Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Sáng kiến mạng lưới khai thác thủy sản bền vững của WWF

04/06/2014

     Trong những năm qua, Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã và đang tích cực đẩy mạnh việc phát triển khai thác thủy sản bền vững thông qua các sáng kiến của mạng lưới toàn cầu như Sáng kiến Khai thác thông minh hơn và Sáng kiến Thay đổi thị trường.

     “Thủy sản bền vững” là Chương trình của WWF toàn cầu trong đó WWF Việt Nam cùng với các địa phương và nhà chế biến xuất nhập khẩu thủy sản cùng thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động khai thác thân thiện với môi trường, bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Bền vững về nguồn lợi cũng là bền vững về môi trường, bền vững về sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bền vững về nguồn cung cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.

     Sáng kiến Khai thác thông minh

     Hoạt động khai thác thủy sản trên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, với những công cụ khai thác ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc khai thác luôn đặt mục tiêu hiệu quả về mặt kinh tế lên trên đang làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản toàn cầu. Việc khai thác không chỉ tác động đến quần thể các loài là đối tượng khai thác mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và các loài khác không phải là đối tượng khai thác như rùa biển.

     Với Sáng kiến Khai thác thông minh hơn, WWF tập trung thúc đẩy khai thác thủy sản có trách nhiệm, sử dụng các công cụ khai thác làm giảm thiểu tác động đến các loài đang bị đe dọa cũng như bảo tồn nguồn tài nguyên phục vụ đời sống con người. Hàng năm, WWF quốc tế tổ chức Cuộc thi Sáng tạo ý tưởng nhằm thúc đẩy, tìm kiếm các sáng kiến cải tiến ngư cụ để giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác lên hệ sinh thái và bảo vệ các loài nguy cấp, các loài bị khai thác không chủ ý. Giải thưởng cao nhất của cuộc thi lên đến 30.000 USD. Một trong những loại ngư cụ đang được áp dụng rộng trên thế giới là lưỡi câu vòng. Lưỡi câu vòng được sử dụng để khai thác cá ngừ nhưng so với lưỡi câu thông thường ngư dân đang dùng, lưỡi câu vòng sẽ giảm thiểu ảnh hưởng đến cá ngừ con và rùa biển mà không ảnh hưởng đến sản lượng khai thác cá ngừ lớn của ngư dân.

 

Nghề khai thác nghêu của Bến Tre chính thức đạt chứng nhận MSC

 

     Ở Việt Nam, WWF đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Tổng cục Thủy sản, các doanh nghiệp và ngư dân để thúc đẩy việc sử dụng lưỡi câu vòng thay thế cho lưỡi câu Nhật thường dùng nhằm giảm thiểu tác động tới rùa biển, sử dụng các thiết bị để cứu hộ rùa biển bắt gặp trong quá trình khai thác. Các chương trình truyền thông của WWF cũng hướng ngư dân tới việc bảo vệ các loài nguy cấp như rùa biển, thú biển, cá mập và bảo vệ con non của các đối tượng bị khai thác (cá ngừ).

     Từ năm 2008 - 2011, WWF đã phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản, Trường Đại học Nha Trang, các Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức các lớp tập huấn về cứu hộ rùa biển cho ngư dân và các quan sát viên đi trên tàu của ngư dân. Kết quả, có 36 chuyến đi của các quan sát viên trên tàu câu vàng (là cách câu truyền thống, lưỡi câu được thả sâu vào lòng đại dương, khi thu câu thì rê dắt cá chậm, sau đó mới kéo lên khoang tàu), đã cứu hộ được 19 trong tổng số 23 con rùa biển các loại bắt gặp (4 con đã chết trước khi phát hiện bị mắc câu). Như vậy, với xác suất trung bình cứ 1,6 chuyến đi biển của nghề câu vàng thì gặp 1 con rùa mắc câu hoặc vướng lưới và thống kê hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 2.500 tàu câu cá ngừ, trung bình mỗi năm một tàu đi 4 - 5 chuyến, lượng rùa biển bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác thủy sản có thể lên đến hàng nghìn con mỗi năm.

     Sáng kiến Thay đổi thị trường

     Trên quy mô toàn cầu, WWF đang có chương trình hỗ trợ các nghề cá phát triển bền vững, sử dụng tiếp cận từ thị trường làm đòn bẩy. Với Sáng kiến Thay đổi thị trường, WWF tập trung thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm được khai thác có trách nhiệm, cụ thể là các sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn của các nhãn sinh thái như MSC và ASC (chứng nhận sinh thái của Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản).

     Hiện nay, rất nhiều thị trường mong muốn hoặc yêu cầu sản phẩm có chứng nhận MSC. Với sự cam kết của nhiều tập đoàn bán buôn và bán lẻ ở các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia về việc sẽ ưu tiên các sản phẩm có chứng nhận MSC, nghề cá các nước sẽ có động lực để xin cấp chứng nhận này. Hàng chục tập đoàn bán buôn, bán lẻ sản phẩm thủy sản lớn trên thế giới, trong đó có Wal-Mart, Loblaw, Sysco, ASDA, Metrô đã cam kết ưu tiên sản phẩm nhập các sản phẩm có chứng nhận MSC.

     Cũng cần phải nói thêm, nhu cầu về sản phẩm khai thác bền vững nói chung và sản phẩm MSC nói riêng xuất phát từ nhu cầu của những người tiêu dùng ở các nước phát triển và sự quan tâm tới vấn đề BVMT, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Mong muốn này cũng được nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới ủng hộ. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tại nhiều nước như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Na uy, Đan Mạch, Bỉ, Nam Phi, Hông Kông…, tổ chức WWF đã tiến hành các chiến dịch truyền thông về thủy hải sản nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm được khai thác bền vững và giảm việc sử dụng sản phẩm được khai thác không bền vững. Chiến dịch này có thể giúp người tiêu dùng cân nhắc hoặc ít nhất là ý thức được khi lựa chọn các sản phẩm thủy hải sản.

     Tại các thị trường nhập khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, WWF làm việc với các tập đoàn bán buôn, bán lẻ sản phẩm thủy hải sản để thúc đẩy việc tiêu dùng các sản phẩm được khai thác, sản xuất bền vững. Người tiêu dùng cũng được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm này thông qua các Hướng dẫn sử dụng sản phẩm thủy hải sản. Tại các nước sản xuất như Việt Nam, WWF làm việc với ngư dân để thúc đẩy việc khai thác có trách nhiệm với nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển. Một trong những thành công là việc hỗ trợ nghề khai thác nghêu tại tỉnh Bến Tre lấy chứng nhận MSC, giúp nâng cao giá bán sản phẩm, mở rộng thị trường và quan trọng là việc tổ chức khai thác có trách nhiệm. Sau nghêu Bến Tre, WWF đang cùng với các doanh nghiệp và ngư dân khai thác ghẹ, Sở NN&PTNT Kiên Giang xây dựng và triển khai chương trình cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh theo tiêu chuẩn của chứng nhận MSC.

     Không chỉ hướng tới chứng nhận, WWF cũng làm việc với các doanh nghiệp thủy hải sản để thúc đẩy các hoạt động khai thác bền vững. Việc đạt được chứng nhận có thể mất nhiều năm nhưng các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động tới nguồn lợi và hệ sinh thái cần được triển khai sớm. Vì vậy, WWF cũng đã lựa chọn cá ngừ như là sản phẩm toàn cầu để cùng với các bên liên quan (nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, ngư dân) triển khai các hoạt động thúc đẩy khai thác có trách nhiệm như việc quảng bá lưỡi câu vòng, bảo tồn rùa biển trong quá trình khai thác cá ngừ.

     Trong những năm tới, WWF mong muốn sẽ thúc đẩy khai thác bền vững và sử dụng sản phẩm thủy sản có trách nhiệm ngay tại thị trường trong nước, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các thế hệ sau.

 

Nguyễn Thị Diệu Thúy

Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên - Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

 

Ý kiến của bạn