Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phong trào, mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

15/09/2015

     Trong những năm qua,công tác xã hội hóa (XHH) BVMT đã được một số quốc gia trên thế giới thực hiện thành công. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác BVMT đã đề ra một số giải pháp đẩy mạnh công tác XHH BVMT. Để thực hiện giải pháp này, Việt Nam cần tìm hiểu những kinh nghiệm thành công của các phong trào, mô hình “XHH hoạt động BVMT”, “BVMT nông thôn” của một số quốc gia trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam.      1 . Công tác giáo dục về BVMT ở Trung Quốc      Từ năm 1970, với việc thông qua Chiến lược “Đầu tư khoa học và giáo dục để phát triển đất nước”' Trung Quốc đã có những thành tựu nhất định trong công tác thúc đẩy sự phát triển của khoa học, giáo dục - môi trường và công nghệ. Cũng trong năm này, nhiều Viện nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công nghệ môi trường được thành lập. Công việc chính của các Viện là nghiên cứu, đánh giá và phổ biến các công nghệ tối ưu và thiết thực về BVMT. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển ngành công nghiệp BVMT. Thêm vào đó, nhãn môi trường đã bước đầu được triển khai.      Với mục tiêu của Chiến lược là đẩy mạnh phát triển đất nước trên cơ sở phát triển bền vững môi trường dựa vào XHH công tác BVMT. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược để tích cực đẩy mạnh giáo dục và nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác BVMT và dần hình thành đạo đức và quy tắc ứng xử thân thiện với môi trường.      Từ những năm 1970, sách giáo khoa phổ biến về BVMT được biên soạn hoặc dịch sang tiếng Trung Quốc để giới thiệu cho học sinh về kiến thức BVMT. Năm 1980, các hoạt động cộng đồng quy mô lớn đã được tổ chức trên cả nước vào Ngày Môi trường Thế giới. Các hoạt động hưởng ứngbao gồm: Trồng cây, làm vệ sinh các khu vực công cộng, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường… và hàng năm hoạt động này được tổ chức thường niên.      Chính phủ Trung Quốc khuyến khích toàn xã hội tham gia vào các hoạt động giáo dục môi trường. Trong những năm gần đây các phòng ban BVMT, cơ quan giáo dục, văn hóa, đơn vị thông tin, các tổ chức Phụ nữ và Thanh niên, Hiệp hội khoa học và xã hội học đã phát triển nhiều loại hình giáo dục môi trường công khai, cụ thể như sau:      Công tác giáo dục: Cả nước có 140 trường cao đẳng và các trường đại học (ĐH), trong đó có một số trường ĐH lớn như: Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nhân dân Trung Quốc, Nam Kinh, Vũ Hán, đều có chuyên khoa hoặc khoa nghiên cứu về môi trường, với tổng số 206 đơn vị có thẩm quyền cấp bằng cử nhân, 223 đơn vị cấp bằng thạc sĩ, 51 chuyên ngành liên quan đến môi trường, 77 đơn vị cấp học vị tiến sĩ ở 39 chuyên ngành, và một số vị trí sau ĐH. Ngoài ra, Trung Quốc có hơn 40 trường trung học chuyên nghiệp và hơn 100 trường trung học dạy nghề cung cấp các khóa học về môi trường.      Đào tạo nghề nghiệp: Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ ngành quản lý môi trường, năm 1981, trường ĐH đào tạo hành chính nhân sự ngành môi trường được thành lập với mục đích cung cấp các kiến thức và kỹ năng trong công việc thông qua các hoạt động đào tạo, giáo dục thường xuyên cho nhân viên hành chính ở các cơ quan BVMT trong cả nước. Thống kê cho thấy trong thập kỷ qua, hơn 10.000 lớp tập huấn về môi trường được tổ chức với sự tham dự của hơn 400.000 người.      