Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025

25/03/2016

     Mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 811 /QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam.

     Theo báo cáo của Tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2015, biển Việt Nam hiện nay có 5 loài rùa biển sinh sống gồm: vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da. Tất cả các loài rùa biển đều nằm trong Danh sách đỏ, là danh sách các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/3/2016.

 

 

     Trước thực trạng đó, năm 2004, Bộ Thủy sản (cũ) đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn rùa biển Việt Nam đến năm 2010, góp phần thực hiện chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn biển nói riêng. Đây là bản kế hoạch hành động quốc gia về một loài sinh vật đầu tiên của Việt Nam và đã đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, bản kế hoạch này đến năm 2010 đã hết hiệu lực thi hành và các quần thể rùa tại Việt Nam tiếp tục đứng trước các thách thức: Các quần thể biển sinh sản tiếp tục bị suy giảm về cả số loài, số cá thể trong loài và khu vực lên đẻ; Số lượng rùa biển bị đánh bắt không chủ ý ngày càng tăng; Hiện tượng đánh bắt, buôn bán, tiêu thụ rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển bất hợp pháp vẫn còn diễn ra tại các địa phương; Nơi sinh sống và kiếm ăn của rùa biển tiếp tục bị suy thoái; Công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và rùa biển nói riêng còn hạn chế… Để giải quyết các thách thức đó, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2015-2020 là hết sức cần thiết và cấp bách.

     Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, bảo tồn rùa biển; Cải tiến, ứng dụng các ngư cụ khai thác hải sản để bảo vệ rùa biển; 100% các bãi đẻ tự nhiên của rùa biển được đầu tư bảo vệ; 01 Vườn quốc gia (Vườn quốc gia Côn Đảo) trở thành thành viên Mạng lưới các Khu Bảo tồn Rùa biển IOSEA (The IOSEA Marine Turtle Site Network); hai trạm cứu hộ rùa biển được thành lập và hoạt động hiệu quả tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa; 100% cán bộ, nhân viên các khu bảo tồn biển, các Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển được tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển; 100% cộng đồng dân cư bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển; 100% thuyền trưởng các tàu làm nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây và câu cá ngừ đại dương được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ, bảo tồn rùa biển.

     Bên cạnh đó, đảm bảo ít nhất 5% số tàu nghề lưới rê và 10% số tàu nghề lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa (TED); 100% nơi sinh cư của rùa biển được bảo vệ; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn rùa biển phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học; Cơ sở dữ liệu về rùa biển được hoàn thiện, kết nối từ Tổng cục Thủy sản tới các vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và các chi cục thủy sản địa phương.

     Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này bao gồm: Giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho rùa biển; Thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sinh cư của rùa biển; Xây dựng và hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo vệ rùa biển; Nghiên cứu và quan trắc các đặc điểm sinh học, sinh thái học của rùa biển; Nâng cao nhận thức của cộng đồng và năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách về bảo tồn rùa biển; Tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển; nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và thiết lập khu bảo tồn rùa biển liên biên giới; chia sẻ thông tin về công tác bảo tồn rùa biển…

 

Mai Hương

 

Ý kiến của bạn