Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Ngày Môi trường thế giới năm 2016: Cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã

15/04/2016

     Buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã - hành động đã và đang làm suy thoái nguồn đa dạng sinh học quý giá và đe dọa sự sống còn của các giống loài quý hiếm như voi, tê giác, hổ cũng như nhiều loại động, thực vật khác đang gây một làn sóng phản đối dữ dội trên toàn thế giới. Hành động đáng lên án này đồng thời làm suy yếu nền kinh tế, tính cộng đồng và an ninh của toàn cầu.

     Nhằm lan tỏa tinh thần đấu tranh bảo vệ các giống loài hoang dã, ngày 13/4/2016, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra nội dung hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016 hướng về cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Mục tiêu của WED 2016 nhằm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến công dân toàn cầu về điểm giới hạn của hệ sinh thái trên Trái Đất, hơn bao giờ hết cần sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ động thực vật hoang dã.

 

(Ảnh: Nguồn UNEP)

 

     Những hình ảnh đáng báo động từ khắp nơi trên thế giới: Xác những con voi bị tàn sát với những chiếc ngà đã bị thợ săn lấy đi trên đồng cỏ châu Phi; Những tấm da hổ được buôn bán bí mật ở các chợ châu Á; Những tấm mai của rùa biển khổng lồ bị hải quan tịch thu trước khi đến tay những lái buôn phương Tây… và rất nhiều hình ảnh đau thương khác gây chấn động về hành động mua bán trái phép sản phẩm hoang dã.

     Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh học, cướp đi những di sản, mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Việc giết hại và buôn lậu còn làm suy yếu nền kinh tế, gia tăng tổ chức tội phạm, tham nhũng và bất ổn trên toàn cầu.

     Một số loài mang tính biểu tượng được ghi danh vào sách đỏ như voi, tê giác, hổ, khỉ đột và rùa biển và một số loài ít được biết đến như chim mỏ sừng, tê tê và các loài lan rừng đang bị đe dọa bởi lợi ích của con người. Nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng và cộng đồng nhằm bảo vệ các chủng loài đã có một số thành công nhất định, tuy nhiên động, thực vật hoang dã vẫn có nguy cơ cao bị tuyệt chủng, bất chấp những chiến dịch phối hợp quốc tế đã được triển khai, đã ảnh hưởng đáng kể đến chính sách và đầu tư trong việc bảo tồn và thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học.

 

(Ảnh: Nguồn UNEP)

 

     Để ngăn chặn sự leo thang chóng mặt của hành động đáng lên án trên, con người cần hiểu biết nhiều hơn về những tổn hại mà kinh doanh bất hợp pháp động vật hoang dã gây ra cho môi trường, nền kinh tế, cộng đồng và an ninh toàn cầu. Chúng ta cần phải thay đổi thói quen và hành vi, giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức, tăng cường áp lực đối với chính phủ, các tổ chức quốc tế nhằm ban hành, tăng cường thực thi pháp luật và  ngăn chặn những cá nhân, tổ chức vi phạm.

     Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 khuyến khích bạn quan tâm, bảo vệ tất cả các loài đang bị đe dọa và có những hành động của riêng bạn để bảo vệ động thực vật và bảo vệ các thế hệ tương lai. Dù bạn là ai, bạn sống ở đâu, hãy thể hiện từ lời nói tới hành động rằng chúng ta không khoan nhượng đối với việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã và hãy tạo sự khác biệt vì tương lai của chính chúng ta.

     Chủ đề chính thức của Ngày Môi trường thế giới năm 2016 sẽ được UNEP công bố trong thời gian tới.

 

Thu Hằng (Theo VEA)

Ý kiến của bạn