Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Thanh Hóa nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ môi trường

03/03/2016

   Thanh Hóa là tỉnh ven biển Bắc Trung bộ, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh (giai đoạn 2011 - 2015) đạt 11,4%. Năm 2015, GDP đạt 34.989 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, xếp thứ 8 cả nước; GDP đầu người ước đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần, tăng nhanh hơn so với mức tăng trung bình của cả nước. Các ngành kinh tế phát triển toàn diện, quy mô và hiệu quả được nâng lên. Đây là một kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác BVMT nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững của Thanh Hóa nói chung.

Đoàn thanh niên thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa ra quân dọn vệ sinh môi trường

   Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng, công tác BVMT của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án được thể chế hóa thành các chính sách, quy định, quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nhận thức về công tác BVMT của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân được nâng lên; đã hình thành cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT và Chương trình phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững giữa Sở TN&MT với các Sở, ngành và tổ chức đoàn thể trong tỉnh. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên; xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường. Nhiều dự án xử lý nước thải, rác thải, các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại các khu vực công ích, cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng trong việc hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và từng bước cải thiện chất lượng môi trường ở một số khu vực trọng điểm. Môi trường nông thôn đã được cải thiện đáng kể, nhiều công trình cung cấp nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh được đầu tư xây dựng. Tính đến năm 2014, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84,4%, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 52,3%. Nhiều thôn, xã đã thành lập Tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải và vận chuyển đến nơi quy định, hạn chế được tình trạng đổ rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường khu vực.

   Mặc dù, đã đạt được các kết quả trên, nhưng công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại và khó khăn. Tại các đô thị, rác thải và nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt để đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường; hệ thống tiêu, thoát nước đã xuống cấp, nhiều nơi xảy ra tình trạng ngập nước khi có mưa lớn kéo dài, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Năng lực thu gom chất thải rắn ở các đô thị lớn mới đạt 60 - 70%; công tác phân loại chất thải rắn còn hạn chế. Toàn tỉnh chưa có nhà máy hay trạm xử lý rác đạt tiêu chuẩn, các bãi rác đơn thuần chỉ là bãi chứa rác tập trung.

   Tại các vùng nông thôn, nhiều người dân chưa được sử dụng nước sạch, nhiều hộ gia đình thiếu công trình vệ sinh tối thiểu. Tập quán, thói quen ở một số vùng còn lạc hậu, người dân chưa có ý thức bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường. Rác thải sinh hoạt mới thu gom được khoảng 30 - 50%, tập trung về bãi rác tạm để phân hủy tự nhiên, một số địa phương chưa có tổ chức thu gom rác, đổ bừa bãi ra bờ sông, suối. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học vẫn diễn ra phổ biến ở các vùng nông thôn.

   Khu vực ven biển hiện đang bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, một số nơi khó khăn trong việc bố trí đất làm bãi rác, nơi có thì chật hẹp, rác để lộ thiên không được chôn lấp và xử lý... Nhiều hộ gia đình sống ven biển không có các công trình vệ sinh, chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển.

   Đối với khu vực miền núi, tập quán du canh du cư và nạn khai thác gỗ trái phép đang xảy ra làm cho diện tích rừng nguyên sinh ngày càng thu hẹp, tạo nên các vùng đất trống đồi núi trọc, kéo theo hiện tượng xói mòn, sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào dân tộc miền núi; hiện tượng buôn bán trái phép động thực vật quý hiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép dẫn đến thu hẹp nơi cư trú của các giống loài, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

   Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở một số KCN, CCN, làng nghề; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư vẫn chưa được giải quyết. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm xử lý; nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý triệt để. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn nguy hại còn nhiều khó khăn, chưa có mô hình thu gom, xử lý phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong khí đó, cấp huyện còn thiếu chủ động trong việc kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về môi trường trên địa bàn; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT…

   Để đáp ứng yêu cầu công tác BVMT trong thời gian tới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế của toàn tỉnh, đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản pháp luật về BVMT; Có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; Đề xuất cơ chế chính sách quản lý chất thải; Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác BVMT; Có cơ chế hỗ trợ cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, áp dụng công nghệ sạch thân thiện với môi trường; Thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý môi trường của địa phương; Tăng dần đầu tư cho công tác BVMT, cải tiến phương thức kế hoạch hóa công tác BVMT để thực hiện một cách hiệu quả chiến lược phát triển bền vững.

Lê Văn Bình

Sở TN&MT Thanh Hóa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn