Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Phát triển và giữ gìn bản sắc đô thị Cần Thơ – Thách thức và giải pháp

05/04/2016

     Hiện nay, đô thị Cần Thơ đang phát triển mở rộng theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, đô thị này đang đứng trước áp lực của những thách thức đe dọa làm mất đi bản sắc của một vùng sông nước sinh thái kênh rạch. Chúng ta rất cần một chiến lược năng động, cụ thể để phát triển và gìn giữ bản sắc đô thị sông nước Cần Thơ…

 


Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ - Ảnh: Duy Trinh

 

     Bản sắc đô thị Cần thơ và những thách thức trong quá trình phát triển

     Trước khi trở thành một đô thị sầm uất như ngày nay, ngược lại lịch sử gần 400 năm trước, vùng đất sinh ra đô thị này chỉ là một khu vực chằng chịt kênh rạch, một khu vực đầm lầy, nước mặn. Trải qua những biến đổi của dòng chảy đã cho phép chuyển hóa nơi đây, từ một vùng đầm lầy thành một khu vực đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ. So với các vùng đất nhiễm mặn bao quanh, nơi đây có điều kiện thuận tiện hơn trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, tại khu vực hợp lưu của con sông Hậu và sông Cần Thơ, ngày nay đã trở thành nơi tụ họp của những người dân sống bằng nghề sông nước, thiết lập nên một nền “Văn minh sông rạch”, với các ngôi làng và các bến chợ hình thành ở các khúc sông thuận lợi, cửa vào ngã ba, ngã tư ven sông.

     Từ các địa danh Trấn Giang, Bích Thủy đến Cần Thơ ngày nay là cả một chặng đường lịch sử, có thể khẳng định vị trí quan trọng của Cần Thơ như một “Tây đô - Thủ đô miền Tây” và một vùng đất đầy tiềm năng cả về thiên nhiên và văn hóa xã hội. Người dân miền Tây sống chung cùng sông nước, sống giữa thiên nhiên, giữa trời, giữa sông và kênh rạch, tạo nên một môi trường sống rộng mở, một không gian sống hòa đồng và thân thiện. Nơi xuất hiện những cư dân đầu tiên đến sinh sống và lập nghiệp là ở bến Ninh Kiều ngày nay. Khu vực này một bên tiếp giáp với con sông Hậu, một mặt lại kề liền với sông Cần Thơ, đã tạo nên một khung cảnh vô cùng sầm uất gắn liền bao thế hệ. Đó chính là cái lõi của đô thị, là tinh thần của địa điểm.

     Hiện nay, Cần Thơ đang phát triển mở rộng theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, đô thị này đang đứng trước áp lực của những thách thức đe dọa làm mất đi bản sắc của một vùng sông nước sinh thái kênh rạch.

     Về cảnh quan: Nếu một thành phố nằm trên một hệ kênh rạch chia cắt chằng chịt thì phải hiểu rằng nó có sự cộng sinh chặt chẽ và không thể tách rời giữa đất – nước và con người. Vấn đề tổ chức cảnh quan trước hết cần phải chú trọng tới việc giữ gìn yếu tố thiên nhiên và hệ sinh thái kênh rạch. Hệ thống kè đá có thể làm hỏng hệ sinh thái ven bờ và làm mất đi cuộc sống của các loài thủy sinh. Trên thế giới, người ta đã phá bỏ hệ thống bê tông, kè đá được gia cố 2 bên bờ sông, để thay vào đó là hệ thống kè mềm, kè rỗng cho phép nước và mặt đất có sự thẩm thấu lẫn nhau, và các loài thủy sinh không bị mất đi nhờ được nuôi dưỡng bằng các chất hữu cơ.

     Về cấu trúc giao thông: Kết hợp trên bến dưới thuyền - cấu trúc này được hình thành bởi các tuyến đường ven kênh và các tuyến đường chia cắt kênh rạch. Các tuyến đường ven kênh không chỉ đóng vai trò như một không gian công cộng dạng tuyến cho các khu ở ven kênh, mà còn là không gian giao thông nước phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng ven sông. Cảnh quan hoạt động có vai trò quan trọng không kém cảnh quan thiên nhiên. Các chuyến đò ngang trên kênh cũng giống như những chuyến xe ôm trên bộ có thể tạo ra những hoạt động trên mặt nước ngay trong trung tâm trong thành phố khá thú vị. Một điều đáng lưu ý là những chiếc cầu vượt kênh với khoảng cách khá gần giữa chúng có thể tạo nên hình thái nhấp nhô của tuyến đường bộ vượt kênh. Nhược điểm này có thể khắc phục trong việc chỉnh trang địa hình, điều chỉnh độ cao dọc tuyến.

     Về kiến trúc ven sông: Thông thường việc chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông ở các đô thị có 2 cách làm. Một, là chú trọng tới hệ thống không gian thiên nhiên mở bao gồm vườn hoa, công viên, quảng trường. Hai, tập trung vào các kiểu loại và hình thái kiến trúc quy hoạch ven sông. Việc tạo dựng không gian mở ven sông Hậu và sông Cần Thơ được làm khá tốt, nhưng việc quản lý kiến trúc cần chú trọng hơn. Thực tế cho thấy, do giá trị sử dụng của các khu đất ven sông, nên việc khai thác sử dụng vị trí đắc địa của doanh nghiệp và cộng đồng rất khó kiểm soát cả về hình thức và kiểu loại. Một số công trình kiến trúc công cộng hoặc nhà ở xây dựng ven sông đã làm gián đoạn và làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái kênh rạch và đóng khuôn một cảnh quan thiên nhiên hết sức lãng mạn. Thực trạng hiện nay cho thấy ở ven các con sông hay kênh lớn trong các đô thị, người ta ưu tiên sử dụng đất cho kiến trúc công cộng hơn là cho kiến trúc nhà ở. Mặc dù việc bố trí nhà ở nằm ven sông sẽ tạo giá trị bất động sản rất lớn, nhưng nó sẽ làm giảm đáng kể giá trị không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian đi dạo ven sông. Ngược lại, đối với các con kênh rạch nhỏ đã gắn liền với đời sống cộng đồng, đã và đang tạo nên những cảnh quan sinh hoạt đặc thù của cộng đồng trên mặt nước, với thuyền ghe qua lại, đã từng có từ bao đời nay của cư dân gốc thì không nên dỡ bỏ các không gian ở của họ. Cần chỉnh trang lại dựa trên nguyên tắc vệ sinh môi trường và tạo dựng cảnh quan các tuyến Phố kênh rạch.

     Ở một số khu đô thị mới phía Nam quận Ninh Kiều, việc giải tỏa cư dân sống ở các làng ven sông vào bên trong khu tái định cư để xây dựng những làng biệt thự khang trang, và những con đường đi dạo như ở ven hồ Tây (Hà Nội), có thể sẽ làm mất đi một cảnh quan sông nước đặc thù của miền Tây Nam bộ. Điều này còn làm ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng khi phải sống cách xa mặt nước. Giá trị kênh rạch Cần Thơ không phải chỉ có giá trị cảnh quan ngắm nhìn mà còn có giá trị của không gian cảnh quan đời sống.

     Về cảnh quan sinh thái miệt vườn: Mỗi đô thị đều sở hữu một cấu trúc đô thị đặc trưng với những yếu tố cấu thành Quỹ di sản đô thị cần phải bảo tồn và phát huy giá trị. Hệ thống sông ngòi kênh rạch với sự lan tỏa từ sông Hậu và sông Cần Thơ là một cảnh quan đô thị đặc trưng.

     Khung cảnh sinh sống ven hai bên bờ sông và các phiên chợ nổi trên sông đặc biệt ở Phong Điền, Cái Răng cũng là một cảnh quan đặc trưng. Tuy nhiên, Cần Thơ còn sở hữu một cảnh quan sinh thái đặc trưng nữa mang tính bản địa, hứa hẹn một tài nguyên trong khai thác du lịch trải nghiệm hiện đang rất phát triển. Đó là các miệt vườn ở các vùng thôn quê bao quanh, đặc biệt là ở Bình Điền và các làng cổ trên các cù lao. Hệ thống các cồn - Cù lao trên sông Hậu như Cồn Ấu, Cồn Cái Khế, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao, Tra Lộc vẫn còn lưu giữ một hệ sinh thái đa dạng và hoang sơ. Sự nhòm ngó của doanh nghiệp đang có nguy cơ bị thương mại hóa. Một số chủ doanh nghiệp đang chủ trương xây dựng các Home-Stay các kiểu trong rừng cây. Có thể chúng sẽ làm hỏng hệ thống mương tưới nước trong khu vườn đầy hoa trái. Cần duy trì và bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên trong quá trình phát triển du lịch.

     Tầm nhìn phát triển đối với bản sắc cảnh quan đô thị sông nước Cần Thơ

     Trước hết cần phải nhận thức và đánh giá tổng thể giá trị Quỹ tài nguyên thiên nhiên, Quỹ văn hóa xã hội và Quỹ di sản kiến trúc đô thị trước khi định hướng phát triển một đô thị. Lô gich phát triển của một đô thị phải dựa trên hệ thống quỹ mà đô thị đó được sở hữu, bảo tồn và làm giàu nó lên trong quá trình phát triển.

     Phát triển phải dựa trên cơ sở bảo tồn

     Cần duy trì và phát triển hệ sinh thái sông nước, không gian thiên nhiên ven sông, như một yếu tố cốt lõi của cảnh quan thiên nhiên. Bảo tồn các cảnh quan hoạt động truyền thống trên sông, trong đó chợ nổi đóng vai trò quan trọng. Cần bảo tồn các cảnh quan làng xã truyền thống, các không gian miệt vườn ở bên trong và cận kề đô thị.

     Lưu thông các tuyến đường bộ và mặt nước, đảm bảo sự liên hệ cộng sinh và hài hòa giữa chúng với nhau. Tạo các không gian mở ven sông, kiểm soát phát triển, kiểm soát chiều cao và các loại hình kiến trúc phù hợp. Tạo sự thông thoáng về điểm nhìn, trường nhìn, góc nhìn. Đặc biệt đối với các không gian công cộng đoạn từ công viên sông Hậu tới bến Ninh Kiều.

     Phát triển kiến trúc xanh và ứng phó với biến đổi khi hậu

     TP. Cần thơ là một trong những thành phố chịu tổn thương nhiều nhất trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó trực tiếp là vấn đề nước biển dâng, nhiệt độ tăng và gió bão. Vì vậy việc xây dựng và phát triển đô thị phải dựa trên nguyên tắc “nén”, tập trung đầu tư vào những khu vực an toàn, không quy hoạch dàn trải, không phá vỡ cấu trúc thiên nhiên, không áp dụng mô hình phát triển đô thị phi đặc thù.

     Cần Thơ là một đô thị có cấu trúc hình thái đô thị và kiến trúc cảnh quan đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Cần Thơ đang trên đà phát triển, là điểm đến du lịch không chỉ từ mọi miền đất nước mà cả từ các nước trên thế giới. Việc hoạch định chiến lược phát triển về mọi mặt, trong đó bao gồm hệ thống kiến trúc cảnh quan đô thị cho Cần Thơ là điều cần thiết, và phải dựa trên việc phân tích các quỹ đô thị, những thách thức trong giai đoạn hội nhập và ứng phó biến đổi khi hậu để có những quyết sách phù hợp.

 

 Trần Hương (Theo http://www.baoxaydung.com.vn)

Ý kiến của bạn