Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Thanh Hóa: Thành công với mô hình trồng rau an toàn

02/04/2016

      Trước đây, người dân xã Quảng Thắng. TP. Thanh Hoá chỉ biết trồng lúa và hoa màu theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ. Song, áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, đến nay, xã Quảng Thắng đã có 2,5 ha diện tích trồng rau an toàn cho giá trị kinh tế cao.

     Mô hình thí điểm áp dụng Vietgap/GP.PS trong sản xuất và kinh doanh rau an toàn được đưa vào thực hiện tại xã Quảng Thắng từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, thuộc dự án FAPQDC dưới sự tài trợ Canađa (CIDA), do Hợp tác xã (HTX) dịch vụ - đầu tư nông nghiệp Quảng Thắng thực hiện. Trong quá trình thực hiện, HTX đã nhận được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT tỉnh, UBND TP. Thanh Hoá và các ngành liên quan, tổ chức các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.

     HTX đã vận động được 36 hộ gia đình nông dân trong xã chuyển đổi 2,5 ha từ trồng lúa một vụ năng suất thấp sang sản xuất rau an toàn và hướng dẫn xã viên sản xuất theo 11 quy trình, đúng kỹ thuật, bảo đảm 9 quy chuẩn và 5 khâu: nước, bảo vệ kỹ thuật, dịch vụ giống - vốn và tiêu thụ. Đến nay, tổng kết pha I, mô hình thí điểm trồng rau an toàn đã được thu hoạch nhiều đợt, bảo đảm thời gian cách ly đối với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và được đựng vào các dụng cụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (sọt nhựa, rổ, thùng xốp…), sau đó chuyển đến nhà sơ chế để thực hiện sơ chế, đóng gói.

 

 

     Quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, vận chuyển rau được thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng do các chuyên gia đầu ngành của Canađa và Việt Nam về ngành hàng rau của Dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm” xây dựng. Sản phẩm rau an toàn đã được Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Thanh Hoá cấp Giấy chứng nhận đáp ứng yêu càu về điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn.

     Hiện nay, sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu Quảng Thắng được tiêu thụ tại quầy rau Việt I - số 14, Mai An Tiêm và quầy rau Việt II - Số 23, Trịnh Ngọc Lữ, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hoá và các chợ ở khu vực TP. Ngoài ra, HTX còn là đơn vị cung cấp rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cho hệ thống bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú của các trường học, hệ thống nhà hàng, khách sạn, các chợ đầu mối và các cửa hàng kinh doanh rau an toàn tại TP. Thanh Hoá. Giá trị kinh tế HTX đạt được từ mô hình khoảng 300 - 300 triệu đồng/ha/năm.

     Với thành công trên, Quảng Thắng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên tới 12 ha, phấn đấu xây dựng thương hiệu rau an toàn mang tên Quảng Thắng trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng trong tỉnh. Đây là hướng đi triển vọng, giúp người nông dân làm giàu, nâng cao thu nhập

 

Thu Hằng (Theo Thanhhoacity.gov.vn)

                                                

Ý kiến của bạn