xử lý 7/7cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2013, tỉnh Tuyên Quang hoàn thành và xử lý 2 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường gồm: Kho thuốc bảo vệ thực vật của Chi cục Bảo vệ thực vật, Kho Ghềnh Giềng thuộc xã An Tường, TP. Tuyên Quang nhằm ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm môi trường.

   Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tham mưu các cấp ngành triển khai các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nông thôn như xây dựng bãi chôn lấp rác và lò đốt rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nguy hại từ vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, thực hiện theo lộ trình, đảm bảo đến năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công, dùng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.

   Ngoài ra, tỉnh đã duy trì nâng cao chất lượng che phủ rừng trên 60%; tăng cường quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên kết hợp với trồng rừng, bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ. Tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện quy hoạch các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh như Quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất); Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững khu bảo tồn loài sinh cảnh Cham Chu; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên Na Hang đến năm 2020.

   Để nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác BVMT, hàng năm, Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ban, ngành đoàn thể; UBND các huyện/TP tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; Ngày ĐDSH; Ngày Nước thế giới... với nhiều hình thức như tổ chức lễ mít tinh, thi tìm hiểu về môi trường, thi vẽ tranh về chủ đề BVMT… thu hút đông đảo nhân dân, học sinh, cán bộ công chức, viên chức tham gia.

   Triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT ký kết các Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ tài nguyên, BVMT với các ngành, tổ chức đoàn thể như: Công an; Hội Nông dân; Liên Đoàn lao động; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Liên Minh HTX; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Hội Người cao tuổi của tỉnh nhằm phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về môi trường.

   Đồng thời, Sở tham mưu và duy trì thực hiện giao lưu trực tuyến giải đáp pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như: Khoáng sản, Tài nguyên nước, Môi trường, đất đai trên trang website của Sở (mỗi năm giao lưu trực tuyến 2/đợt; Hàng tuần tổng hợp các câu hỏi trên trang website để trả lời độc giả). Qua đó nhận thức về BVMT trong các cấp, các ngành và nhân dân ngày càng được nâng lên, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.

   Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong quá trình phát triển ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại. Môi trường đất đã có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ chủ yếu do chất thải công nghiệp, khai thác khoáng sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp; môi trường nước hàm lượng sắt và canxicacbonat có dấu hiệu tăng cao, chất lượng môi trường không khí theo chiều hướng xấu… ảnh hưởng đến hệ sinh thái và biến đổi khí hậu (BĐKH). Các hiện tượng thời tiết dị thường không theo quy luật, các sự cố môi trường xuất hiện với tần suất cao dần như: lũ quét, bão, lốc, hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài, nứt, sụt lở đất, xói lở bờ sông, rửa trôi đất màu… ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển KT - XH, đời sống sức khỏe và sản xuất của nhân dân.

   Để xây dựng Tuyên Quang thành một tỉnh phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT cần có sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các Sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần triển khai một số giải pháp chủ yếu:

   Tăng cường công tác tuyên truyền về BVMT để người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt thông tin và thực hiện tốt các quy định, chính sách pháp luật về môi trường, góp phần cùng hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT - XH của tỉnh.

   Nâng cao trình độ chuyên môn và bổ sung nhân lực cho TP, huyện, xã đáp ứng yêu cầu công tác BVMT tại địa phương.

   Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp. Ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm nhất là tại các khu, cụm công nghiệp tập trung, các khu đô thị.

   Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

   Bảo vệ, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên: Khu Tát Kẻ - Bản Bung (Nà Hang), khu rừng đặc dụng Cham Chu (huyện Hàm Yên), khu di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương), khu di tích lịch sử Đá Bà (huyện Yên Sơn) nhằm bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm và bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Hoàng Hải
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2015)

Ý kiến của bạn