Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tập trung xây dựng và hoàn thiện các luật chuyên sâu về môi trường

02/10/2015

   Trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát 3 chuyên đề về môi trường là kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế (KKT) và làng nghề; BVMT trong khai thác khoáng sản và Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đối với công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

   Nhân dịp Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với TS. Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội về kết quả các hoạt động giám sát trong lĩnh vực môi trường.

TS. Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội

    Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng, trong đó có Luật BVMT năm 2014 và Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo. Với vai trò là cơ quan thẩm tra các văn bản pháp luật, hai Luật này có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc sống không, thưa ông?

   TS. Võ Tuấn Nhân: Luật BVMT năm 2014 gồm 20 chương, 170 điều, quy định về hoạt động BVMT, chính sách, biện pháp và nguồn lực BVMT; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hộ gia đình và cá nhân trong BVMT để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (PTBV) và hội nhập quốc tế. Luật BVMT năm 2014 là công cụ quản lý chủ động, hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm BVMT là một trong ba trụ cột của PTBV. Điểm mới nổi bật của Luật BVMT năm 2014 là quy định về quy hoạch BVMT, quy định này đã kế thừa và hoàn thiện quy định của Luật BVMT năm 1993 và năm 2005.

   Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Luật BVMT năm 2014 đã bổ sung một Chương về ứng phó với BĐKH, với 10 điều (từ Điều 39 - Điều 48) quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH); Quản lý phát thải khí nhà kính; Quản lý các chất làm suy giảm tầng ôzôn; Phát triển năng lượng tái tạo; Sản xuất và tiêu thụ bền vững; Tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải; Quyền hạn và trách nhiệm của cộng đồng đối với ứng phó với BĐKH; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với BĐKH; Hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH… đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với BĐKH hiện nay. Ngoài ra, Luật còn bổ sung rất nhiều nội dung về quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân… trong việc BVMT; quy định cụ thể trách nhiệm trong quản lý, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường.

   Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo đã quy định chi tiết về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Theo đó, việc hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm PTBV, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luật cũng quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo Việt Nam; quy định về hoạt động BVMT, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo. Đặc biệt, Luật đã quy định khá chi tiết về Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.

   Được biết, Quốc hội, UBTVQH đã tiến hành giám sát 3 chuyên đề trong lĩnh vực môi trường, vậy ông đánh giá thế nào về tình hình chấp hành các Nghị quyết về kết quả giám sát?

   TS. Võ Tuấn Nhân: Quốc hội, UBTVQH giao cho Ủy ban KHCN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành các hoạt động giám sát về môi trường đối với các chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT và làng nghề; BVMT trong quản lý, khai thác khoáng sản và Ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL. Sau đó, Quốc hội và UBTVQH đã ban hành 3 nghị quyết về những kết quả giám sát. Đến nay, các cơ quan chịu sự giám sát đã thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả cụ thể.

   Đối với BVMT tại các KKT, làng nghề, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, làng nghề, công tác BVMT tại các KKT, làng nghề đã có chuyển biến tích cực. Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật BVMT năm 2014; trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Ngoài ra, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đã ban hành và sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan đến BVMT tại các KKT, làng nghề. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, nâng cao năng lực đã được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả; công tác xã hội hóa đã được quan tâm; việc chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT được tăng cường. Đến nay, các KKT ven biển đã thu hút được 247 dự án FDI, 777 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký 36,98 tỷ USD và 541.816 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 117.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 39.000 tỷ đồng.

   Tính đến 30/5/2015, đã có 45/63 tỉnh/TP triển khai công tác quy hoạch làng nghề và công nhận 1.839 làng nghề, làng nghề truyền thống, tăng 517 làng nghề so với năm 2011; đồng thời, đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề để di dời các làng nghề ra khỏi khu dân cư; nhân rộng việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước làng nghề gắn với BVMT, xây dựng nông thôn mới. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, tổ chức các lễ hội làng nghề truyền thống để giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

   Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Việc đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu; việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KH&CN trong BVMT và quản lý, thẩm định thiết bị, công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và xử lý môi trường tại các KKT, làng nghề còn hạn chế; chưa hình thành được ngành công nghiệp môi trường; sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và đầu tư đối với công tác BVMT hiệu quả chưa cao; thiếu các quy định hướng dẫn đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra cho sức khỏe con người. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa đổi mới, các chế tài xử phạt vi phạm thiếu sức răn đe và phòng ngừa vi phạm.

   Đối với BVMT trong quản lý, khai thác khoáng sản (KTKS), UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 ngày 12/10/2012 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, KTKS gắn với BVMT. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, các Bộ, ngành đã ban hành được 21 quy chuẩn liên quan đến hoạt động KTKS và 16 quy chuẩn BVMT trong KTKS; các địa phương đã ban hành được 552 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khoáng sản và BVMT trong KTKS. Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên khoáng sản, công tác đấu giá quyền KTKS, thu tiền cấp quyền khai thác đã được tiến hành, bước đầu có kết quả. Tình trạng cấp phép tràn lan ở các địa phương đã giảm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực khoáng sản và BVMT trong KTKS đã được tăng cường. Công tác thẩm định, hậu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, BVMT trong KTKS đã đạt được kết quả nhất định.

   Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 cũng còn những hạn chế như một số quy chuẩn kỹ thuật; định mức kinh tế - kỹ thuật công trình địa chất chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn. Một số dự án điều tra địa chất khoáng sản kéo dài thời gian thực hiện trong nhiều năm nên việc sử dụng kết quả còn hạn chế. Mặt khác, việc phân bổ nguồn kinh phí (năm 2012 là 345,4 tỷ đồng; năm 2013: 224,5 tỷ đồng; năm 2014: 258,8 tỷ đồng; năm 2015: 304,2 tỷ đồng) cho các dự án điều tra cơ bản còn chưa tập trung cho các dự án trọng điểm. Tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu còn chậm; công tác dự báo nguồn cung, cầu về nguyên liệu khoáng sản còn hạn chế, khiến cho nhiều doanh nghiệp bị tồn kho. Ở một số địa phương, việc thực hiện nạo vét, khơi thông luồng lạch kết hợp thu hồi sản phẩm là cát, sỏi chưa quản lý chặt chẽ. Công tác xây dựng và ứng phó sự cố môi trường trong KTKS, nhất là tại các bãi thải, hồ chứa bùn thải quặng còn bất cập, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở xây dựng các công trình BVMT.

 

 

Đoàn giám sát của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Phan Xuân Dũng (đứng thứ 2, hàng đầu bên phải) làm Trưởng đoàn khảo sát tại Bình Thuận về BVMT trong quản lý, khai thác khoáng sản vào tháng 3/2012 

   Giám sát về ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 853/NQ - UBTVQH13 ngày 5/12/2014 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL. Tuy mới thực hiện chưa đầy một năm, nhưng việc thực hiện Nghị quyết số 853/NQ - UBTVQH13 bước đầu đã đạt được kết quả, các mô hình thích ứng với BĐKH đã được triển khai và có hiệu quả.

 

   Để thực hiện tốt Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH13 trong thời gian tới, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép nội dung BĐKH vào các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển KT - XH. Ứng phó với BĐKH phải dựa trên cách tiếp cận liên ngành, liên vùng và sớm ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực từ xã hội cho ứng phó với BĐKH; Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực vào ứng phó với BĐKH, đặc biệt là Chính phủ cần chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng dự án, công trình quan trọng quốc gia về ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL một cách đồng bộ, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng, dài hạn và tính bền vững cao, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào cuối năm 2015” để bảo đảm thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.

   Hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua đã phát huy vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Để tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, thời gian tới, cần có những giải pháp nào thưa ông?

   TS. Võ Tuấn Nhân: Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Chức năng giám sát của Quốc hội phải gắn liền với các chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia; Hoạt động giám sát phải tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân. Hoạt động giám sát phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, công khai, minh bạch; Kết luận sau giám sát phải có hiệu lực thi hành; Thành phần và cách thức tổ chức, hoạt động của Đoàn giám sát phải đáp ứng yêu cầu của nội dung giám sát; Nâng cao chất lượng các kiến nghị và chế tài thực hiện các kiến nghị sau hoạt động giám sát; Phải có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tăng cường các điều kiện đảm bảo, hỗ trợ cho hoạt động giám sát.

   Hy vọng tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, qua đó sẽ bổ sung các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giám sát có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu PTBV.

   Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV là một sự kiện quan trọng của ngành TN&MT, đánh dấu quá trình nỗ lực thực hiện công tác BVMT giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng trọng tâm công tác BVMT giai đoạn 2016 - 2020. Ông có đề xuất gì để công tác BVMT đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong thời kỳ mới?

   TS. Võ Tuấn Nhân: Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV với những chủ đề quan trọng như Quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT, Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực BVMT và phiên họp toàn thể. Hội nghị được diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa để chúng ta tổng kết công tác BVMT giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020.

   Giai đoạn 2010 - 2015 đã đánh dấu thời kỳ đẩy mạnh công tác BVMT của đất nước. Hệ thống pháp luật BVMT cơ bản được hoàn thiện; công tác BVMT từng bước đáp ứng được nhiệm vụ phát triển KT - XH đất nước. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp nên trong thời gian tới, công tác BVMT cần có bước đột phá và đẩy mạnh việc thực hiện một số nội dung chủ yếu: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các luật chuyên sâu về môi trường như Luật Kiểm soát ô nhiễm nước; Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí và tiếng ồn; Luật Kiểm soát ô nhiễm đất… và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho từng đối tượng để đáp ứng yêu cầu QLNN về BVMT; Tăng cường công tác QLNN, phân công, phối hợp nhiệm vụ BVMT giữa các Bộ, ngành và địa phương phải nhịp nhàng, thống nhất và hiệu quả; Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BVMT; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, đồng thời áp dụng các chế tài xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và nghiêm minh của pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT. Cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy và hình thành ngành công nghiệp môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH theo chiều sâu, gắn với Tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT; Áp dụng các công nghệ tiên tiến vào giám sát chất lượng môi trường theo thời gian thực hiện; Thống nhất cơ sở dữ liệu và quản lý dữ liệu môi trường một cách đầy đủ, đồng bộ trong phạm vi cả nước.

   Xin cảm ơn ông!

Giáng Hương
(Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 9 - 2015)

 

 

 

Ý kiến của bạn