Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tuổi trẻ Lào Cai chung tay vì môi trường

11/03/2014

     Những trăn trở nơi Thành phố biên cương

     Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, là đầu mối giao thông quan trọng nối liền với Trung Quốc. Lào Cai có địa hình phức tạp, phân tầng lớn, mức độ chia cắt mạnh với hai sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy. Dân số toàn tỉnh năm 2010 là 622.578 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64,5%, vùng nông thôn chiếm tỷ lệ 76,8%. Số lao động tham gia trong ngành nông - lâm nghiệp là 235.136 người.

     Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, việc phát triển và bảo vệ rừng của Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ che phủ rừng tăng 33,4 % (từ 18 % năm 1991 lên 51,4 % năm 2012). Song, rừng tăng mạnh về diện tích nhưng năng suất, chất lượng rừng chưa cao, thu nhập của người trồng rừng còn thấp. Hiện nay, trong khi diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp hạn chế, thì việc sử dụng hợp lý tài nguyên rừng tự nhiên, duy trì được vốn rừng và đẩy mạnh việc phát triển rừng theo hướng thâm canh là việc làm có ý nghĩa thiết thực.

     Để có sự đột phá trên các lĩnh vực, Lào Cai đã triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tỉnh Lào Cai được giao nhiệm vụ thực hiện 2 tiêu chí 16 và 17 về văn hóa và môi trường. Triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Lào Cai chung tay xây dựng NTM” giai đoạn 2011 - 2015, các cơ sở Đoàn đã thành lập 164 đội thanh niên xung kích tuyên truyền chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững gắn với BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Tuổi trẻ chung tay vì một môi trường Xanh - Sạch - Đẹp

     Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất tại các xã vùng cao. Vì vậy, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã khuyến cáo đến người dân tác hại của ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống, từ đó tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về BVMT cho người dân thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn BVMT… Cùng với việc vận động nhân dân vệ sinh nhà cửa, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân làm mới 191 chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa khu vực nhà ở; Xây mới 21 nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường; Thực hiện 6 mô hình đường làng, ngõ xóm Xanh - Sạch - Đẹp; Trang bị 30 xe rác, 45 thùng rác, trồng 6.000 cây xanh và thành lập Đội Thanh niên tình nguyện thu gom rác thải gồm 180 đoàn viên. Mô hình này bước đầu đã thu hút nhân dân tham gia vệ sinh làng bản. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên còn thực hiện Mô hình Đồi cây thanh niên tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát với điện tích 10 ha, chủ yếu trồng lát và tràm.

 

Tuổi trẻ Lào Cai tình nguyện tham gia xây dựng “Đường Thanh niên”

 

     Trên địa bàn tỉnh chỉ có TP. Lào Cai và một số huyện có đội thu gom rác thải trực thuộc Công ty môi trường. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Ban chuyên môn phối hợp với các huyện đoàn khảo sát thực trạng môi trường và các hoạt động của Đoàn thanh niên trên địa bàn xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, tổ chức xây dựng Mô hình “Tình nguyện xanh” với 9 đội thanh niên xung kích, mỗi đội có trên 30 thành viên tham gia xây dựng NTM và BVMT. Hiện các đội “Tình nguyện xanh” đã thực hiện được một số mô hình như: Mô hình Thanh niên xung kích tại xã Quang Kim, Bản Qua (Bát Xát); Mô hình làng xã Xanh - Sạch - Đẹp tại xã Nậm Cang (Sa Pa) được xây dựng gắn với phát triển du lịch sinh thái của địa phương. Tiêu biểu là Mô hình tại Xã Nghĩa Đô (Bảo Yên). Tại đây, ĐVTN đã vận động được 80 hộ gia đình di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; Thu gom được 300 m3 rác thải với gần 1.000 ngày công; Khơi thông, nạo vét 6,5 km đường giao thông; Hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình xây dựng nhà tiêu, hầm biogas…

     Tuy nhiên, việc xây dựng các mô hình ở một số địa phương còn gặp khó khăn nhất định, nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết hoặc không quan tâm đến vấn đề môi trường của chính quyền địa phương. Để duy trì hoạt động của các mô hình, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, phân tích việc xây dựng các mô hình là việc làm cần thiết, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Kết quả, trong tháng Thanh niên năm 2013, 4.250 ĐVTN các dân tộc tỉnh Lào Cai đã thực hiện vệ sinh 144 tuyến đường thanh niên tự quản; Trồng 26.000 cây xanh và rừng phòng hộ; Khơi thông 115 km cống rãnh; Thu gom 450 m3 rác thải; Đào mới 5.000 hố rác gia đình; Vận động xây mới 160 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn….

     Bên cạnh đó, các huyện đoàn vùng cao còn thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, văn minh với các hoạt động: Hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh; Cách sắp xếp đồ dùng trong gia đình; Tăng gia trồng rau xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm... Màu áo xanh tình nguyện xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố. Với phương châm “Ứng xử văn hóa, hành động văn minh”, Thành Đoàn Lào Cai đã thực hiện Cuộc vận động “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị” với sự tham gia của 40/40 liên đội và hơn 6.000 các em học sinh đồng loạt thứ 7 hàng tuần làm vệ sinh môi trường, gắn với hoạt động “Đoạn đường em chăm”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”. Qua đó, đã phát 2.300 tờ rơi tuyên truyền BVMT, 3.000 túi ni lông tự hủy, thu gom trên 100 m3 rác thải với thông điệp bảo vệ thành phố Xanh - Sạch - Đẹp. Các phường, thị trấn cũng xây dựng 150 “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”; Duy trì các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tuổi trẻ với phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS”; Xây dựng 50 “Khu phố không có thanh niên, vị thành niên mắc tệ nạn xã hội”; Vận động ĐVTN đăng ký tham gia phong trào“3 không” (không thử, không giữ, không dùng ma túy)…

     Để tiếp tục xây dựng và duy trì tốt hoạt động của các mô hình thanh niên xung kích BVMT, tham gia xây dựng Chương trình NTM, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Lào Cai đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

     Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và vận động, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM trong thanh niên và nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận, tự giác tham gia với trách nhiệm cao nhất.

     Phối hợp có hiệu quả với các cấp, ngành địa phương, đơn vị và doanh nghiệp nhằm thành lập Đoàn thanh niên tại các doanh nghiệp. Tổ chức Đoàn cần phải nắm vững đặc điểm, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng trong việc triển khai các mô hình.

     Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thanh niên tình nguyện với phương châm “Mỗi thanh niên một hành động thiết thực”, cùng nhân dân xây dựng quê hương phát triển bền vững.

     Tạo điều kiện thuận lợi để ĐVTN hoạt động tốt; Tổ chức cho đội ngũ cán bộ đoàn ở vùng cao đi tham quan các mô hình BVMT ở một số địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm; Nâng cao mức hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia mô hình, tiếp tục triển khai các mô hình, dự án phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

 

Kim Hoa - Đăng Hải

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn