Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/07/2024

Tội phạm có tổ chức đe dọa nghiêm trọng đến các loài hoang dã

14/12/2015

   Hiện nay, cùng với các hoạt động buôn bán trái phép như ma túy, vũ khí, và buôn người, tội phạm về động vật hoang dã và lâm tặc trở thành một trong những hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lớn nhất toàn cầu. Ngoài việc gây ra tác động tiêu cực trực tiếp đến môi trường và hệ sinh thái, nạn buôn bán trái phép các loài hoang dã còn khiến cho nền kinh tế của các nước đang phát triển mất đi hàng tỷ USD mỗi năm.

Loài tê giác đen đang bị đe dọa nghiêm trọng

   Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã đe dọa nghiêm trọng đến các quy định của pháp luật và an toàn an ninh quốc gia; làm suy yếu hệ sinh thái và là trở ngại lớn cho những nỗ lực của cộng đồng trong việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cuộc chiến chống loại tội phạm này không chỉ cần thiết cho những nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững, mà còn góp phần vào việc đạt được hòa bình và an ninh trong những khu vực còn gặp nhiều khó khăn do các cuộc xung đột thường xuyên xảy ra bởi các hoạt động săn bắn, buôn bán bất hợp pháp.

   Số lượng voi bị giết chết ở châu Phi lên tới khoảng 20.000 - 25.000 con/năm trong tổng số 420.000 - 650.000 con. Theo số liệu gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học, khoảng 100.000 con voi bị chết trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2012. Đối với voi rừng, số lượng đã giảm khoảng 62% trong giai đoạn từ năm 2002 - 2011. Ngoài ngà voi có nguồn gốc từ châu Á, ngà voi được săn bắn ở châu Phi có giá giao động từ 165 - 188 triệu USD/ngà voi thô.

   Theo báo cáo mới đây của Công ước quốc tế về buôn bán các loài hoang dã (CITES), tổng số voi bị săn bắn trộm không thay đổi trong năm 2014 (so với năm 2013), và vượt xa tỷ lệ voi con được sinh ra trong tự nhiên, điều này có nghĩa, tổng số voi ngày càng bị suy giảm. Riêng năm 2014 có 1.215 con tê giác bị săn bắn ở Nam Phi, tính ra trong 8 giờ sẽ có 1 con tê giác bị giết. Như vậy, khoảng 94% số tê giác bị săn trộm diễn ra ở đây, nơi sinh sống của quần thể tê giác lớn nhất còn sót lại. Những hoạt động của các loại tội phạm có tổ chức khiến cho loài tê giác giảm một cách đột biến từ 20 (năm 2007) đến hơn 1.000 con ở Nam Phi (năm 2013)và sừng tê giác bị săn bắn vào năm 2014 có giá trị ước tính khoảng 63 - 192 triệu USD.

   Ngoài ra, việc săn bắn bất hợp pháp cũng đe dọa các loài tinh tinh, khỉ đột, vượn bonobo (tinh tinh lùn) ở châu Phi và đười ươi ở châu Á, với tần suất trung bình 1,3 lần/tuần kể từ năm 2014. Hiện nay, có nhiều loài vượn chết trong quá trình săn bắt hay giam cầm; ước tính rằng, ít nhất 220 con tinh tinh, 106 con đười ươi, 33 con vượn bonobo và 15 con khỉ đột đã bị chết trong suốt 14 tháng qua, theo báo cáo của Tổ chức cứu trợ các loài khỉ lớn (GRASP)

   Loài vẹt Spix là một trong những loài nguy cấp nhất trên hành tinh với số lượng chỉ còn 80 cá thể trên toàn thế giới, chủ yếu sống ở Tây Ban Nha, Đức và Quata. Một loài động vật nguy cấp khác là tê tê, được gọi là “thú ăn kiến có vảy”, loài động vật có vú bị đe dọa nhiều nhất thế giới, với hơn 1 triệu cá thể biến mất khỏi tự nhiên trong thập kỷ qua.

   Việc buôn bán trái phép gỗ quý (như gỗ hồng, mang lại lợi nhuận cao) cũng ở tình trạng đáng báo động, do loại tội phạm có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và thường liên quan đến tệ nạn tham nhũng. Theo báo cáo của CITES, một lượng lớn gỗ hồng được nhập lậu từ Madagascar, Đông Nam Á và Trung Mỹ. Giữa năm 2011 - 2014, hơn 4.800 tấn gỗ hồng bất hợp pháp có nguồn gốc từ Madagascar đã bị thu giữ tại nhiều nước ở Đông Phi và châu Á. Trong tháng 12/2014, Hải quan Hồng Kông đã thu giữ 92 tấn gỗ hồng Honduras đến từ Goa-tê-ma-la qua Mêxicô. Ngoài ra, buôn bán trái phép “gỗ hồng Thái Lan” trong khu vực Đông Nam Á tăng trong những năm gần đây.

   Để giải quyết vấn đề trên, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNEP) đã phát động các sáng kiến mới để ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã ở châu Á và châu Phi, giải quyết vấn nạn tội phạm bằng cách tập trung vào việc thực thi pháp luật, quy định, sự hợp tác tham gia của các khu vực tư nhân, Chính phủ trong và giữa hai khu vực.

   Đến giữa năm 2014, Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc cũng đưa ra Chương trình toàn cầu về đấu tranh chống tội phạm về động vật hoang dã và lâm tặc nhằm xây dựng năng lực của các Chính phủ trong việc ngăn ngừa và đấu tranh chống lại các loại tội phạm này ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương, đồng thời, nâng cao nhận thức để giảm nhu cầu sử dụng động vật và thực vật hoang dã. Hiện, Chương trình đang tiến hành làm việc với các tổ chức thực thi luật pháp để đảm bảo loại tội phạm động vật hoang dã, khai thác gỗ bất hợp pháp và các tội phạm liên quan bị xử lý nghiêm khắc giống như các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khác.

                Trung Thảo
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn