Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Nam Định: Phát triển thị trường nông thôn góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới

10/03/2014

     Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của Nam Định đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định. Một số ngành, lĩnh vực tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá so với cùng kỳ: giá trị tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.926 tỷ đồng, tăng 10,5%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 27.980 tỷ đồng, tăng 20,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,6%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước tăng 14,1%; giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 287,3 triệu USD, tăng 16,5%; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ước thực hiện 14.369 tỷ đồng, tăng 20,6%; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn ước đạt 1.438 tỷ đồng, tăng 18%. Để đạt được những thành tích trên, thị trường nông thôn (TTNT) có vai trò quan trọng thúc đẩy phân công lại lao động nông nghiệp, phân bố lại dân cư, tạo ra nhiều ngành nghề mới, sản xuất ra nhiều giá trị sử dụng mới, phá thế độc canh cây lúa phát triển nông nghiệp toàn diện; đồng thời đảm bảo tốt việc giữ đất, giữ biển, BVMT, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ, tạo ra thế trận lòng dân vững chắc tăng cường sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Bên cạnh những mặt tích cực, phát triển TTNT cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng của tỉnh, đó là: Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở TTNT còn khá phổ biến. Việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở hệ sinh thái đất ngập mặn (Xuân Thủy) phục vụ cho xuất khẩu (chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc) trở thành một phong trào rộng lớn, ồ ạt gây mất cân bằng sinh thái. Nhiều diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp để làm ao nuôi tôm xuất khẩu, nên môi trường nước ở đây bị ô nhiễm trầm trọng. Ở bên ngoài các vùng tôm, môi trường cũng suy giảm đến mức báo động do người dân khai thác nguồn lợi thủy sản bằng mọi cách thức mang tính hủy diệt, như dùng xung điện và hóa chất độc hại. Tất cả các minh chứng trên ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế và khu vực phòng thủ ven biển và củng cố quốc phòng trên địa bàn. Để TTNT phát triển có hiệu quả, yếu tố góp phần quan trọng trong trao đổi, mua bán, lưu thông hàng hóa phải kể đến cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, đó là: Đường xá giao thông, cầu cống, bến bãi, kho chứa hàng, các máy móc kỹ thuật... Chính vì từ nhu cầu đòi hỏi các yếu tố trên mà trong những năm qua không ít hộ gia đình, các đơn vị, các chủ thể sản xuất kinh doanh, các địa phương đã nóng vội, tự ý đầu tư xây dựng theo cách nghĩ có lợi cho riêng mình mà không tuân theo sự quy hoạch mang tính thống nhất, khoa học. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của các công trình, gây thiệt hại nặng về kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sự liên hoàn về giao thông trong khu vực phòng thủ, cũng như trong củng cố quốc phòng của tỉnh.

 

Nam Định chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng thủy sản có chất lượng cao

đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước

 

     Trong những năm tới, để phát triển TTNT tỉnh Nam Định góp phần đảm bảo hậu cần tại chỗ, BVMT, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng trên địa bàn, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

     Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền địa phương trong phát triển TTNT định hướng XHCN, một mặt đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng nông thôn mới và BVMT, mặt khác tăng cường sức mạnh cho củng cố quốc phòng của tỉnh.

     Trên cơ sở đường lối phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng chung của cả nước, tỉnh cần rà soát lại kế hoạch, quy hoạch tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng của tỉnh. Trong đó, cần xác định hướng phát triển TTNT phù hợp với mục tiêu kinh tế chung của tỉnh; đồng thời phải phù hợp với chiến lược quốc phòng ở địa phương, cần tăng cường công tác quản lý, có biện pháp và chính sách huy động mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển TTNT, thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân.

     Thứ hai, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, kết hợp sản xuất với chế biến, nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản, đồng thời đảm bảo hậu cần tại chỗ cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

     Chế biến là phương pháp làm tăng thêm giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa, tăng thu nhập cho người lao động và kích thích tiêu dùng. Nhờ chế biến những giá trị sử dụng tăng thêm so với khi chưa được chế biến. Cần xây dựng, phát triển các cơ sở chế biến, sử dụng nguyên liệu nông, thuỷ hải sản phải bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, đồng thời phải được tổ chức theo hướng kết hợp liên hoàn với các vùng mà các đơn vị sản xuất nguyên liệu giữa trước, trong và sau sản xuất giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ tạo thành một trục thẳng từ sản xuất của hộ nông dân đến thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng, trong đó nhà máy chế biến là nơi tiêu thụ ổn định và có hiệu quả cho từng hộ nông dân.

     Thứ ba, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn mang tính lưỡng dụng vừa phục vụ tốt cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, đồng thời phục vụ tốt yêu cầu xây dựng nông thôn mới, BVMT và tăng cường củng cố quốc phòng của tỉnh.

     Tiến hành quy hoạch tổng thể trên cơ sở mạnh dạn giải tỏa các chợ lấn chiếm. Đồng thời, nhanh chóng đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng và tiến hành xây dựng các chợ mới theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và sinh hoạt của dân cư trong vùng. Căn cứ vào thế trận phòng thủ, khu vực phòng thủ mà tiến hành quy hoạch một cách hợp lý, vừa mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời vừa tăng cường sức mạnh trong sự nghiệp củng cố quốc phòng của tỉnh. Trong quá trình quy hoạch phải tiến hành quy hoạch cho các huyện, xã theo đúng phương án của tỉnh. Tiến hành đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng và phát triển các thị trấn, thị tứ, tụ điểm dân cư một cách hợp lý, không gây cản trở giao thông, không ảnh hưởng tới các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, nhưng lại thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán và phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng địa phương trong tỉnh và thuận lợi cho củng cố quốc phòng.

     Thứ tư, mở rộng thị trường trong nước, chú trọng tìm kiếm thị trường nước ngoài, khai thác lợi thế so sánh trên địa bàn, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn và củng cố quốc phòng

     Đối với thị trường trong nước, trong những năm tới, Nam Định cần chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các đô thị, thành phố, khu công nghiệp, trước hết là thị trường ở thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng... Đồng thời, nghiên cứu sâu nhu cầu của các bộ phận cư dân nông thôn trong tỉnh và tỉnh bạn, nông sản tiêu dùng cho khu vực này chủ yếu là gạo, thủy sản tươi sống và chế biến, hoa quả, các loại thịt, trứng. Bên cạnh đó cần khắc phục tình trạng do chạy theo thị trường, vì lợi ích kinh tế mà phá thế độc canh cây lúa, khai thác bừa bãi nhất là vùng ven biển, từ đó ảnh hưởng tới dự trữ an ninh lương thực, BVMT và thế trận phòng thủ tỉnh.

     Đối với thị trường nước ngoài, cần rà soát lại khả năng xuất khẩu của tất cả các mặt hàng để xây dựng các chương trình cụ thể. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều lao động và sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước, đồng thời tránh sự ra điều kiện của các nước nhập khẩu mà làm tổn hại tới quốc phòng - an ninh của quốc gia và công tác quốc phòng của tỉnh. Giảm mạnh xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chế biến tinh.

     Thứ năm, hoàn thiện một số chính sách, tăng cường công tác quản lý đối với sản xuất và lưu thông hàng hóa ở Nam Định.

     Tỉnh cần có chính sách ưu đãi cho các tổ chức lưu thông vật tư nông nghiệp, để cho các tổ chức này chủ động dự trữ hàng hóa đủ sức điều hòa cung cầu, bình ổn giá vật tư cho nông dân. Kiên quyết chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất hàng giả và mua bán hàng giả. Thực thi những biện pháp tích cực, phát huy sự kiểm soát của cơ quan, ngành chức năng (thuế vụ, công an, hải quan) để bảo vệ lợi ích của nhà nước, của những người sản xuất kinh doanh hợp pháp và hàng triệu người tiêu dùng trong xã hội, tạo môi trường hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế đang hoạt động sản xuất lưu thông hàng hóa trên thị trường.

     Tiềm năng kinh tế của Nam Định còn rất lớn, để phát huy tiềm năng, lợi thế đó thì đòi hỏi việc phát triển TTNT Nam Định với xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng là một tất yếu khách quan nhằm thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định.

 

ThS. Hoàng Quốc Tuấn

Học viện Hậu cần

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

Ý kiến của bạn