Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Sự cần thiết một hành lang pháp lý để bảo vệ môi trường di tích hiệu quả

15/09/2015

     Vai trò của di tích và những cảnh báo về môi trường      Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia trên thế giới có tiềm năng về du lịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 8/2010, Việt Nam có khoảng trên 40.000 di tích, trong đó có 3.000 di tích được xếp hạng quốc gia và khoảng hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng... mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách. Bên cạnh đó, Việt Nam có hàng nghìn các lễ hội với quy mô và màu sắc đặc trưng khác nhau như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Trần... Các lễ hội và di tích đã đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc. Nói cách khác, các di tích, lễ hội đóng vai trò như là một nguồn tài nguyên to lớn nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói.      Trong những năm gần đây, nền văn hóa của Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc quảng bá, xác lập hình ảnh một đất nước đang trên đà phát triển với những thành tựu đáng kể về kinh tế, xã hội và những đặc trưng văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị to lớn về kinh tế, xã hội, văn hóa, trong công tác quản lý, khai thác, phát triển các di tích và lễ hội ở Việt Nam hiện nay cũng đang đặt ra rất nhiều các vấn đề đáng lo ngại. Ở khía cạnh quản lý nhà nước, mặc dù đã có rất nhiều các chính sách quản lý liên quan tới di tích và lễ hội song những bất cập trong quản lý, khai thác các di tích, lễ hội vẫn tiếp tục tồn tại hoặc mới nảy sinh, đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể để làm căn cứ cho việc thực thi các chính sách quản lý. Việc phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh cũng như khai thác phát triển các dịch vụ du lịch của các di tích và lễ hội hiện nay đã và đang có nhiều bất cập đồng thời xuất hiện vấn đề mới đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, trong đó vấn đề BVMT tại các điểm di tích và lễ hội là một ví dụ điển hình.   Rác ngập tràn bên bến Yến tại Lễ hội chùa Hương        Xét ở khía cạnh BVMT thời gian qua chưa có một chính sách cụ thể, riêng biệt nào của Nhà nước liên quan tới vấn đề quản lý, BVMT tại các điểm di tích và lễ hội. Chính vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm di tích và lễ hội diễn ra rất phổ biến. Điều đáng quan ngại hơn khi các di sản thế giới như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, thành nhà Hồ... cũng đã hoặc đang bị ô nhiễm môi trường. Tại Lễ hội Chùa Hương, tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng trầm trọng hơn. Chính vì thế, từ năm 2012 đến nay, UBND huyện Mỹ Đức đã quyết định áp dụng Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt với các hành vi đổ rác không đúng nơi quy định, hay mới đây nhất có thể ghi nhận những nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc “định cư hóa” trên đất liền cho người dân Làng Chài trên vịnh Hạ Long.      Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, các địa phương đã có nhiều giải pháp về BVMT tại các điểm di tích và lễ hội, tuy nhiên những giải pháp này mới mang tính chất tạm thời, phạm vi hẹp và thiếu sự tham gia của các bên có liên quan, nhất là cộng đồng địa phương. Việc thực thi chính sách mới chỉ chú trọng tới việc phạt, cấm trong khi lại thiếu sự khuyến khích về ý thức và trách nhiệm cộng đồng. Thậm chí nhiều quy định phạt, cấm còn vượt quá quy định của Nhà nước và thiếu các căn cứ pháp lý cần thiết. Điều này rõ ràng đang đặt ra những đòi hỏi cần phải sớm có một hành lang pháp lý cụ thể cho việc BVMT tại các điểm di tích, lễ hội nhằm vừa tận dụng được nguồn tài nguyên du lịch để phát triển đất nước, đồng thời cũng cải thiện được hình ảnh của người Việt, văn hóa Việt trong con mắt bạn bè quốc tế và hơn hết, đó là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm của người Việt Nam với nhân loại văn minh trong việc gìn giữ hành tinh xanh.      Kinh nghiệm quản lý môi trường di tích tại một số nước      Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm di tích và lễ hội trên thế giới cũng diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên tùy thuộc vào nhận thức, sự quan tâm và mức độ, loại hình ô nhiễm mà rất nhiều các quốc gia cũng đã đưa ra được nhiều chính sách quan trọng nhằm BVMT tại các điểm di tích và lễ hội, đặc biệt là những khu vực gắn với hoạt động du lịch. Trong đó nhiều nước đã áp dụng phí môi trường trong các loại vé thăm quan, du lịch và sử dụng các dịch vụ tại các điểm di tích và lễ hội như Nêpan, Malaixia... Phần phí này sẽ được đầu tư trở lại cho các hoạt động BVMT của các điểm thăm quan, du lịch. Một số các quốc gia khác lại gắn trách nhiệm BVMT tại các điểm du lịch với chính sự tham gia và trách nhiệm của mỗi du khách như tại Ôxtrâylia. Thông thường các quốc gia đều áp dụng quy định, chính sách BVMT lên chính các cộng đồng dân cư, chủ yếu là những người cung cấp các dịch vụ cho các di tích, lễ hội hay các khu du lịch cũng như các công ty lữ hành, đây là một cách làm hiệu quả bởi nó liên quan tới quyền lợi trực tiếp của các bên có liên quan. Một số quốc gia đã và đang áp dụng các chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương và du khách về BVMT song song với việc đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc khai thác các giá trị của các di tích và lễ hội... Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực này cho thấy vai trò quan trọng của các công cụ quản lý và định hướng của Nhà nước đối với hoạt động BVMT tại các điểm du lịch trong đó có các di tích và lễ hội.      Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành chương trình hành động của ngành Du lịch theo Quyết định số 564/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2007 thực hiện chương trình hành động của Chính phủ sau khi Việt Nam gia nhập WTO giai đoạn 2007-2012, trong đó nhấn mạnh việc BVMT gắn với phát triển du lịch bền vững trên nhiều khía cạnh khác nhau từ kiểm tra, giám sát tới phối hợp liên ngành với Bộ TN&MT, gắn phát triển du lịch với giảm nghèo...      Cho đến thời điểm hiện tại, hiệu lực của Quyết định số 564/QĐ-BVHTTDL xem như đã hết song vì nhiều lý do khác nhau, một hành lang pháp lý mới nhằm hiện thực hóa các nội dung của Luật BVMT liên quan đến môi trường du lịch cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chiến lược khai thác tiềm năng du lịch phát triển đất nước gắn với bảo vệ bền vững môi trường, cảnh quan, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại các điểm di tích, lễ hội vẫn còn là khoảng trống. Để bù lấp được khoảng trống này nhất thiết cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền ở các cấp Trung ương và địa phương cùng cộng đồng nơi có các di tích, lễ hội cũng như các bên liên quan khác mới có thể cải thiện được tình trạng thiếu hụt chính sách BVMT di tích.   ThS. Nguyễn Thị Hiền Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014  
Ý kiến của bạn