Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tăng cường sản xuất mây, tre và keo có trách nhiệm tại Tiểu vùng Mê Công mở rộng

29/05/2015

   Dự án “Tăng cường và nhân rộng sản xuất và nguồn cung mây, tre và keo có trách nhiệm bởi những nhà sản xuất quy mô nhỏ - Tiểu vùng Mê Công mở rộng” gọi tắt là “Dự án mây tre keo bền vững” (SBARP) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất chế biến mây, tre, keo tại vùng Mê Công (bao gồm Lào, Việt Nam và Campuchia) trong việc phát triển bền vững, cải thiện môi trường cũng như tăng lợi ích kinh tế và góp phần xóa đói giảm nghèo.

   Trong 9 năm qua, WWF-Greater Mekong đã thúc đẩy thành công mô hình sản xuất và nguồn cung ứng có trách nhiệm các sản phẩm rừng (chủ yếu là mây và gỗ rừng trồng) của các cộng đồng và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó nhiều hoạt động có hiệu quả được thực hiện với tác động tốt cũng như nhiều kinh nghiệm đã được tài liệu hóa, bao gồm mô hình quản lý rừng bền vững được chứng nhận của Hội đồng Quản trị rừng FSC™; sự tham gia của nhà nước như đầu tư ngân sách vào chuỗi cung ứng mây; nâng cao năng lực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của cộng đồng và liên kết với các doanh nghiệp thu mua tư nhân; thí điểm thành công công nghệ chế biến mây thân thiện với môi trường; xuất bản một hướng dẫn tổng hợp các hệ thống phân loại, sinh thái và quản lý mây ở khu vực sông Mê Công. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản và cơ hội cải thiện ngoài những thành công này. Một là, các nhà cung cấp của IKEA - một doanh nghiệp tư nhân Thụy Điển chuyên thiết kế và kinh doanh đồ nội ngoại thất - vẫn chưa tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô tiềm năng tại khu vực miền Trung. Hai là các biện pháp can thiệp trước đó chỉ ở cấp vi mô, trong khi có nhiều tiềm năng để mở rộng các mô hình quản lý và đảm bảo sự tham gia đầu tư từ các chương trình phát triển của Chính phủ.

   Nhằm tiếp nối thành công tại giai đoạn trước, Dự án SBARP sẽ cùng xúc tiến ba sản phẩm khác nhau: gỗ (keo), lâm sản phi gỗ (mây và tre) cho các nước trong khu vực sông Mê Công. Phương pháp tiếp cận tổng hợp các sản phẩm lâm sản này sẽ tăng cường phối hợp, hiệu quả và học hỏi trong quá trình thực hiện và giúp thúc đẩy sự tham gia đầu tư lớn hơn từ nhà nước. Mở rộng các mô hình hiện có, cách tiếp cận dự án đã được chứng minh là sẽ không chỉ hỗ trợ mở rộng quy mô và nhân rộng các cách làm tốt nhất, mà còn đóng góp nhiều lợi ích hơn cho sinh kế và môi trường. Cuối cùng, phương pháp này sẽ tạo cơ hội nâng cao sản xuất có trách nhiệm đối với các mặt hàng lâm nghiệp trọng điểm và thiết lập các mối liên kết rõ ràng với chuỗi cung ứng IKEA ở Đông Nam Á.

   Dự kiến, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào quy hoạch vùng nguyên liệu để cân bằng mở rộng sản xuất bền vững những mặt hàng lâm sản được lựa chọn với các mục tiêu kinh tế và môi trường khác; phát triển các cơ chế và ưu đãi phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ bền vững; nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa có trách nhiệm sử dụng phương pháp tiếp cận từng bước đã được chứng minh của WWF và Mạng lưới Lâm sản Toàn cầu GFTN để được chứng nhận FSC™; tạo thuận lợi điều phối thị trường bằng cách thiết lập nhóm chung các chuyên gia của WWF-IKEA cho khu vực Đông Nam Á để kết nối các đối tác tham gia dự án với chuỗi cung ứng IKEA. Công việc này sẽ được lồng ghép và liên kết với các dự án bảo tồn và phát triển khác của WWF và các tổ chức khác có liên quan.

   Mục tiêu của Dự án SBARP xây dựng 5 lĩnh vực chiến lược can thiệp trong 3 năm (tháng 9/2014 đến tháng 8/2017) với các nội dung:

   Quy hoạch sử dụng đất được cải thiện trong khu vực công và tư nhân: Quy hoạch sử dụng đất rừng có sự tham gia được phát triển và phê duyệt bởi chính quyền cấp tỉnh tại các tỉnh địa bàn dự án để hướng dẫn quản lý nguồn tài nguyên bền vững và phát triển các mặt hàng từ rừng.

   Môi trường quản lý rừng có trách nhiệm được cải thiện: Cơ chế và hỗ trợ cho việc đầu tư tài chính vào sự phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ và sản xuất hàng hóa bền vững được phát triển và xác nhận bởi các bên tham gia có liên quan (ngân hàng; tổ chức tài chính; nhà nước và tư nhân...) mà các doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể tiếp cận để phát triển bền vững lâu dài các mặt hàng.

   Chất lượng hệ thống chứng nhận rừng được cải thiện: Các phương pháp giám sát và đánh giá hiệu quả chi phí tài chính thực tế được phát triển bởi dự án cho các khu vực rừng tiềm năng ưu tiên, sử dụng các chỉ số giám sát rừng có giá trị bảo tồn cao (HCVs) và các lĩnh vực xã hội, môi trường khác của việc sản xuất các mặt hàng. Cơ chế giám sát ở các cấp độ khác nhau được kiểm chứng và áp dụng nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Các loài mây và tre có tiềm năng cao ở rừng tự nhiên nhưng chưa được thương mại hóa hoặc các loài có giá trị cao có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức sẽ được khuyến khích tiệp cận sản xuất bền vững và lồng ghép vào các hoạt động dự án và các chương trình hỗ trợ của chính phủ để làm phong phú về các loài thương mại và duy trì bảo tồn và quản lý bền vững các loài có giá trị.

   Tăng khu vực rừng được quản lý tốt và được chứng nhận: Hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp để mở rộng diện tích quản lý rừng keo, mây và tre có trách nhiệm tại các tỉnh địa bàn dự án thông qua tuyển chọn các nhà sản xuất quy mô nhỏ và các công ty trồng rừng tham gia vào hệ thống từng bước mở rộng về chứng chỉ rừng FSC của WWF/GFTN.

   Tăng cường chuỗi thị trường lâm sản đáng tin cậy được chứng nhận: Nhóm tham gia đầu mối giữa WWF-GM và cơ sở kinh doanh của IKEA ở Đông Nam Á được thiết lập với điều khoản tham chiếu (TOR) cụ thể nhằm cải thiện thông tin liên lạc và điều phối thị trường cho việc phát triển bền vững các chuỗi cung. Các mô hình kinh doanh khả thi được phát triển bao gồm các nhà xưởng/nhà máy và các kho hàng được thúc đẩy và kết nối đến chuỗi cung của IKEA.

 

 

Khai thác rừng keo trồng đạt chứng nhận FSC tại Quảng Trị

 

   Nhìn chung, hoạt động can thiệp này dựa trên ý tưởng hoạt động thâm canh nông lâm nghiệp bền vững phụ thuộc lớn vào việc lồng ghép sản xuất hàng hóa, đa dạng sinh học và sinh kế nông thôn ở mức độ vùng cảnh quan. Việc quy hoạch sử dụng đất sẽ cung cấp khung tổng thể cho hoạt động lồng ghép này. Trong hoạt động này, việc tập trung vào cả rừng tự nhiên (mây và tre) và rừng trồng (keo) sẽ giúp bảo đảm nguồn cung cấp các lâm sản và dịch vụ bền vững ở cấp độ vùng cảnh quan. Ngoài những lợi ích mà rừng tự nhiên mang lại, các khu rừng trồng được quy hoạch và quản lý phù hợp cũng có thể đóng góp vào công cuộc kết nối các sinh cảnh rừng bị chia cắt, ổn định và phục hồi rừng thứ cấp, cải thiện điều kiện đất, bảo vệ các quần thể thực vật tự nhiên tái sinh và hấp thụ các-bon.

            Phương Ngân

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2015)

 

 

Ý kiến của bạn