Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Thăm làng Vác, ngắm quạt giấy

12/03/2016

     Không biết chiếc quạt giấy có từ thủa nào, chỉ biết rằng, nó được sử dụng từ rất lâu, là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống đời thường của người dân. Chỉ đơn thuần là một chiếc quạt giấy, nhưng lại chứa đựng trong đó nét đẹp văn hóa truyền thống, đậm bản sắc Việt Nam cũng như mang ý nghĩa giá trị tinh thần sâu sắc của người dân làng Vác.

 

 

     Kẻ Vác là tên Nôm của làng Canh Hoạch, thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay là Hà Nội. Làng nằm ven đường 22 từ Hà Đông đi Vân Đình, khoảng cây số 19 có ngã tư đường với một dãy phố buôn bán sầm uất. Đó chính là Ngã tư Vác, còn được gọi là phố Vác.

     Thật khó mà tìm thấy làng quê nào có nhiều nghề kiếm sống như làng này. Nào làm nón lá, làm giấy pháo, rồi đan phên, cót, đóng giường tre, chõng tre, vót đũa tre, làm đồ chơi rằm trung thu như đèn lồng, đèn kéo quân, làm hương... Đúng là hàng trăm nghề, nhưng nghề làm quạt thì nhiều người làm nhất, là nghề hay nhất khiến làng Vác nổi tiếng thiên hạ.

 

 

     Nghệ nhân tài hoa một thời của làng Vác không còn nhiều, nhưng những tinh hoa các cụ để lại trong chiếc quạt giấy vẫn được lớp con cháu gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiêu chuẩn để có một chiếc quạt đẹp, bền, có hồn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên chính là nguyên liệu đặc trưng cần và đủ cho một chiếc quạt như: Tre là nguyên liệu tạo dáng cho chiếc quạt được chọn lựa rất kỹ lưỡng; tre được lấy ở nhiều nơi, nhưng tốt nhất vẫn là tre được trồng ở Lương Sơn - Hòa Bình, vì tre ở đây già, giảo, dễ uốn và ít bị mối mọt; giấy dó phải là giấy dó Bắc Ninh vì nó có độ bền cao và dai, tạo cảm hứng cho các nghệ nhân khi sáng tác các tác phẩm mang đậm “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”… Khi đã có đầy đủ nguyên liệu, người thợ bắt đầu các công đoạn hoàn chỉnh chiếc quạt.

 

 

     Do quạt được làm thủ công nên có rất nhiều công đoạn nhỏ đến từng chi tiết. Khi chọn được tre đạt yêu cầu, việc đầu tiên là chẻ tre và ngâm tẩm tre cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh bị mốc, mối mọt. Tiếp đến, đem ghép các nan tre đã chẻ lại với nhau rồi đóng nhài, dùng dao chuyên dụng gọt nan ghép cho thật đều. Định hình khung quạt xong, người thợ bắt đầu dán giấy lên các nan sao cho bề mặt quạt phẳng, không bị nhăn giấy. Sau đó, người thợ với bàn tay tài hoa, khéo léo sẽ tạo hình trên mặt giấy nhiều chi tiết hoa văn, hình vẽ sống động... Khi công đoạn tạo hình xong sẽ đến công đoạn gập, quấn và xén những phần giấy thừa. Đây là công đoạn cuối cùng để làm nên chiếc quạt.

     Ngoài quạt giấy, quạt sừng làng Vác cũng rất nôi tiếng. Để làm ra chiếc quạt sừng cũng khá công phu. Với những công đoạn không khác là mấy so với làm quạt thường, nhưng điều đặc biệt ở đây là các nan nhỏ làm bằng tre, duy chỉ có nan cái làm bằng sừng được mua ở Thường Tín - Hà Nội. Sừng mua về được cắt tỉa cẩn thận, đánh bóng và trang trí họa tiết. Đây là công đoạn đòi hỏi rất tỉ mỉ. Sau khi hoàn chỉnh, nghệ nhân trang trí lên quạt nhiều hoa văn và hình vẽ truyền thống như hoa sen, hoa cúc, hay lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh... bằng những nốt châm kim đều tăm tắp. Chuẩn mực của một chiếc quạt đẹp là nan phải nhẵn bóng, giấy nhuộm đều với nốt châm kim tinh xảo. Đặc biệt, quạt làm bằng giấy dó có thể che lúc trời nắng, trời mưa mà vẫn giữ được độ bền, đẹp lâu năm.

 

 

     Mỗi một chiếc quạt được làm ra đều ẩn chứa trong đó niềm vui, nỗi buồn, cũng như cuộc sống của người dân gắn bó cùng với sự hình thành và phát triển nghề làm quạt từ những ngày đầu tiên. Chiếc quạt Vác được ví như “linh hồn” của làng, không chỉ để làm mát, nó còn là nhân chứng chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử, của thời gian.

 

Hương Mai

Ý kiến của bạn