Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Những vụ đền bù do gây ô nhiễm môi trường kỷ lục trên thế giới

05/07/2016

     Chisso bị phạt 83 triệu USD vì xả thải thẳng ra môi trường

     Tập đoàn Chisso mở nhà máy hóa chất ở Minatama và trong quá trình phát triển sản xuất, Chisso đã góp phần đưa nơi này trở thành một trong những thành phố công nghiệp hàng đầu của tỉnh Kumamoto. Tuy nhiên, nhà máy đã gây ra tình trạng ô nhiễm tồi tệ khi xả thẳng nước thải chứa thủy ngân không qua xử lý ra vùng biển vốn có một lượng thủy sản dồi dào với khoảng 200.000 ngư dân.

 

 

     Từ năm 1912 đến 1926, nước xả thải của Chisso gây nhiễm độc cho cá tôm cùng nhiều loài vật sống dưới biển, đến mức người dân ăn phải đã nhiễm một căn bệnh lạ mà sau này được đặt tên là Minamata theo tên của thành phố. Bệnh này có triệu chứng á khẩu, đi đứng khó khăn, co giật, tê liệt, hôn mê và chét sau vài tuần phát bệnh.

     Năm 1926, Chisso đã đồng ý trả cho ngôi làng địa phương một khoản tiền 1.500 Yên nhưng gọi đây là tiền "cảm thông" để né tránh trách nhiệm. Năm 1943, Chisso ký với ngư dân địa phương một thỏa thuận khác chấp nhận 152.500 Yên tiền “thông cảm” cho các thiệt hại ngư nghiệp trong quá khứ và tương lai, đồng thời ràng buộc họ bằng điều khoản không được phép kiện thêm nữa. Trong suốt hàng chục năm trời sau đó, nhiều người đã tử vong vì bệnh Minamata nhưng chính quyền địa phương đã "làm ngơ" và Chisso vẫn không ngừng xả thải thẳng ra biển. Chisso.

     Đến năm 2003, Chisso bị buộc phải trả khoảng 86 triệu USD tiền bồi thường, đồng thời được yêu cầu phải dọn sạch ô nhiễm môi trường do tập đoàn gây ra.

     Tập đoàn Chevron rút hầu bao 18 tỷ USD

     Năm 2011, tòa án Ecuador đưa ra phán quyết Tập đoàn năng lượng Mỹ Chevron phải bồi thường 18 tỷ USD vì hành vi xả hóa chất tại lưu vực sông Amazon trong suốt hơn 20 năm. Đây được xem là một trong những vụ kiện môi trường lớn nhất thế giới.

     Theo đó, trong thời gian 20 năm (từ 1972 – 1992), Texaco - một công ty con của Chevron Corp đã xả trên 68 triệu lít vật liệu độc hại vào các hố đựng không có vách ngăn cũng như vào thẳng sông Amazon. Thậm chí, công ty còn áp dụng tiêu chuẩn nồng độ độc hại trên 1 m3 chất thải, cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn áp dụng tại Mỹ. Đồng thời, nhằm tiết kiệm chi phí, công ty đã xả thải thẳng ra môi trường và hậu quả là hàng chục người chết và hàng trăm người khác cũng sẽ chết vì ung thư và các bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra tại khu vực này.

     Vụ kiện công ty Texaco là trường hợp đầu tiên trong lịch sử ghi nhận một công ty đa quốc gia phải hầu tòa ở quốc gia Nam Mỹ do bị người dân bản xứ kiện.

     BP và khoản tiền phạt 20 tỷ USD

     Tháng 4/2010, giàn khoan dầu Horizon ở Vịnh Mêxicô do BP khai thác bị nổ làm 11 người thiệt mạng và một lượng lớn dầu thô tương đương 4,9 triệu thùng đã tràn ra biển. 87 ngày sau đó người ta mới khắc phục được sự cố trên. Đây là thảm họa tràn dầu lớn nhất trong lịch sử, trở thành thảm họa sinh thái tác động lâu dài, đe dọa sự sống của nhiều loài động vật hoang dã, và sinh kế của người dân trong vùng. Ngay sau sự cố, chính quyền ba bang vùng vịnh Mêxicô gồm Veracruz, Tamaulipas và Quintana Roo đã khởi kiện công ty BP vì sự cố tràn dầu trên.

     Ngày 4/4/2016, Thẩm phán liên bang thành phố New Orleans (Mỹ) Carl Barbier đã thông qua mức án phạt khoảng 20 tỷ USD mà tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP phải trả nhằm giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố dầu tràn tại Vịnh Mêxicô năm 2010.

     Trong 3 vụ đã nêu trên, dù là sự cố tai nạn như BP hoặc cố ý đầu độc như môi trường để trục lợi như Chevron và Chisso đều có các điểm chung là phá huỷ nặng nề môi trường biển, huỷ diệt sinh vật biển, tiêu diệt ngành kinh tế biển, gây ra cái chết trực tiếp cho nhiều người và để lại di chứng chết người lâu dài cho nhiều thế hệ.

 

Đức Anh

 

Ý kiến của bạn