Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Những nội dung cơ bản của Nghị định số 38/2015/NÐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu

30/06/2015

 

   Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu (Nghị định) với kết cấu 9 Chương, 66 Điều, 1 Phụ lục quy định 7 nội dung chính.

   Quản lý chất thải nguy hại

   Quản lý chất thải nguy hại (CTNH) là nội dung quan trọng trong công tác BVMT nói chung và quản lý chất thải nói riêng được quy định trong 10 Điều từ Điều 5 đến Điều 14 của Nghị định. Các quy định về quản lý CTNH tại Nghị định được xây dựng theo hướng khả thi, đảm bảo quy định chặt chẽ CTNH từ phân định, áp mã, phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển đến xử lý.

   Theo đó, các CTNH phải được phân loại theo mã CTNH để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa thích hợp; Chủ nguồn thải CTNH phải có trách nhiệm đăng ký với Sở TN&MT, định kỳ 6 tháng báo cáo về việc lưu giữ CTNH tại cơ sở phát sinh với Sở TN&MT bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý CTNH định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp: Chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi hoặc chưa tìm được chủ xử lý CTNH phù hợp; Việc thu gom, vận chuyển CTNH chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH, thời hạn Giấy phép xử lý CTNH là 3 năm kể từ ngày cấp. Bộ TN&MT là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý CTNH trên phạm vi toàn quốc.

   Bên cạnh đó, Nghị định đã quy định về điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý CTNH, trong đó nêu rõ về địa điểm của cơ sở xử lý CTNH (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý CTNH) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật; có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu.

   Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

   Nội dung quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt được quy định trong 14 Điều từ Điều 15 đến Điều 28 của Nghị định.

   Các nội dung quản lý CTR sinh hoạt bao gồm việc phân loại, lưu giữ, CTR sinh hoạt; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh CTR sinh hoạt; thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt; Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt; lựa chọn công nghệ xử lý CTR sinh hoạt; lựa chọn chủ đầu tư, chủ xử lý CTR sinh hoạt; Trách nhiệm và quyền hạn của chủ xử lý CTR sinh hoạt; Cải tạo, phục hồi môi trường khi đóng bãi chôn lấp CTR sinh hoạt; hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt; Giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt.

   Theo đó, quản lý CTR sinh hoạt phải được thực hiện từ các khâu phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển đến xử lý CTR sinh hoạt. Bộ TN&MT xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với: Cơ sở xử lý CTR sinh hoạt do Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Cơ sở xử lý CTR sinh hoạt tiếp nhận xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn liên tỉnh; Cơ sở xử lý CTR sinh hoạt kết hợp với xử lý CTNH (thay thế bằng Giấy phép xử lý CTNH). UBND cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn nội tỉnh. Bên cạnh đó, chủ xử lý CTR sinh hoạt có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt và hồ sơ đề nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt kèm theo nội dung xác nhận.

   Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

   Nội dung quản lý CTR công nghiệp (CN) thông thường được quy định trong 7 Điều từ Điều 29 đến Điều 35.

   Các nội dung quản lý CTR CN thông thường bao gồm: Phân định, phân loại và lưu giữ CTR CN thông thường; Thu gom, vận chuyển CTR CN thông thường; Yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR CN thông thường; Trách nhiệm của chủ xử lý CTR CN thông thường.

   Cụ thể, CTR CN thông thường phải được phân định, phân loại riêng với CTNH, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về CTNH. Bộ TN&MT xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với: Cơ sở xử lý CTR CN thông thường do Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM; Cơ sở xử lý CTR CN thông thường tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn liên tỉnh; Cơ sở xử lý CTR CN thông thường kết hợp với xử lý CTNH (thay thế bằng Giấy phép xử lý CTNH). UBND cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR CN thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt ĐTM của địa phương và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn nội tỉnh. Bên cạnh đó, chủ xử lý CTR CN thông thường có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR CN thông thường và hồ sơ đề nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu đối với cơ sở xử lý CTR CN thông thường kèm theo nội dung Giấy xác nhận.

Việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH

   Quản lý nước thải

   Nghị định quy định nội dung quản lý nước thải trong 9 Điều từ Điều 36 đến Điều 44 gồm: Nguyên tắc chung về quản lý nước thải; Thu gom, xử lý nước thải; Xả nước thải vào nguồn tiếp nhận; Quan trắc việc xả nước thải; sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải; Nguồn lực cho quản lý nước thải.

   Nước thải phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Việc xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm thống nhất theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ TN&MT ban hành hoặc theo các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương. Đồng thời, việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận được quản lý phù hợp với sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải theo quy định. Các khu công nghiệp (KCN) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài KCN có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày,đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương.

   Sức chịu tải của môi trường nước và hạn ngạch xả nước thải là một trong những căn cứ phục vụ lập hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư cho các dự án. Đây là nội dung mới so với quy định trước đây trong lĩnh vực quản lý nước thải.

   Chính phủ giao Bộ TN&MT xây dựng, ban hành hướng dẫn đánh giá sức chịu tải của các nguồn tiếp nhận, phân vùng sử dụng và xác định hạn ngạch xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận; Xây dựng, ban hành và phân bổ hạn ngạch xả nước thải đối với các lưu vực sông liên tỉnh; Quản lý trao đổi hạn ngạch xả nước thải và giao UBND cấp tỉnh tổ chức đánh giá sức chịu tải, ban hành và phân bổ hạn ngạch xả nước thải đối với lưu vực sông nội tỉnh; Công bố thông tin các nguồn tiếp nhận nước thải không còn khả năng tiếp nhận nước thải trên địa bàn quản lý.

   Quản lý khí thải công nghiệp

   Quản lý khí thải CN được quy định trong 4 Điều từ Điều 45 đến Điều 48, với các nội dung: Đăng ký, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải CN; Cấp phép xả khí thải CN; Quan trắc khí thải CN tự động liên tục.

   Chủ dự án, chủ cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định này phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải khí thải CN, trừ trường hợp chủ nguồn thải có hoạt động đồng xử lý chất thải thuộc đối tượng được cấp Giấy phép xử lý CTNH, đối tượng được xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt hoặc CTR CN thông thường. Việc đăng ký chủ nguồn thải khí thải CN được thực hiện khi cơ sở sản xuất vận hành chính thức hoặc khi cơ sở có kế hoạch thay đổi nguồn thải khí thải CN (tăng thải lượng, số lượng nguồn phát thải khí thải). Chủ nguồn thải khí thải CN thuộc Danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương.

   Bộ TN&MT xem xét hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải khí thải CN và cấp Giấy phép xả khí thải CN đối với các cơ sở đang hoạt động thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục của Nghị định, trừ trường hợp chủ nguồn thải có hoạt động đồng xử lý chất thải thuộc đối tượng được cấp Giấy phép xử lý CTNH, đối tượng được xác nhận bảo đảm yêu cầu BVMT đối với cơ sở xử lý CTR sinh hoạt hoặc CTR CN thông thường.

   Thời hạn của Giấy phép xả khí thải CN là 5 năm. Trường hợp có sự thay đổi về nguồn thải khí thải (tăng thải lượng, số lượng nguồn phát thải khí thải), cơ sở phải lập hồ sơ đề nghị xem xét, cấp lại Giấy phép xả khí thải CN. Việc cấp Giấy phép xả thải khí thải CN thực hiện từ ngày 1/1/2018.

   Quản lý một số chất thải đặc thù

   Các chất thải đặc thù như chất thải từ hoạt động y tế, CTR từ hoạt động xây dựng, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, chất thải từ hoạt động giao thông vận tải, bùn nạo vét, sản phẩm lỏng thải bỏ không nguy hại cần được quản lý chặt chẽ. Nội dung quản lý chất thải đặc thù được thể hiện trong 6 Điều từ Điều 49 đến Điều 54 của Nghị định.

