Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

02/09/2013

Tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.tif

Ông Lương Duy Hanh

Chánh Thanh tra

Tổng cục Môi trường

 

            Sự ra đời của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP (Nghị định 117) về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT đã phần nào giải quyết một số vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, trước sự đa dạng cũng như tính chất phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, Nghị định 117 đã bộc lộ một số bất cập cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp như: hành vi vi phạm còn chung chung, mức phạt chưa hợp lý... Mới đây, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT (Dự thảo Nghị định) thay thế Nghị định số 117. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lương Duy Hanh - Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường xung quanh vấn đề này.

 

            PV: Thưa ông, Dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có những điểm gì mới so với Nghị định 117?

            Ông Lương Duy Hanh: Triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 (có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2013), Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả và các biện pháp xử lý khác theo quy định tại Điều 49 của Luật BVMT năm 2005. Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới như: Nâng mức xử phạt tối đa đối với cá nhân lên 1 tỷ đồng và đối với tổ chức là 2 tỷ đồng (trước đây là 500 triệu đồng), đặc biệt đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có thể tăng lên gấp đôi và sẽ do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định; lồng ghép nội dung XPVPHC về đa dạng sinh học (ĐDSH); bổ sung thẩm quyền xử phạt của các chức danh theo quy định của Luật XLVPHC, Luật Thanh tra năm 2010; khắc phục những tồn tại của Nghị định 117 đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

            PV: Dự thảo Nghị định có bổ sung những quy định gì về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ĐDSH, thưa ông?

            Ông Lương Duy Hanh: Vì ĐDSH là lĩnh vực mang tính đa ngành nên một số nội dung, thành phần ĐDSH đang được điều chỉnh đồng thời cùng với các luật khác như Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 điều chỉnh các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển ba loại rừng; Quản lý nhà nước về bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn gen sinh vật rừng; và các quy định liên quan đến quản lý lâm sản (gồm động, thực vật rừng); Luật Thủy sản năm 2003 điều chỉnh về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004 điều chỉnh về giống cây trồng, trong đó có nguồn gen giống cây trồng quý hiếm; Quản lý giống cây trồng gây hại... Mỗi nội dung quản lý chuyên biệt này hiện đều có những Nghị định về XPVPHC và cũng sẽ được sửa đổi để phù hợp với Luật XLVPHC. Tuy nhiên, tại các Nghị định xử phạt này, một số nội dung đặc thù trong ĐDSH chưa được đề cập, hoặc đề cập chưa rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật như các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; các quy định về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích; Quy định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng...

            Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 7675/VPCP-KGVX ngày 28/9/2012 về Dự thảo Nghị định XPVPHC trong lĩnh vực ĐDSH, sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã bổ sung vào Dự thảo Nghị định lần này những quy định về XPVPHC trong lĩnh vực này, cụ thể: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; Bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật; Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền theo quy định của Luật ĐDSH năm 2008.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong năm 2012, Thanh tra của Tổng cục phát hiện và xử lý 311 tổ chức, doanh nghiệp vi phạm, với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng, đồng thời, yêu cầu có thời hạn buộc doanh nghiệp phải khắc phục các vi phạm. Đặc biệt đã phát hiện nhiều cơ sở và KCN xả trực tiếp hàng nghìn m3 nước thải không qua xử lý ra môi trường, với các thủ đoạn tinh vi, gây ô nhiễm nghiêm trọng như: KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, KCN Liên Chiểu và Công ty Gốm sứ Cosani (TP.Đà Nẵng); Xí nghiệp chế biến thủy sản Cầu Quan thuộc Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh và Công ty Thủy sản Cửu Long (Trà Vinh); Công ty TNHH Hùng Vương - Vĩnh Long, Công ty Thủy sản  Cửu Long (Vĩnh Long); Công ty CP bia Hà Nội - Nghệ An (Nghệ An)… Tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp tập trung vào các hành vi: Thực hiện không đúng các nội dung báo cáo ĐTM, cam kết BVMT đã được phê duyệt, xác nhận; Quản lý CTNH không đúng quy định

            PV: Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường vẫn diễn ra khá phổ biến, vậy Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh mức xử phạt như thế nào nhằm tăng hiệu lực xử lý, có tính răn đe cao đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các doanh nghiệp?

            Ông Lương Duy Hanh: Mức phạt tối đa trong lĩnh vực BVMT đã được quy định trong Luật XLVPHC, Dự thảo Nghị định chỉ cụ thể hóa hình thức xử phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và từ 100.000 đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, đồng thời, cụ thể hóa các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền khắc phục ô nhiễm” và “vi phạm càng nghiêm trọng thì mức phạt tiền càng cao”, đảm bảo có tính răn đe và buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện công tác BVMT, thay đổi hành vi gây ô nhiễm theo hướng có lợi cho môi trường. Đối với hành vi cố tình vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị xử phạt ở mức tối đa, có tính răn đe để các tổ chức, cá nhân phải thực hiện xử lý chất thải.

            PV: Dự thảo Nghị định có đề cập đến việc công bố công khai thông tin về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, ông có thể cho biết, vấn đề này được quy định như thế nào?

            Ông Lương Duy Hanh: Việc công bố công khai thông tin về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Luật XLVPHC, cụ thể những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT, gây hậu quả lớn, hoặc gây hậu quả xấu về dư luận xã hội sẽ bị công bố công khai trên trang thông tin điện tử, hoặc báo của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, UBND cấp tỉnh nơi xảy ra VPHC hoặc cơ quan chủ quản của người có thẩm quyền xử phạt.

            Nội dung, thẩm quyền và thủ tục công bố công khai thông tin được quy định như sau: Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm và người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức buộc di dời, cấm hoạt động có thẩm quyền áp dụng biện pháp công bố công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về BVMT; Thủ trưởng cơ quan của người đã ra quyết định XPVPHC, người có thẩm quyền quyết định buộc di dời, cấm hoạt động gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định XPVPHC, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở đến người phụ trách trang thông tin điện tử, hoặc báo của cơ quan quản lý của Bộ, Sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động.

            Nội dung thông tin cần công khai bao gồm: Tên đăng ký kinh doanh, tên thương mại, tên tổ chức, cá nhân vi phạm, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh chính; Địa chỉ trụ sở chính của cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tổ chức có hành vi vi phạm; Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường; Quá trình vi phạm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; Hình thức xử lý, biện pháp khắc phục hậu quả, thời gian khắc phục hậu quả; Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm công bố công khai phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố; phải có trách nhiệm đính chính thông tin sai lệch trong vòng một ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính và phải chịu chi phí cho việc đính chính; Người phụ trách trang thông tin điện tử hoặc báo đăng thông tin phải thực hiện việc đăng tin trong vòng một ngày làm việc đối với trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo kể từ thời điểm nhận được yêu cầu; trong trường hợp trang thông tin điện tử hoặc báo đăng không chính xác các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này thì phải có trách nhiệm đính chính thông tin sai lệch trong vòng một ngày làm việc đối với trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo và phải chịu chi phí cho việc đính chính; Trong quyết định XPVPHC, quyết định buộc di dời, cấm hoạt động phải ghi rõ lý do áp dụng biện pháp công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, nội dung thông tin, tên báo, trang tin điện tử đăng công khai thông tin; Báo, cơ quan phụ trách trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai tại số báo hoặc lần đăng tải liền sau đó; Trường hợp việc công bố công khai việc xử phạt không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng, người có thẩm quyền công bố công khai việc xử phạt phải báo cáo thủ trưởng cấp trên trực tiếp và phải công bố công khai việc xử phạt ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục; Kinh phí để công bố công khai do ngân sách nhà nước bảo đảm.

            PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này .

Trần Hương (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

 

Ý kiến của bạn