Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Từ tác phẩm “Ðời sống mới” nghĩ về nhân tố đạo đức trong bảo vệ môi trường hiện nay

09/06/2016

   Cách đây 70 năm (tháng 3/1947), tác phẩm “Đời sống mới” của Tân Sinh (Chủ tịch Hồ Chí Minh) được xuất bản gồm 15 phần, với hình thức “Hỏi” - “Đáp” để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng trong cuộc sống. Trong tác phẩm, Bác đề cập đến nhiều nội dung, đối tượng, tổ chức, cơ quan, lứa tuổi, điều kiện… nhưng nội dung chính là mối quan hệ chặt chẽ giữa rèn luyện, trau dồi đạo đức xã hội với giữ gìn môi trường. Đạo đức xã hội là nền tảng, là “gốc” của mọi vấn đề, thông qua việc giáo dục đạo đức xã hội, con người sẽ có những hành vi tích cực đối với môi trường.

Bãi biễn Quất Lâm (Nam Định) tràn ngập rác sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2016

   Mỗi người dân đều nên và cần “sống sạch sẽ”. “Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc. Làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”… Đối với mỗi làng, để xây dựng đời sống mới thì phải “làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”, làng trở nên “thuần phong mỹ tục, “môi trường, đường sá sạch sẽ”.

   Đồng thời, Bác còn chỉ ra những điểm cần chú ý khi xây dựng đời sống mới cho mỗi đối tượng. Trong trường học, các em cần được giáo dục để “trong sạch như một tấm lụa trắng”; Đối với bộ đội, phải “kỷ luật nghiêm; siêng năng tập luyện; học chữ, rèn luyện chính trị, tăng gia sản xuất, giữ vệ sinh...”; Đối với cán bộ, công chức cần thực hiện đúng các đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”, nếu rèn luyện tốt sẽ hình thành được những đức tính, cách sống khác, bao gồm giữ gìn vệ sinh, BVMT.

   Qua đó có thể thấy, ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX, Bác Hồ đã “nhìn xa trông rộng”, hiểu rất rõ đạo đức xã hội gắn liền với BVMT. Những năm sau đó, Bác đã có nhiều bài viết về công tác BVMT, trồng cây gây rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên... Người cũng chính là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu với thiên nhiên, đất nước, con người.

   Từ tác phẩm “Đời sống mới”, ngẫm đến câu chuyện BVMT hôm nay để thấy những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề môi trường ở nước ta “nóng” như hiện nay. Công tác BVMT thu hút sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, hệ thống chính trị và người dân. Hiện tượng nắng hạn kéo dài, nước biển xâm nhập sâu tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, “thảm họa” cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan… ảnh hưởng xấu đền đời sống nhân dân. Bên cạnh đó là tình trạng tràn ngập rác tại các bãi biển vào những kỳ nghỉ lễ, làm mất mỹ quan môi trường, phần nào làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trên “bản đồ du lịch quốc tế” như: Cồn Vành (Thái Bình); Quất Lâm (Nam Định); Sầm Sơn (Thanh Hóa), Thiên Cầm (Hà Tĩnh); Cửa Tùng (Quảng Trị), Nha Trang (Khánh Hòa)... Để xảy ra những vấn đề môi trường trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên.

   Một lần nữa, cần phải nói đến vấn đề gắn đạo đức xã hội với ý thức BVMT. Mặc dù, trong những năm qua, công tác BVMT đã có nhiều chuyển biến, ý thức BVMT của người dân đã được nâng lên, nhưng ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có những cán bộ, nhân viên vẫn còn hạn chế. Khi công tác quản lý chưa sâu sát, chế tài chưa đủ mạnh, tạo sức răn đe và lợi ích kinh tế, lợi ích cá nhân lớn thì sẽ dẫn đến việc một số cá nhân, tổ chức “bất chấp” hy sinh môi trường vì lợi ích của bản thân. Vì thế, công tác BVMT sẽ còn là “cuộc chiến lâu dài” giữa cái tốt và cái xấu.

   Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT, cần có những giải pháp quyết liệt; gắn giáo dục đạo đức với ý thức BVMT, đưa nội dung BVMT trở thành nội dung phổ cập, được giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp tại các lớp học chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, quy trách nhiệm rõ ràng đối với các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, địa phương, vô tình hay cố ý hủy hoại môi trường, làm “ngơ” cho những hành vi vi phạm môi trường.

   Bác Hồ kính yêu đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Ngày nay, công tác “trồng người” cần phải nghiêm khắc hơn, kỷ luật hơn, phải gắn kết đạo đức con người với môi trường, thiên nhiên vì sự phát triển bền vững đất nước.

Vũ Ngọc Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn