Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Người giữ rừng

22/02/2016

   Ở huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước không ai không biết đến anh Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp, không chỉ vì anh là một cán bộ kiểm lâm hết mình vì công việc, mà anh còn là một người bạn, một đồng nghiệp hòa đồng, nhiệt huyết và tấm lòng vị tha.

   Trong suốt chặng đường 12 năm qua, Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp đã trải qua không ít khó khăn, phức tạp trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng chống người thi hành công vụ của đồng bào dân tộc diễn ra liên tục, lâm tặc còn mang quan tài để trước cổng Hạt kiểm lâm nhằm uy hiếp, “khủng bố” tinh thần lực lượng kiểm lâm. “Trước những tình huống đó, tôi động viên anh em không dao động mà phải vững vàng ý chí, bản lĩnh của người kiểm lâm Việt Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, anh Ách bộc bạch.

 

Cán bộ kiểm lâm huyện Bù Đốp phát đường tuyến để bảo vệ rừng

 

   Nạn phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng nghiêm trọng, làm cho tài nguyên rừng bị cạn kiệt, anh Ách đã chỉ đạo đơn vị tổ chức triển khai nhiều biện pháp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật; song song với đó là tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế các vụ vi phạm. Kết quả từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện Bù Đốp không để xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy và lấn chiếm đất lâm nghiệp, góp phần ổn định kinh tế, an ninh, chính trị của vùng biên giới.

   Đơn vị đầu ngành Kiểm lâm tỉnh truy quét tội phạm

   Được biết, người đứng đầu Hạt kiểm lâm Bù Đốp là một võ sư. Những khi được “tranh thủ” về nhà, anh lại ra vườn dạy võ cho lớp trẻ. Một Bí thư Chi bộ trường Trung học cơ sở Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh ở gần nhà anh cho chúng tôi biết, từ “lò võ” của anh Ách sẽ là “nguồn” bảo vệ rừng được giới thiệu, tuyển chọn sau này. Người Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp nung nấu ý nghĩ này từ trước. Bởi hiện nay và lâu dài, lực lượng bảo vệ kiểm lâm còn mỏng, ít người được huấn luyện võ thuật để chống lại lâm tặc ngày một ngang ngược hoành hành.

   Huyện Bù Đốp với tổng diện tích rừng hiện nay là 6.870,852 ha. Việc quản lý bảo vệ rừng là một nhiệm vụ khó khăn, do địa hình rộng, nhiều ngõ ngách qua lại trên tuyến đường biên giới. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, anh Ách đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm duy trì tổ chức truy quét trên bộ cũng như tuyến sông. Qua 12 năm thực hiện, Hạt kiểm lâm Bù Đốp phối hợp cùng các ngành chức năng đã phát hiện trên 1.500 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu hồi trên 2.000 m3 gỗ các loại, xử lý tịch thu 67 xe ôtô, 92 xe môtô 2 bánh, 30 xe đạp thồ, 10 ghe gỗ và nhiều máy móc, công cụ phục vụ cho các hành vi vi phạm; xử lý phạt và bán tài sản tịch thu xung công quỹ Nhà nước trên 10 tỷ đồng. Với chức năng là cơ quan giám sát, Hạt kiểm lâm đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đơn vị chủ rừng và các chủ dự án trên địa bàn huyện, không để xảy ra vi phạm, nhất là diện tích rừng khoanh nuôi còn lại trong các dự án. Anh Ách đã cùng Hạt kiểm lâm nghiên cứu và đưa ra giải pháp xây dựng kế hoạch tổ chức tuyến tuần tra quản lý, bảo vệ các tiểu khu rừng phòng hộ dọc sông và các khu vực xung yếu. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, Hạt kiểm lâm đã hoàn thành phát tuyến được trên 100 km, tạo thuận lợi cho các tổ đi kiểm tra, bảo vệ rừng; đồng thời tiết kiệm được kinh phí nhiên liệu phục vụ các phương tiện đi lại kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng và đảm bảo được tính bí mật. Với giải pháp này đã hạn chế nhiều tình trạng vi phạm khai thác lâm sản trái phép các tiểu khu rừng phòng hộ giáp tuyến sông.

   Thực tiễn và hiệu quả từ công tác phòng chống, chữa cháy rừng

   Trước yêu cầu thực tế trong công tác phòng chống, chữa cháy rừng, Hạt kiểm lâm đã cải tiến một số dụng cụ phục vụ công tác chữa cháy thiết thực, hiệu quả như: Dùng xe đạp thồ trang bị dụng cụ chữa cháy để có thể tiếp cận trực tiếp vào những địa hình phức tạp khi có cháy rừng xảy ra, lắp đặt hệ thống bơm nước trực tiếp từ xe máy cày để chữa cháy, dùng mô tô nước chữa cháy các tiểu khu rừng dọc sông. Với cách thức này, Hạt kiểm lâm đã đưa vào sử dụng chữa cháy rừng trong những năm qua và trong các đợt diễn tập phòng cháy, chữa cháy hàng năm được đánh giá là hiệu quả. Hạt kiểm lâm đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chọn làm điểm về công tác phòng chống, chữa cháy rừng để các đơn vị khác học tập. Cùng với đó, Hạt kiểm lâm đã xây dựng 8 hồ nước nhân tạo ở những khu vực rừng sung yếu có nguy cơ cháy rừng cao, với sức chứa bình quân mỗi hồ trên 20 m3 nước, đây là giải pháp hữu hiệu và kịp thời để chủ động về nguồn nước khi có cháy rừng xảy ra vào thời điểm nắng nóng, khô hạn. Do vậy, trong những năm qua, Hạt kiểm lâm không để xảy ra vụ cháy nào nghiêm trọng.

   Huyện Bù Đốp nằm trên tuyến biên giới, có trên 17,9% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, anh đã cùng Hạt kiểm lâm đề ra những giải pháp vận động, tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương trong từng giai đoạn, bảo vệ những diện tích rừng hiện còn.

   Nhằm phục hồi một số diện tích rừng do công trình thủy điện tích nước làm thiệt hại, anh Ách cùng Hạt kiểm lâm đã nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm trồng một số loài cây tại các vùng bán ngập của lòng hồ. Cụ thể, đã trồng thí điểm 30 ha rừng trên đất bán ngập của lòng hồ thủy điện Cần Đơn với 2 loại cây là gáo nước và tràm nước. Từ những thành tựu này, năm 2014, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo tiến hành khảo sát, xây dựng phương án trồng rừng trên toàn diện tích bán ngập lòng hồ thủy điện Cần Đơn, hiện nay, đã khảo sát trên 300 ha để thực hiện Dự án này.

   Có thể nói, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách là tấm gương sáng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Với anh không có gì cao quý bằng sự sống, sức khỏe con người, môi trường thiên nhiên, giữ màu xanh cho quê hương đất nước.

 

                        Duy Hiến

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn