Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 23/07/2024

Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải

24/03/2017

     Với chủ đề “Nước thải”, ngày Nước thế giới 2017 hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Là đơn vị có kinh nghiệm thực hiện khoảng 20 Dự án xử lý nước thải (XLNT) trong cả nước theo các hình thức PPP, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) là doanh nghiệp hàng đầu triển khai thực hiện, quản lý vận hành các công trình XLNT tại Việt Nam. Nhiều công trình do Công ty thực hiện đang là hình mẫu cho nhiều địa phương, các đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Phương Quý - Giám đốc công nghệ Công ty Phú Điền để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm triển khai trong lĩnh vực XLNT - một lĩnh vực đầu tư cấp thiết hiện nay khi những nguy cơ ô nhiễm môi trường đang đe dọa đến cuộc sống của người dân. 

 

TS. Nguyễn Phương Quý - Giám đốc công nghệ - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền

 

     PV: Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường thì nhu cầu đầu tư, xây dựng Nhà máy XLNT đang trở lên cấp thiết tại các Khu công nghiệp/Cụm công nghiệp (K/CCN) hiện nay. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, dù chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, song việc triển khai, thực hiện các Dự án xây dựng khu XLNT, vẫn là bài toán khó. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

     TS. Nguyễn Phương Quý: Trong thời gian qua, nhiều địa phương, các ngành chức năng đã rất quyết liệt trong công tác BVMT, tuy nhiên trên thực tế một số mục tiêu chưa đạt được theo yêu cầu. Theo số liệu đến tháng 9/2015 của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 299 KCN đã được thành lập, chỉ có 179 KCN đã có hệ thống XLNT tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, chiếm hơn 60% tổng số KCN đã được thành lập, hơn 84% tổng số KCN đang hoạt động - đó là những con số hết sức lo ngại, thể hiện việc đầu tư xây dựng các Nhà máy XLNT đúng là bài toán khó. Theo tôi, có một số nguyên nhân sau:

     Bên cạnh những cơ sở sản xuất có ý thức rất tốt, chủ động đưa ra các tiêu chí sản xuất xanh, đầu tư các công trình xử lý môi trường, trong đó có XLNT thì vẫn còn không ít cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến công tác BVMT, vẫn còn tình trạng xả nước thải không qua xử lý làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư.

     Nhiều cơ sở sản xuất thiếu các thông tin cập nhật về công nghệ XLNT. Do thiếu thông tin nên trên thực tế các cơ sở công nghiệp đang phải đầu tư các Nhà máy XLNT với diện tích đất lớn, chi phí đầu tư và vận hành cao. Chính vì lý do này đã đẩy giá thành sản xuất lên cao, họ tìm cách hạn chế đầu tư các công trình XLNT.

     Một số KCN/CCN nhỏ lẻ khó khăn trong việc đầu tư, vì công suất nước thải nhỏ nhưng chi phí đầu tư lớn. Một số KCN/CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN và có hiệu lực thi hành từ ngày 5/10/2009 theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên không bố trí các quỹ đất để xây dựng các công trình xử lý, thiếu nguồn vốn đầu tư nên chưa có điều kiện đầu tư các công trình XLNT.

     PV: Những năm qua, Phú Điền là một trong số ít các nhà đầu tư đã và đang triển khai trên toàn quốc theo hình thức PPP trong lĩnh vực XLNT, vậy Công ty có gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

     TS. Nguyễn Phương Quý: Khó khăn lớn nhất đối với các Dự án XLNT, đó là khả năng sinh lợi không cao, nên thường khó hấp dẫn đầu tư. Chính vì vậy, đây là lĩnh vực cần được Nhà nước khuyến khích, đặc biệt là theo hình thức PPP. Tuy nhiên, các thủ tục đầu tư còn phức tạp, nhiều quy định còn chưa rõ ràng. Thông thường, để một Dự án có thể triển khai thi công, thời gian xin thủ tục kéo dài hàng năm, do đó vừa mất thời gian, cơ hội và chi phí của doanh nghiệp.

 

 

Nhà máy XLNT Yên Sở do Công ty Phú Điền vận hành hiệu quả, là hình mẫu cho nhiều địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm

 

     Về mặt thuận lợi, Phú Điền có lợi thế nhất định, đó là nắm vững công nghệ. Với việc đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã làm cho giá thành đầu tư, vận hành rẻ, chất lượng tốt nên tiến độ thi công sẽ rút ngắn hơn. Vì có sự đầu tư đổi mới công nghệ nên lần đầu tiên Phú Điền có thể đầu tư áp dụng năng lượng tái tạo - năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng cho XLNT. Với các thuận lợi đó, trong những năm qua, Phú Điền luôn là nhà đầu tư tiên phong, đã và đang đầu tư hàng chục dự án trong lĩnh vực xử lý nước thải.

     PV: Ngày nước thế giới năm nay với chủ đề “Nước thải” được tổ chức tại Bắc Ninh. Xin ông cho biết, đóng góp của Nhà máy XLNT Từ Sơn sau gần 2 năm triển khai hoạt động tại địa phương?

     TS. Nguyễn Phương Quý: Phú Điền là nhà đầu tư Dự án hệ thống thu gom và Nhà máy XLNT thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh. Trong Dự án này, chúng tôi đã áp dụng công nghệ SBR cải tiến, đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, được Công ty nghiên cứu áp dụng vào Việt Nam có diện tích nhỏ gọn, chi phí đầu tư và vận hành thấp. Hệ thống thu gom và Nhà máy XLNT Từ Sơn đi vào vận hành từ tháng 9/2015 đã và đang phát huy hiệu quả cải thiện môi trường nước của thị xã, đưa Từ Sơn là một trong số ít đô thị trong cả nước xử lý được hơn 50% lượng nước thải.

     PV: Nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong công tác BVMT nói chung, XLNT KCN/CCN, làng nghề nói riêng, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?

     TS. Nguyễn Phương Quý: Với đặc thù của các dự án XLNT không sinh lợi, trong khi đó, các cơ sở sản xuất tại các KCN, làng nghề chưa thật sự có động lực để đầu tư hay chi trả cho công tác BVMT nói chung, XLNT nói riêng nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Để thúc đẩy hoạt động này, Nhà nước cần hỗ trợ các cơ chế chính sách, ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư không chỉ kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa mà cả các hình thức PPP; rút gọn quy trình thủ tục đầu tư; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các CCN hay làng nghề thông qua các hình thức như trợ giá XLNT. Tuy nhiên, một trong những hình thức thúc đẩy hiệu quả nhất, đó là công tác tuyên truyền về ý thức tự giá và ý thức tuân thủ pháp luật BVMT. Vừa có sự hỗ trợ của Nhà nước, vừa có sự tham gia nhiệt tình của các cơ sở ô nhiễm chắc chẵn sẽ là nguồn động lực lớn để thúc đẩy xã hội hóa công tác đầu tư.

     PV: Xin cảm ơn TS!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn