Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Nam Ðịnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ

07/05/2014

     Ngày 18/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT. Ngay sau đó, các Bộ, ban, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó có tỉnh Nam Định. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định Phan Văn Phong về vấn đề này.

 

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định Phan Văn Phong

 

     Ông có thể cho biết, vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT tại địa phương hiện nay?

     Ông Phan Văn Phong: Nam Định là tỉnh thuần nông với tổng dân số toàn tỉnh khoảng 1.836.900 người, trong đó dân số nông thôn chiếm tới hơn 80% và sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chủ yếu. Vì vậy, môi trường nông thôn tại tỉnh được quan tâm đặc biệt, trong đó có ô nhiễm môi trường làng nghề (làng nghề nằm trên địa bàn nông thôn) và rác thải nông thôn.

     Với hơn 90 làng nghề (thủ công mỹ nghệ; muối; dệt chiếu, nón lá; cơ khí, đúc; dệt may; thêu ren; trồng cây cảnh; tái chế nhựa; chế biến lương thực thực phẩm và trồng dâu nuôi tằm…), hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, với hoạt động mang tính tự phát, nhỏ lẻ; công nghệ lạc hậu; mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp; ý thức BVMT còn thấp đã làm phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

     Bên cạnh đó, chất thải rắn nông thôn phát sinh từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, các phụ phẩm nông nghiệp) và chăn nuôi đang được lãnh đạo tỉnh quan tâm xử lý.

     Đối với chất thải rắn sinh hoạt, tỉnh đã và đang hỗ trợ xây dựng 116 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại 111 xã, thị trấn; trong đó có 50 công trình bãi chôn lấp xử lý rác thải hợp vệ sinh đã xây dựng xong và đưa vào vận hành. Các thôn, xóm, cụm dân cư đã thành lập các tổ, đội vệ sinh môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển rác thải đến các bãi chôn lấp xử lý và thu phí để hoạt động.

     Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập. Rác thải hầu hết chưa được phân loại, còn có hiện tượng đổ rác bừa bãi tại khu vực công cộng, kênh dẫn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới lưu thông dòng chảy.

     Riêng đối với chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, một số xã, cơ sở đã được hỗ trợ xử lý chất thải thông qua các dự án về thu gom, tái sử dụng khí sinh học, chất thải rắn, lỏng từ các trại chăn nuôi bằng hệ thống hầm biogas. Tuy vậy, tỷ lệ trang trại xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas không nhiều. Nhiều hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải nên các chất thải chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường tại một số khu vực nông thôn, nhất là ảnh hưởng đến môi trường không khí và môi trường nước.

     Nam Định có kế hoạch gì để thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, thưa ông?

     Ông Phan Văn Phong: Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 26/4/2013 về việc thực hiện một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT.

     Theo Kế hoạch, tỉnh tập trung chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật về môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp; Kiểm soát, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; Thu gom, xử lý đúng cách, hợp vệ sinh chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn; Hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; Tăng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nước thải sinh hoạt và công nghiệp; Kiểm soát chặt chẽ khí thải, bụi phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và các cơ sở sản xuất. Theo đó, có 6 giải pháp được xác định: Tăng cường công tác BVMT tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu BVMT đối với các dự án triển khai; Tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; Chú trọng BVMT trong hoạt động khoáng sản; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

     Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, tỉnh sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho BVMT; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT; Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác BVMT, tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác BVMT, tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế xanh.

     Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

            Vũ Nhung (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014

Ý kiến của bạn