Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Phát hiện loài vân sam ở Lũng Cú, tỉnh Hà Giang

10/01/2014

     Tháng 10/2010, Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học thu được tiêu bản 3 cây hạt trần gần chân cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) ở độ cao 1.616 m. Mỗi cá thể có chiều cao khoảng 5 m, đường kính thân 20 cm. Từ đặc điểm hình thái của tiêu bản thu được, so sánh với những đặc điểm trong khóa định loài, Trung tâm xác định, đây là loài vân sam. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, ý kiến nêu trên chưa được xác nhận. Mới đây, GS. TS. Phan Kế Lộc, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây hạt trần ở Việt Nam, sau khi thu được tiêu bản đầy đủ của loài hạt trần ở chân cột cờ Lũng Cú, đã khẳng định, 3 cá thể hạt trần ở đây chính là vân sam.

     Vân sam (Abies delavayi Franch, fansipangensis “Q.P.Xiang&al” Rushforth) là loài đặc hữu, nguồn gen hiếm và độc đáo của Việt Nam. Trước khi phát hiện được ở Lũng Cú, vân sam có khu phân bố rất hẹp, sinh trưởng ở độ cao từ 2.600 - 3.000 m, vùng núi Phanxipăng, Sa Pa (Lào Cai), mọc xen với thiết sam núi đá và một số loài cây lá rộng trên sườn núi granit, tạo thành các cảnh quan có giá trị khoa học và thẩm mỹ cao. Vân sam ở Phanxipăng, chiều cao tối đa tới 30 m, đường kính hàng mét, lá mọc xoắn ốc, dày, dựng thẳng, hình dải, dài 1 - 3 cm, rộng khoảng 1mm.

 

 

     Được biết, vân sam có nguy cơ sắp tuyệt chủng do quần thể nhỏ, phân bố hạn chế. Sách đỏ Việt Nam (2007) xếp vân sam vào nhóm sẽ nguy cấp (VU). Vân sam cũng được xếp vào Danh mục Thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm I) theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

     Như vậy, Lũng Cú là địa danh thứ hai trong cả nước, sau Phanxipăng của Sa Pa (tỉnh Lào Cai) phát hiện được vân sam. Sự có mặt của vân sam ở Lũng Cú, một mặt làm tăng giá trị khoa học của Công viên địa chất toàn cầu, mặt khác, cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Từ nay, những ai yêu thích thiên nhiên, muốn tận mắt thấy vân sam không cần phải lên đến độ cao hơn 2.000 m ở Phanxipăng mà chỉ cần đến cột cờ Lũng Cú cũng có thể chiêm ngưỡng.

     Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, ở Hà Giang, ngoài Lũng Cú, vân sam còn có ở đâu? Và tại sao ở Hà Giang, vân sam lại có thể phân bố ở độ cao tương đối thấp (1.616 m)? Hy vọng, trong tương lai gần, bức màn bí mật về loài vân sam quý hiếm tại Hà Giang sẽ được làm sáng tỏ.

 

TS. Lê Trần Chấn

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

Ý kiến của bạn