Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng trưởng xanh Đà Lạt thúc đẩy du lịch phát triển

25/02/2016

 

     Năm 2015, TP.Đà Lạt vinh dự đón nhận Cúp và Chứng nhận “Thành phố bền vững môi trường ASEAN” do Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN công nhận. Đà Lạt cũng đang được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chọn thí điểm phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Đây là những cơ hội lớn góp phần đắc lực để Đà Lạt đạt sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.

 

 

     Đà Lạt có tài nguyên rừng, tài nguyên nước mặt và tài nguyên du lịch. Trong đó, tài nguyên du lịch như khí hậu, địa hình, cảnh quan và các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng… là thế mạnh. Những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và văn hóa - xã hội là tiền đề tốt cho nền kinh tế xanh, trong đó có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Phát huy lợi thế này, thành phố đã chủ động thực hiện tái cơ cấu kinh tế và trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Đà Lạt cũng đang và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng và TTX nói chung.

     Tuy nhiên, Đà Lạt cũng phải đối diện với những thách thức như: Nhận thức và năng lực thực hiện TTX chưa cao; Hệ thống thể chế chính sách còn đang trong giai đoạn chuyển đổi, chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới TTX. Dẫn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp; tài nguyên nước bị suy thoái, một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, chưa áp dụng tốt công nghệ sinh học nên chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải ô nhiễm…

     Nhận thức được điều này, Đà Lạt đặt ra mục tiêu TTX là phát triển kinh tế theo hướng bền vững; quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả tài nguyên, BVMT; nâng cao hiệu quả nguồn lực và giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, những nhiệm vụ cụ thể đặt ra trong thời gian tới là giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…

     Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đà Lạt đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và các danh lam thắng cảnh để thu hút khách tham quan, đồng thời chú trọng phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh để xứng danh với các tên gọi “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, “thành phố ngàn hoa”, “thành phố Festival hoa Việt Nam”… Những hoạt động TTX cụ thể ưu tiên thực hiện hiện nay bao gồm: tổ chức các con đường hoa, đường phố không rác, hàng “nhãn hiệu xanh”; khuyến khích các tổ chức sử dụng năng lượng tiết kiệm điện; giảm nhà kính, nhà lưới; tăng dần sản xuất thủy canh, tiết kiệm nước; hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tuyên truyền, vận động nông dân cùng thu gom và xử lý chất thải nông nghiệp… Thành phố cũng đang tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư thân thiện môi trường, nhất là lĩnh vực khách sạn, dịch vụ.

     Như vậy, tính đến thời điểm này, Đà Lạt là 1 trong số ít thành phố ASEAN đạt được chứng nhận thành phố tiềm năng bền vững về môi trường. Từ sự kiện này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục quảng bá hình ảnh và khẳng định tiềm năng, vị thế của một thành phố du lịch phát triển bền vững cùng cảnh quan thiên nhiên và môi trường thân thiện.

 

Phương Tâm

 

Ý kiến của bạn