Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

02/06/2015

   Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ để thay thế Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của việc ban hành Quyết định này nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ để phù hợp với quy định của Luật BVMT ngày 23/6/2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

   Quyết định đã quy định rõ sản phẩm thải bỏ là chất thải có nguồn gốc từ sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải bỏ sau quá trình sử dụng (thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg). Như vậy, đối với các sản phẩm thuộc Danh mục nêu trên mà nhà sản xuất, pháp luật không quy định thời hạn sử dụng thì chỉ thu hồi khi người tiêu dùng thải bỏ.

   Làm rõ đối tượng áp dụng của Quyết định, trong đó quy định các sản phẩm thải bỏ phát sinh từ các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ không thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này mà thực hiện theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; quy định trách nhiệm đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Người dân TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong việc thu gom rác thải điện tử 

 

   Quyết định nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu...

   Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; chuyển giao cho các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp; chuyển cho tổ chức, cá nhân sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế sản phẩm. Tổ chức, cá nhân tiếp nhận phải thực hiện trách nhiệm như chủ nguồn thải theo quy định.

   Cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định...

   Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg đã điều chỉnh thời điểm phải thực hiện việc thu hồi, xử lý đối với các nhóm sản phẩm thải bỏ khác nhau cho phù hợp với thực tế hiện nay của Việt Nam cũng như năng lực của các nhà sản xuất, đảm bảo tính thực tế và khả thi của quy định. Theo đó, từ ngày 1/1/2018 sẽ thu hồi và xử lý đối với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại không sử dụng được thải bỏ. Từ 1/7/2016 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại. Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính (để bàn, xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính); máy in; máy fax; máy quét hình (scanner); máy chụp ảnh; máy quay phim; máy điện thoại di động; máy tính bảng; đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; máy sao chụp giấy (photocopier); ti vi; tủ lạnh; máy điều hòa nhiệt độ; máy giặt.

   Như vậy, việc ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg sẽ nâng cao nhận thức, hình thành thói quen phân loại và thải bỏ chất thải rắn phù hợp của người tiêu dùng; tạo điều kiện cho ngành công nghiệp môi trường phát triển và tiết kiệm nguồn tài nguyên vốn hữu hạn; khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công tại các làng nghề đang gây tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra; tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất đối với cộng đồng và môi trường, qua đó góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thượng Hiền

Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường,
Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn