Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế

03/06/2015

   Chất thải y tế (CTYT) là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các hoạt động như khám, chữa bệnh; xét nghiệm; phòng bệnh; nghiên cứu; đào tạo và sản xuất thuốc. CTYT bao gồm chất thải thông thường và CTYT nguy hại. CTYT nguy hại đòi hỏi các biện pháp quản lý đặc biệt, nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực tới sức khỏe bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng.

   Theo quy định của Luật BVMT, BVMT là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Để quản lý CTYT, BVMT và sức khỏe con người, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về BVMT trong cơ sở y tế, đặc biệt ban hành Quy chế quản lý CTYT tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT; Kế hoạch BVMT ngành Y tế giai đoạn 2009-2015 tại Quyết định số 1873/QĐ-BYT ngày 28/5/2009. Trên cơ sở Quyết định số 1873/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý CTYT giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 với mục tiêu đến năm 2020, 100% CTYT được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Trong thời gian qua, ngành y tế đã đạt được một số kết quả về công tác BVMT cơ sở y tế, cụ thể:

   Hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường năng lực quản lý, thực thi chính sách về quản lý môi trường cơ sở y tế

   Để tăng cường quản lý, giám sát môi trường tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2013/TT-BYT quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT ban hành Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT nhằm tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Y tế và TN&MT về BVMT đối với cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về BVMT y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ liên quan gồm: TN&MT, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư… Mục đích của việc thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành là tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung về BVMT trong các cơ sở y tế, bao gồm việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã có kế hoạch triển khai thực hiện công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan một cách hiệu quả.

   Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực quản lý và thực thi chính sách, pháp luật về BVMT tại cơ sở y tế, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quản lý CTYT và hướng dẫn áp dụng công nghệ xử lý nước thải y tế, công nghệ không đốt thân thiện môi trường để xử lý chất thải rắn y tế, nhằm giúp các cơ sở y tế quản lý tốt CTYT và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp. Cục Quản lý môi trường y tế cũng đã xây dựng 7 bộ Chương trình khung và Tài liệu đào tạo liên tục về quản lý CTYT (đã được Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt) giúp các cơ sở đào tạo, các cơ sở y tế có bộ tài liệu chính thức triển khai đào tạo liên tục cho các cán bộ trong ngành Y tế. Đến nay, gần 300 giảng viên nòng cốt về quản lý CTYT trên toàn quốc đã được đào tạo và tham gia giảng dạy các lớp đào tạo về quản lý CTYT cho cán bộ ngành Y tế.

 

Phân loại rác thải y tế ngay tại buồng bệnh

 

   Kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế

   Đẩy mạnh công tác kiểm soát CTYT

   Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường công tác quản lý CTYT, nhằm khống chế phát sinh các cơ sở gây ÔNMTNT mới. Hàng năm, Bộ Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về BVMT tại các cơ sở y tế, đặc biệt là kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện xử lý triệt để tình trạng ÔNMTNT tại các cơ sở y tế, với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Cảnh sát môi trường, Sở Y tế, Sở TN&MT, các Viện chuyên ngành liên quan.

   Theo số liệu thống kê báo cáo về tình hình quản lý CTYT, đối với chất thải rắn y tế, hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và 100% bệnh viện thực hiện xử lý bằng các phương pháp khác nhau (thuê xử lý; xử lý tại chỗ; phương pháp khác). Đối với nước thải y tế, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình đầu tư và vận hành hệ thống. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ sở y tế đã quan tâm tới việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải. Hiện có khoảng 58,1% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế (82,8% các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương; 57,3% các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện) và 7,9% bệnh viện đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế. Số bệnh viện còn lại chưa có điều kiện đầu tư công trình xử lý nước thải quy mô nhưng cũng đã làm tốt việc xử lý nước thải ban đầu ngay tại nơi phát sinh.

   Đối với việc rà soát, phát hiện cơ sở gây ÔNMTNT, theo quy định của Luật BVMT, trách nhiệm chủ trì thuộc về UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, phát hiện cơ sở y tế gây ÔNMTNT để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách và biện pháp xử lý cơ sở gây ÔNMTNT. Ngày 1/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020. Tại Quyết định này, có 169 cơ sở y tế trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT, trong đó giai đoạn đến năm 2015, có 53 bệnh viện và giai đoạn đến năm 2020 có 116 bệnh viện phải xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng ÔNMTNT. Trong số 169 bệnh viện nằm trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT, chỉ có 1 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và hiện nay bệnh viện này đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và ra khỏi danh sách cơ sở gây ÔNMTNT. Còn lại 168 bệnh viện nằm trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT đều thuộc quyền quản lý của các địa phương và UBND tỉnh/thành phố phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng gây ô nhiễm của các cơ sở này.

   Tuy nhiên, theo báo cáo tiến độ thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg, đến thời điểm hiện tại, có 9/169 bệnh viện đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định; 68/169 bệnh viện đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hiện đang làm thủ tục để được cấp chứng nhận hoàn thành việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; 32/169 bệnh viện đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT; 60/169 bệnh viện đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT.

   Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế

   Sau khi có kết quả kiểm tra về tình hình quản lý CTYT tại các đơn vị, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đơn vị có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại, bất cập về quản lý CTYT, đồng thời có văn bản gửi cơ quan quản lý của địa phương để phối hợp đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện.

   Đối với việc tổ chức xử lý cơ sở gây ÔNMTNT: Theo quy định của Luật BVMT 2014, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xử lý cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức xử lý cơ sở gây ÔNMTNT thuộc tỉnh.

   Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, trình Hội đồng nhân dân bố trí cấp vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cho việc phân loại, thu gom, lưu giữ và đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải theo quy định. Riêng đối với các cơ sở y tế công lập thuộc danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu kinh phí cho địa phương bằng 50% tổng kinh phí đầu tư.

   Đối với các bệnh viện trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế bố trí kinh phí từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, nguồn sự nghiệp môi trường, JICA, ADB, KFW, trái phiếu Chính phủ… để hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT.

   Ngoài ra, Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, Bộ Y tế dự kiến sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để đầu tư hệ thống xử lý CTYT cho khoảng gần 200 bệnh viện và 1-2 mô hình xử lý chất thải rắn y tế tập trung trên toàn quốc.

   Thời gian qua, ngành Y tế đã có rất nhiều cố gắng trong việc quản lý, xử lý CTYT. Tuy vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý CTYT của ngành Y tế nói riêng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, sự chỉ đạo của Lãnh đạo UBND các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan, cùng với việc thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả của các cơ sở y tế.

TS. Nguyễn Thị Liên Hương

ThS. Phan Thị Lý

Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn