Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Triển khai sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu

29/05/2015

   Nghiên cứu Triển khai sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được tiến hành tại quận Ngô Quyền, huyện Tiên Lãng và huyện Cát Hải, (Hải Phòng),huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Giao Thủy (Nam Định) trong giai đoạn từ năm 2013 - 2014. Qua gần 1 năm triển khai, nghiên cứu đã đạt một số kết quả như: Đào tạo được hơn 100 tập huấn viên nòng cốt về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH và đánh giá tính dễ bị tổn thương, năng lực ứng phó thảm họa; Các tập huấn viên nòng cốt đã đánh giá được tính dễ bị tổn thương do BĐKH và năng lực ứng phó với thảm họa của địa phương; Xây dựng kế hoạch hành động quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó BĐKH; Đề xuất mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH cho mỗi địa bàn nghiên cứu.

   MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI SINH KẾ THÍCH ỨNG VỚI BĐKH

   BĐKH đang tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của tự nhiên và kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ở các vùng ven biển sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

   Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2014, Nhóm Phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE) Khoa Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, phát triển trong khuôn khổ các dự án “TP. Hải Phòng tăng cường năng lực chống chịu với BĐKH và rủi ro thiên tai (RRTT) (HRCD) của Tầm nhìn thế giới (World Vision) tại Việt Nam và dự án Tăng cường năng lực đối tác nhằm cải thiện năng lực chống chịu với BĐKH (PRC) của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), với mục tiêu chính là nâng cao năng lực cho cộng đồng ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó BĐKH và nghiên cứu - triển khai các giải pháp sinh kế thích ứng.

   Trong khuôn khổ 2 Dự án PRC và HRCD, nhóm ECODE tổng hợp và phát triển thành sơ đồ sau:

 

Sơ đồ quy trình xây dựng năng lực ứng phó BĐKH

 

   Với nhiều cách tiếp cận (Hệ thống - liên ngành, kết hợp tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống, tham khảo khung sinh kế bền vững và các phương pháp R&D phù hợp), Dự án đã thu được các kết quả chính:

   XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NÒNG CỐT VỀ ĐÁNH GIÁ RRTT VÀ THÍCH ỨNG VỚI BĐKH

   Để thực hiện các hoạt động R&D tại các địa bàn dự án của World Vision, nhóm ECODE đã triển khai 3 khóa tập huấn chia thành nhiều đợt khác nhau cho gần 100 cán bộ nòng cốt cấp huyện (20%) và cấp xã (80%) (trung bình 30 người/quận, huyện). Nội dung bao gồm: Kiến thức và kỹ năng cơ bản về tập huấn (TOT); Kiến thức chung về BĐKH và RRTT; Phương pháp lập kế hoạch hành động cộng đồng giảm nhẹ RRTT và ứng phó BĐKH; Phương pháp thực hiện HVCA - đánh giá hiểm họa, tính dễ tổn thương và khả năng ứng phó của cộng đồng; Quy trình đánh giá sinh kế và phát triển các giải pháp sinh kế thích ứng (SKTƯ).

   Kết thúc khóa tập huấn về TOT, các tập huấn viên (THV) địa phương đã xây dựng được kế hoạch tập huấn cụ thể cho cộng đồng, chủ động việc biên soạn nội dung và thực hành giảng thử tại các xã trước khi tổ chức các lớp tập huấn chính thức cho người dân.

   Với khóa tập huấn về đánh giá HVCA và đánh giá sinh kế, các tập huấn viên đã nắm rõ phương pháp PRA và thực hiện thành thạo 9 công cụ thảo luận, bao gồm: Phỏng vấn sâu có định hướng, quan sát trực tiếp, bản đồ hiểm họa, lịch mùa vụ/sinh kế, hồ sơ lịch sử thiên tai, phân tích SWOT, sơ đồ Venn và ma trận tổng hợp, xếp hạng tổn thương.

   Đồng thời, THV được trang bị các kỹ năng tổ chức và thực hiện các cuộc tham vấn lãnh đạo các cấp huyện, xã để tìm hiểu, cập nhật các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch của chính quyền. Đây là nỗ lực kết hợp hai phương pháp tiếp cận từ dưới lên (dựa vào cộng đồng) và từ trên xuống (chính sách, thể chế) nhằm đạt hiệu quả cao trong việc xây dựng các kế hoạch ứng phó BĐKH, phát triển SKTƯ.

   ĐÁNH GIÁ TÍNH DỄ TỔN THƯƠNG VÀ NĂNG LỰC ỨNG PHÓ BĐKH CỦA CÁC XÃ, THỊ TRẤN VEN BIỂN

   Ứng dụng các phương pháp và công cụ khác nhau, với sự hỗ trợ nhóm nghiên cứu - triển khai đã tiến hành đánh giá tác động của BĐKH và năng lực ứng phó của cộng đồng tại 8 xã/phường của cả khu vực nông thôn và đô thị tại 3 quận/huyện Cát Hải, Tiên Lãng và Ngô Quyền (Hải Phòng). Tại đây, cán bộ và người dân địa phương có thể tự đánh giá về địa bàn mình, xác định được tính nhạy cảm và những nguy cơ bị tổn thương về con người, sinh kế, tài sản, môi trường khi bị tác động bởi BĐKH, đồng thời xác định năng lực hiện có trong việc ứng phó lâu dài. Kết quả cho thấy, điểm chung của 3 địa bàn nghiên cứu đều có nguy cơ rủi ro cao do tác động của BĐKH. Các xã/phường đều nằm ven biển, có vị trí thấp so với mực nước biển, dân số đông và sinh kế phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Các vùng này chịu ảnh hưởng lớn từ hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập mặn và thu hẹp diện tích đất sản xuất; bị tác động thường xuyên bởi bão, ngâp lụt, hạn hán…Trong khi đó, năng lực ứng phó của người dân và chính quyền còn hạn chế, người dân ven biển thiếu kiến thức về BĐKH, không phân biệt được ứng phó BĐKH với giữ sạch môi trường, chủ yếu ứng phó thiên tai theo kinh nghiệm truyền thống; nhiều công trình nhà cửa, đê, kè và cống thoát đã xuống cấp nên không đủ sức ứng phó khi có mưa bão, triều cường hoặc ngập lụt lớn; tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, ngân sách địa phương cho công tác phòng chống thiên tai hạn chế, thiếu các phương tiện truyền thông, cảnh báo sớm thiên tai. Những kết quả nghiên cứu này là tài liệu tham khảo cho người dân và chính quyền trong việc xây dựng các kế hoạch hành động giảm nhẹ RRTT và ứng phó với BĐKH.

   ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG SINH KẾ VEN BIỂN

   Hơn 40 cán bộ nòng cốt địa phương (trung bình 14 người/quận, huyện) đã tham gia đánh giá sinh kế lần lượt tại 3 quận, huyện với các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu người dân, tham vấn lãnh đạo và tổng hợp, đối chiếu từ tài liệu thứ cấp. Kết quả cho thấy, các sinh kế chính của người dân địa phương đều phụ thuộc và dễ bị tác động bởi tự nhiên, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, khai thác - nuôi trồng và chế biến thủy sản. Riêng địa bàn Ngô Quyền mang đặc thù đô thị thì nổi bật vấn đề lao động tự do với thu nhập bấp bênh và tình trạng thanh niên thiếu đào tạo nghề, gia tăng thất nghiệp trong khi quỹ đất nông nghiệp gần như không còn và các khu dân cư chật chội thường xuyên chịu cảnh ngập lụt, ô nhiễm trong mùa mưa. Các xã trên đảo Cát Hải lại phải đối mặt với tình trạng chuyển đổi nghề do sinh kế cũ không thể phát triển và địa phương thay đổi quy hoạch sử dụng đất với đề án mới về phát triển KT - XH theo hướng ưu tiên công nghiệp và dịch vụ. Đa số người dân sống ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi thiên tai lại làm việc trong những lĩnh vực nhạy cảm về khí hậu, đặc biệt là nông nghiệp và thủy sản rất ít cơ hội để chuyển đổi nghề. Nghề làm muối của Cát Hải hiện chỉ tồn tại cầm chừng, manh mún ở một số hộ và đang có nguy cơ mất nghề, lao động làm muối dôi dư lại chủ yếu là phụ nữ và hiện gặp khó khăn khi tìm việc thay thế. Trong khi đó tại Tiên Lãng, các xã ven biển có nghề chính là nuôi thủy sản và trồng trọt lại đối mặt với tình trạng mưa bão gây thiệt hại nặng và xâm nhập mặn làm giảm năng suất cây trồng, cạnh đó là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước và đất do rác thải chăn nuôi và lạm dụng quá mức thuốc trừ sâu trong trồng trọt.

 

Khu đất ven biển huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng bị nhiễm mặn không thể sản xuất do tác động của BĐKH

   Cùng có nhiều điểm chung về địa hình, tác động từ tự nhiên và hạn chế về nguồn lực nhưng ở mỗi địa bàn lại gặp các khó khăn khác nhau hình thành các cách tự điều chỉnh, thích ứng khác nhau do các đặc trưng riêng về cảnh quan sinh thái, tài nguyên, văn hóa, kinh nghiệm, nhận thức… Các quy hoạch, định hướng phát triển của các địa phương do đó cũng có sự khác biệt, chưa kể còn vô số các yếu tố tác động phi tự nhiên. Vì vậy, thách thức đối với nhóm nghiên cứu là xác định được căn cứ, cơ sở và đề xuất được các giải pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp nhằm tăng tính chống chịu, thích ứng bền vững cho sinh kế hộ gia đình tại 3 quận, huyện trong điều kiện môi trường tiếp tục biến đổi.

   ĐỀ XUẤT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SINH KẾ THÍCH ỨNG BỀN VỮNG VỚI BĐKH

   Về cơ bản, hỗ trợ sinh kế thường được cung cấp tới các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên nhằm giúp họ giảm sự phụ thuộc, giảm tác động tiêu cực lên tài nguyên và giúp làm giảm tính dễ bị tổn thương trước những thay đổi từ bên ngoài như các cú sốc, các khuynh hướng, tính mùa vụ. Nói cách khác, các giải pháp SKTƯ với BĐKH sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập một cách bền vững và ứng phó BĐKH hiệu quả hơn.

   Trong điều kiện khí hậu phức tạp như hiện nay, hoạt động thích ứng về sinh kế của các hộ dân chủ yếu theo 2 kiểu: Thích ứng tự phát với những điều chỉnh về sinh kế tạm thời và ngắn hạn; Thích ứng có kế hoạch - những điều chỉnh về sinh kế được lập kế hoạch, có tính chiến lược và mang tính dài hạn với sự hỗ trợ về chính sách và nguồn lực bên ngoài. Tại các địa bàn nghiên cứu, với sự hướng dẫn của các THV địa phương, người dân đại diện các nhóm nghề trong cộng đồng đã nêu rõ khó khăn, thuận lợi và các nhu cầu, mong muốn của họ trong phát triển sinh kế, đồng thời gợi ý các giải pháp can thiệp nhằm tăng khả năng thích ứng bền vững của sinh kế hộ gia đình và cá nhân. Các cuộc tham vấn lãnh đạo chính quyền và cập nhật các chủ trương, chính sách, quy hoạch của nhà nước có thể giúp cộng đồng và dự án có cái nhìn tổng quan hơn, sâu hơn về bức tranh sinh kế và lập được kế hoạch phát triển sinh kế với các các phương án, giải pháp phù hợp với nguồn lực của gia đình và định hướng phát triển của địa phương.

   Sau khi thống nhất với cộng đồng về các yêu cầu, tiêu chí SKTƯ và tham vấn ý kiến của lãnh đạo địa phương, nhóm nghiên cứu ECODE đã đề xuất các lựa chọn can thiệp sinh kế cho từng địa bàn xã, phường của dự án HRCD/World Vision. Các đề xuất này được Dự án và chính quyền tham khảo và lựa chọn áp dụng vào thực tiễn từng địa bàn từ năm 2015. ECODE cũng đã khuyến nghị việc lập kế hoạch phát triển SKTƯ cần tranh thủ cơ hội lồng ghép kế hoạch sinh kế vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các chương trình, dự án phát triển liên quan nhằm tận dụng và phát huy mọi nguồn lực tại chỗ và bên ngoài.

   KẾT LUẬN

   Sau gần 1 năm triển khai, Dự án thu được các kết quả bước đầu như: Đào tạo, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên nguồn về giảm nhẹ RRTT, BĐKH và phương pháp đánh giá HVCA (đánh giá hiểm họa, tính dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó BĐKH của cộng đồng); Đánh giá HVCA của các địa bàn với việc áp dụng các phương pháp và công cụ khác nhau; Lập kế hoạch hành động cộng đồng ứng phó BĐKH; Đề xuất lựa chọn phát triển SKTƯ với BĐKH tại từng địa phương.

   Ứng phó BĐKH về bản chất là những hoạt động mang tính liên ngành cao, vì vậy, cần phải có cách tiếp cận liên ngành trong tổ chức nhóm nghiên cứu, trong thiết kế và triển khai dự án. Trong ứng phó BĐKH nói chung, dù ở cấp nào cũng cần kết hợp hài hòa giữa cách tiếp cận dựa vào cộng đồng (từ dưới lên) và cách tiếp cận từ trên xuống (theo thể chế, chính sách của chính quyền).

   Đồng thời, có thể nhân rộng kết quả của Dự án ra các địa phương ven biển có điều kiện tương tự.

Hoàng Thị Ngọc Hà, Trương Quang Học

Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2015)

Ý kiến của bạn