Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Những giá trị tự nhiên độc đáo và giải pháp phát triển du lịch bền vững hang Sơn Ðoòng, Quảng Bình

02/03/2015

 

     Hang Sơn Đoòng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nằm trong vùng lõi của Khu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, được người dân địa phương phát hiện vào năm 1991 và được các nhà nghiên cứu hang động Anh và nhà khoa học Việt Nam (thuộc Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện khảo sát vào năm 1999. Hang có chiều dài 6.1781 m, độ rộng từ 50 - 163 m, độ cao từ 80 - 195 m. Với diện tích khổng lồ, Hang đủ sức chứa 1 tòa nhà 60 tầng và những giá trị tự nhiên độc đáo, hang Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giới hiện nay. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị khoa học quan trọng về địa chất, địa mạo, khí hậu và sinh vật cổ, bởi vậy, Hang còn là điểm du lịch và điểm đến của các nhà làm phim về khoa học sự sống của các kênh truyền hình lớn trên thế giới.

     Hệ thạch nhũ, độc đáo đa dạng và kỳ vỹ

     Kết quả khảo sát cho thấy, hang Sơn Đoòng được hình thành trong khối núi Kẻ Bàng, trong đó phân bố các hệ tầng đá vôi có tuổi từ 360 - 416 triệu năm, có nguồn gốc trầm tích lắng đọng trong đại dương trong thời kỳ tạo núi vào đầu kỷ Trias (240 - 250 triệu năm). Nét độc đáo của Hang là có 2 hố sập - nơi trần Hang bị sụp đổ, tạo thành giếng trời, khiến cho ánh sáng tự nhiên rọi thấu vào Hang, tạo điệu kiện phát triển thảm thực vật.

 

Nhà nghiên cứu hang động Anh khảo sát hang Sơn Đoòng

 

     Hệ thạch nhũ trong hang Sơn Đoòng mang nhiều hình hù kỳ dị, các nhũ có hình các con vật thời tiền sử như khủng long hoặc hình nấm, xếp thành nhiều tầng, những nhũ đá có màu sắc kích thước khác nhau. Ngoài ra, trong Hang còn nhiều san hô hóa thạch lớn (đường kính 3 - 4cm) và các bộ xương hóa thạch thuộc nhóm động vật ăn cỏ (hươu, nai, dê), có niên đại khoảng dưới 100 năm tuổi.

     Vào sâu giữa lòng Hang, ta gặp nhiều dạng địa hình lý thú, với những bó chông xếp song song hay các dạng cột đá dựng đứng, xếp khít bên nhau, tạo thành những tháp đá. Mỗi tháp đá có hình chóp cao, màu trắng, trên đỉnh có các hình như những chiếc mũ màu xám.Trên vách Hang có bộ sưu tập “ngọc trai” hàng vạn năm tuổi, được hình thành từ tinh thể canxi trong đá bao bọc các hạt cát nhỏ, tạo thành những “viên ngọc trai” quý hiếm. Cuối Hang hình thành những thửa ruộng có những viên đá hình cầu, hình trứng, được ví như “những cánh đồng đẻ trứng”. Đặc biệt, trong Hang có một hồ lớn, nước trong và sâu thăm thẳm với thác nước đổ xuống tuyệt đẹp, tạo cảnh quan trong lòng Hang rất kỳ vỹ.

     Về thảm thực vật, kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 200 loài thực vật. Ở hố sập 1, chủ yếu là các loài có thân thảo bì, trảng cỏ, rêu và một số dây leo sống bám váo vách và nền Hang. Ở phía trên các hố trần có các loài cây bụi, cây gỗ nhỏ, cành lá sum xuê vươn xuống lòng Hang, tạo một không gian lý thú.

     Ở hố sập 2, phong phú hơn nhiều, tạo thành một khu rừng nhiệt đới, được các nhà khoa học đặt tên là “Vườn địa đàng”. Rừng có những cây cao đến 25 - 30 m, đường kính gốc khoảng 40 cm, được phân tầng rõ rệt. Tầng dưới cùng là tầng tán, cây thưa thớt, chủ yếu là những cây tán hẹp, thân mảnh. Tầng trên miệng hố sập, bao gồm nhiều loại cây ưa bóng râm tán dày, mọc chen lấn, tươi tốt, với nhiều loài thực vật biểu sinh bám trên cành.

 

Hồ nước trong Hang Sơn Đoòng

 

     Ngoài thảm thực vật đa dạng, thế giới sinh vật trong Hang cũng rất phong phú. Đó là loài tắc kè đá hay những đàn dơi sống trong bóng tối và đặc biệt, những hố nước trong Hang có loài cá màu trắng không mắt do sống trong bóng tối. Các loài nhện, côn trùng không cánh, động vật thuộc loài chân khớp cũng hiện diện rất nhiều trong Hang.

     Giải pháp bảo tồn và khai thác bền vững hang Sơn Đoòng

     Nằm trong khu vực thiên nhiên nổi tiếng thế giới mang những giá trị tự nhiên độc đáo, hang Sơn Đoòng đã trở thành điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Từ tháng 7/2013, tỉnh Quảng Bình đã đưa vào thử nghiệm Đề án du lịch “Chinh phục hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới”. Mặc dù chưa đưa vào khai thác chính thức, thời gian thử nghiệm ngắn, tính đến nay, các tour du lịch đạt trên 15 tỷ đồng. Tour du lịch đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 40 hộ dân địa phương, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng /1 người/tháng. Ngoài ra, một số dịch vụ cung ứng hàng hóa khác cũng được phát triển như: hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhà hàng, khách sạn… Dự kiến, năm 2015, tỉnh sẽ chính thức đưa Đề án vào hoạt động, tuy nhiên cũng cần phải có kế hoạch quản lý, giải pháp khai thác bền vững và bảo tồn phù hợp, cụ thể:

     Cần có các nghiên cứu tổng thể, chi tiết về đặc điểm, kiến tạo, khảo cổ học, đa dạng sinh học của Hang; Xuất bản cuốn sách giới thiệu cho du khách, chỉ dẫn cách thức bảo vệ hang Sơn Đoòng; Xây dựng hệ thống quan trắc về môi trường không khí, nước, về địa chất nền Hang để phòng tránh các nguy cơ sụp đổ trần Hang; Cần khoanh vùng các lưu vực sông, suối quanh vùng cũng như bảo vệ các rừng đầu nguồn để tránh nguy cơ ngập lụt; Phải thiết lập hành lang bảo vệ an toàn và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Vân Kiều ở bản Đoòng (đây là điểm dừng chân trước khi khám phá Hang); Phát triển thêm các tuyến du lịch mạo hiểm hang Tú Làn, Khe Ry và xây dựng phim 3D, 4D về hang Sơn Đoòng để phục vụ du khách không có điều kiện đi thực tế; Phát triển đồng bộ và giám sát chặt chẽ hệ thống xử lý chất thải, vệ sinh môi trường của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn và mạng lưới y tế, cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách; Tuyên truyền cho cộng đồng người dân địa phương nâng cao ý thức bảo tồn các cảnh quan và phát triển các mô hình du lịch bền vững tạo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

Nguyễn Thị Phượng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

Ý kiến của bạn