Bên cạnh đó, Bộ BVMT Trung Quốc phối hợp với Văn phòng TW Đảng, Bộ Truyền thông, Bộ Giáo dục, Ủy ban Thanh niên trung ương và Liên hiệp Phụ nữ đã ban hành Chương trình hành động Giáo dục môi trường quốc gia (Giai đoạn 2011-2015). Đây là lần đầu tiên sáu bộ và Ủy ban phối hợp cùng thực hiện chương trình hướng dẫn hoạt động giáo dục môi trường quốc dân. Chương trình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng, thiết lập hệ thống hoạt động xã hội với sự tham gia của tất cả công dân, hình thành ý thức tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và lối sống thân thiện với môi trường. Đồng thời, Chương trình Giáo dục môi trường quốc dân đã được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 11. Kết quả là nhận thức môi trường của cộng đồng trong xã hội được cải thiện đáng kể với sự thay đổi quan trọng trong cả hai khái niệm hiểu biết và thực thi BVMT.      Dự kiến trong giai đoạn tiếp theo (2015-2020), Bộ BVMT Trung Quốc và các cơ quan có liên quan đã ký thỏa thuận về việc phát triển các Chương trình Giáo dục môi trường quốc gia trong“Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” và xác định các nguyên tắc, mục tiêu cơ bản và tổng thể về công tác giáo dục môi trường.      Đề cương thỏa thuận này chỉ ra rằng trong giai đoạn thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, giáo dục môi trường của Trung Quốc được thực hiện theo các nguyên tắc: “Tập trung nguồn lực cho bảo tồn”, “đổi mới hình thức và hình thành thương hiệu”, “hướng dẫn quy tắc có sự tham gia”, “tích hợp các nguồn lực để hình thành các nỗ lực phối hợp”, “triển khai các hoạt động giáo dục môi trường công khai”, “phổ biến kiến thức về BVMT”, “tăng cường nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng”, “nâng cao đạo đức đối với môi trường”.      Chương trình đưa ra sáu nhiệm vụ sau đây để thực hiện XHH công tác BVMT giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”: Đổi mới theo hướng công khai, đa dạng các hoạt động môi trường của cộng đồng; Tăng cường hướng dẫn phương tiện truyền thông và mở rộng ảnh hưởng của phổ biến thông tin về môi trường; Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục môi trường; Tiêu chuẩn hóa và hướng dẫn các hành động cho công chúng tham gia BVMT; Phát triển ngành công nghiệpmôi trường và đầu tư xây dựng các công trình môi trường; Phát triển và phổ biến các dự án tiêu biểu về giáo dục môi trường cho công chúng.      Để tiến tới XHH công tác BVMT, trong các giải pháp, Trung Quốc xác định giáo dục môi trường cho giới trẻ là nhiệm vụ hàng đầu để thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Theo đó, Chính phủ đã xây dựng, hoàn thiện và tăng cường chất lượng các chương trình giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngoài ra, để tạo sức mạnh về mặt pháp lý cho giáo dục môi trường, chương trình đã được đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm. Đây là một bài học để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và học tập kinh nghiệm trong quá trình tăng cường sức mạnh của giáo dục môi trường thay đổi nhận thức của giới trẻ và tạo ra sự thay đổi mang tính phổ biến trong xã hội.      2. Hàn Quốc phát triển Phong trào công nghiệp hóa và BVMT nông thôn      Từ năm 1962, Hàn Quốc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, trong đó ưu tiên phát triển Chương trình công nghiệp hóa và BVMT nông thôn. Nhằm thu hẹp khoảng cách kinh tế - xã hội nông thôn và thành thị, năm 1971, Phong trào Cộng đồng mới Saemaul Undong được triển khai. Phong trào đã đề ra Chương trình về cải thiện môi trường nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho các hoạt động sản xuất làng nghề và tăng thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn.Với các nội dung thí điểm phát triển nông thôn như: Phát triển đường nông thôn; kiên cố hóa mái nhà, bếp, tường rào; xây cầu; nâng cấp hệ thống thủy lợi; mở địa điểm giặt và giếng nước công cộng, áp dụng các mô hình công nghệ cao vào sản xuất… Sau 5 năm triển khai Phong trào đã thu đươc kết quả, cụ thể: Cứng hóa đường nông thôn liên làng: 43.631 km, đường làng ngõ, xóm: 42.220 km; Xây dựng cầu nông thôn: 68.797 cầu; Kiên cố hóa đê, kè: 7.839 km; Xây hồ chứa nước nông thôn các loại: 24.140 hồ; Điện khí hóa nông thôn: 98% hộ có điện thắp sáng.      Theo đánh giá của các chuyên gia, Phong trào thành công từ mối quan hệ hài hòa của các nhà lãnh đạo Chính phủ, các nhóm cộng đồng và người dân nông thôn địa phương. Đồng thời, Phong trào được coi là những bước nền tảng để tích lũy năng lực tài chính cho các hoạt động quản lý môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức cộng đồng tiến tới sự tham gia tự nguyện của cư dân trong các hoạt động BVMT nông thôn và sản xuất ở các làng nghề.   XHH môi trường ở Việt Nam thường có sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư        Qua kết quả thực hiện, Phong trào khuyến nghị: Chính phủ Hàn Quốc cần đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp và sản xuất làng nghề tiên tiến ở nông thôn và hỗ trợ phát triển bằng các khoản trợ cấp, các khoản vay và hỗ trợ hành chính. Ngoài ra, Chính phủ cần phải hỗ trợ và huy động sự tham gia của người dân nông thôn trong công tác xử lý chất thải ô nhiễm phổ biến trong các khu sản xuất làng nghề. Đồng thời, để vượt qua những hạn chế nội tại của doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như sự yếu kém về cơ cấu tổ chức, năng lực tài chính hạn chế và công nghệ ở mức độ thấp, cần vận hành dựa trên mối quan hệ liên minh hợp tác trong ngành công nghiệp tại các làng nghề.      3. Thái Lan thực hiện áp dụng xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ      Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) chiếm đến 99% tổng số doanh nghiệp ở Thái Lan và số lượng ngày càng tăng với tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 3,6% đối với doanh nghiệp cỡ nhỏ và 9,8% đối với doanh nghiệp cỡ vừa. Hàng năm, đóng góp cho GDP của khối doanh nghiệp này là khoảng 40%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã gây tác động lớn đến môi trường từ các hoạt động sản xuất. Theo số liệu thống kê, ô nhiễm phát sinh từ công nghiệp thực phẩm và nước giải khát chiếm trên 41% tổng số phát thải gây ô nhiễm không khí ở Thái lan. Trong khi đó khoảng 99% là các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống.      Để khắc phục vấn đề trên, Chính phủ Thái Lan đã ra quy định bắt buộc các DNV&N phải thực hiện các yêu cầu khắt khe về môi trường. Đổng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, nhân viên các công ty về BVMT. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh và nhu cầu tiêu dùng xanh cũng được đẩy mạnh. Điều này, bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh tăng cấp độ tự nguyện tham gia thực hiện các sáng kiến môi trường như ISO-14001 và các áp dụng xanh khác. Hơn nữa, thị trường quốc tế đang ngày càng đòi hỏi bằng chứng về trách nhiệm môi trường từ tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra của hàng hóa, với các yêu cầu môi trường liên quan đến sản phẩm như dán nhãn sinh thái.      Ngoài ra, các hoạt động quản lý môi trường tại các làng nghề có hiệu quả, Chính phủ Thái Lan đã tăng cường cung cấp thông tin, kiến thức thích hợp cho các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ để giúp tăng cường mức độ quan tâm tới các hoạt động môi trường, kết hợp chặt chẽ hơn vấn đề môi trường với sản xuất và khả năng cạnh tranh trong kinh doanh.      4. Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam      Trong quá trình XHH BVMT, giải pháp về giáo dục cộng đồng được xem là giải pháp quan trọng nhất. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân cần lồng ghép, tích hợp các nội dung về môi trường trong các cấp học từ mầm non đến đại học. Ngoài ra, cần đưa giáo dục môi trường vào các cơ sở đào tạo nghề và đặc biệt chú trọng công tác cung cấp và phổ biến thông tin cho cộng đồng. Để hoạt động XHH trở nên có hiệu quả, các văn bản pháp lý có liên quan cần được xây dựng và thực thi một cách nghiêm túc. Đồng thời, cần có sự phối hợp của các tổ chức, ban ngành có liên quan, ở Việt Nam, nên tập trung vào các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội nhằm huy động đầy đủ các nguồn lực trong quá trình BVMT.      Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia và phân tích cấu trúc hệ thống và điều tra khảo sát hiện trạng các vấn đề quản lý môi trường làng nghề ở Việt Nam, các chính sách cần tập trung vào vấn đề: Xây dựng năng lực của chính quyền, cộng đồng địa phương và cung cấp cơ sở hạ tầng.      Về xây dựng năng lực của Chính phủ, các khuyến nghị đưa ra bao gồm các phương pháp thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc nghiên cứu môi trường trong quá trình ra quyết định của Chính phủ và các biện pháp xây dựng năng lực trong thiết lập chính sách, việc chuẩn bị kế hoạch quản lý áp dụng, giám sát và đánh giá. Ngoài ra, tăng cường năng lực là hoạt động cần thiết để cải thiện cơ cấu thể chế thực hiện hiệu quả các chính sách và hệ thống khuyến khích cho các cấp chính quyền để thực thi quản lý môi trường địa phương.      Phong trào Saemaul Undong của Hàn Quốc cho thấy, cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý môi trường ở khu vực nông thôn. Ở cấp cộng đồng địa phương, các giải pháp được đề xuất gồm nâng cao nhận thức môi trường thông qua phổ biến thông tin, giáo dục và các chương trình đào tạo và phát động phong trào BVMT ở cấp địa phương từ hoạt động ký cam kết BVMT. Ngoài ra, năng lực được tăng cường tốt là cần thiết để xây dựng hệ thống khuyến khích thích hợp và các chương trình hỗ trợ cho quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất làng nghề.      Bên cạnh đó, cần thúc đẩy cơ chế tài chính như cung cấp cơ sở hạ tầng, chương trình chia sẻ chi phí, cơ chế huy động sự cùng tham gia hỗ trợ việc thành lập và quản lý cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc là một bài học kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam. Một giải pháp khác là xây dựng năng lực quản lý cơ sở hiệu quả thông qua việc hình thành cơ sở hạ tầng công cộng và phát triển công nghiệp tái chế chất thải tại các làng nghề.      Ngoài ra, các đặc điểm tương đồng về các rào cản, khó khăn và bài học kinh nghiệm của các giai đoạn phát triển ban đầu của Trung Quốc phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay nên chúng ta cần học tập. Theo đó, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề, chúng ta cần xem xét:      Trong các hoạt động phát triển nói chung và sản xuất làng nghề nói riêng, vấn đề ý thức của nhân công lao động và cộng đồng trong khu vực rất quan trọng không chỉ trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán… mà còn cả các vấn đề xã hội và môi trường. Do vậy, Chính phủ cần khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp và ý thức của người dân đối với môi trường.     Đồng thời, để phát triển ngành nghề nông thôn và giải quyết vấn đề BVMT nói chung và tại các làng nghề nói riêng, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, có thể xem xét chính sách như “3 đồng thời” và “3 thông” bao gồm quy hoạch tổng thể các hệ thống cơ sở hạ tầng trong sản xuất và xử lý chất thải và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng trong khu vực.   ThS. Nguyễn Song Tùng Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2014  
Ý kiến của bạn