   Theo đó, chất thải từ hoạt động y tế (trừ nước thải được đưa vào hệ thống xử lý nước thải của cơ sở y tế) phải được phân loại tại nguồn. Các cơ sở y tế căn cứ vào quy hoạch, yếu tố địa lý, điều kiện kinh tế và môi trường để lựa chọn áp dụng phương án xử lý chất thải y tế nguy hại. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm việc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong xử lý chất thải y tế nguy hại.

   Đối với CTR từ hoạt động xây dựng (kể cả cải tạo, phá dỡ công trình, gọi chung là CTR xây dựng) phải được phân loại và quản lý: Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào cọc móng được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp; Đất đá, CTR từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng) được tái chế làm vật liệu xây dựng hoặc tái sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng hoặc chôn lấp trong bãi chôn lấp CTR xây dựng; CTR có khả năng tái chế như thủy tinh, sắt thép, gỗ, giấy, chất dẻo được tái chế, tái sử dụng.

   Các CTNH là bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý CTNH. Các bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được làm sạch các thành phần nguy hại thì được quản lý như đối với chất thải thông thường.

   Chất thải phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ các phương tiện giao thông vận tải quốc tế được quản lý theo quy định của Nghị định, không áp dụng quy định của pháp luật về nhập khẩu, thương mại.

   Bên cạnh đó, bùn nạo vét (từ biển, sông, hồ, kênh, mương, hệ thống thoát nước và các vùng nước khác) phải được thu gom, vận chuyển, đổ thải, tái sử dụng, tái chế và xử lý theo quy định của pháp luật.

   Đối với việc quản lý sản phẩm thải lỏng không nguy hại được quy định: Chủ nguồn thải có trách nhiệm tổ chức việc tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ sản phẩm thải lỏng không nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp sản phẩm thải lỏng không nguy hại được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tại chỗ của cơ sở phát sinh hoặc KCN thì được quản lý theo quy định về quản lý nước thải tại Nghị định. Trường hợp sản phẩm thải lỏng không nguy hại không xử lý được tại cơ sở phát sinh thì chỉ được chuyển giao cho cơ sở có chức năng để xử lý khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án BVMT, kế hoạch BVMT (hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương) đối với cơ sở tiếp nhận xử lý.

   BVMT trong nhập khẩu phế liệu

   Công tác BVMT trong nhập khẩu phế liệu (NKPL) đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua và đạt được kết quả nhất định. Để tiếp tục quản lý hiệu quả hoạt động NKPL, Nghị định đã quy định nội dung BVMT trong NKPL trong 9 Điều từ Điều 55 đến Điều 63 gồm: Đối tượng được phép NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam; Điều kiện về BVMT trong NKPL; Mục đích và phương thức ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; Khoản tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; Quy trình ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; Quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.

   Theo đó, tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thuộc đối tượng được phép NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam. Tổ chức, cá nhân NKPL thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính.

   Tại Nghị định, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ TN&MT được quy định cụ thể: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra hoạt động NKPL làm nguyên liệu sản xuất phù hợp với quy định của Luật BVMT; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc nhập khẩu thử nghiệm phế liệu và điều chỉnh, bổ sung danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất, hướng dẫn việc kiểm tra định kỳ hoạt động BVMT của tổ chức, cá nhân NKPL và báo cáo Bộ TN&MT tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu và các vấn đề môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu trước ngày 31/3 của năm tiếp theo.

   Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các Bộ liên quan và UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý chất thải và phế liệu, góp phần tăng cường trách nhiệm chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý chất thải và phế liệu, đồng thời giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.

Nguyễn Thượng Hiền - Cục trưởng

Nguyễn Thành Lam, Lê Thị Minh Thuần

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn