Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nam Ðịnh ứng dụng công nghệ mới trong quản lý đất bãi bồi ven biển trước thách thức của biến đổi khí hậu

14/12/2015

   Những năm qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về TN&MT tỉnh Nam Định đã được quan tâm và tăng cường. Hàng năm, việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, đăng ký sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Lãnh đạo Sở TN&MT chỉ đạo và là một trong những điều kiện để công nhận các danh hiệu thi đua. Đề tài “Đánh giá hiện trạng khoáng sản cát sông và ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý khai thác cát trên các tuyến sông lớn thuộc tỉnh Nam Định” được đánh giá cao, sau khi triển khai thực tế đã phát huy hiệu quả, giúp xây dựng cơ sở dữ liệu khoáng sản cát tại tỉnh Nam Định, phục vụ các hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản cát.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên ven biển và ứng phó với BĐKH

   Tỉnh Nam Định có 4 cửa sông lớn, hàng năm, được bồi tụ bởi hàng triệu m3 phù sa hình thành 2 bãi bồi thuộc huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, trong đó có vùng đất ngập nước với hàng nghìn ha rừng ngập mặn, xen lẫn bãi bồi, đầm lầy. Tiêu biểu cho loại hình này là Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) và Nam Điền (Nghĩa Hưng), cả 2 địa danh này đều thuộc Khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, được UNESCO trao Bằng chứng nhận từ năm 2004.

   Trước hiện trạng công tác quản lý đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định đang diễn biến phức tạp, tháng 10/2013 được sự nhất trí của Hội đồng khoa học tỉnh Nam Định, đề tài khoa học “Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ phát triển bền vững quỹ đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định” được thực hiện. Đề tài tập trung nghiên cứu phân tích các vấn đề liên quan đến công tác quản lý quỹ đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định, trong đó đánh giá thực trạng công tác quản lý, dự báo biến động quỹ đất bãi bồi ven biển, tiềm năng của vùng đất bãi bồi, đưa ra định hướng khai thác sử dụng hợp lý quỹ đất bãi bồi ven biển, sản phẩm của đề tài ngoài các báo cáo khoa học còn có cơ sở dữ liệu đất bãi bồi ven biển và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu được khai thác sử dụng trên hệ thống mạng.

   Việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý, phát triển bền vững quỹ đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, sử dụng và bảo vệ hợp lý bền vững nguồn tài nguyên ven biển và ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu (BĐKH). Một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc quản lý phát triển bền vững quỹ đất bãi bồi ven biển là thiết lập cơ sở dữ liệu GIS về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường vùng đất bãi bồi ven biển.

   Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS được tổng hợp trên cơ sở sử dụng công nghệ mới trong việc biên tập, thành lập bản đồ kết hợp các số liệu điều tra, khảo sát, đo đạc về vùng bãi bồi, tham khảo kết quả của các đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu trước đây và nghiên cứu các chính sách khai thác đi đôi với BVMT, ứng phó với BĐKH của tỉnh.

   Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vùng đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định nhằm thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đất bãi bồi ven biển hoàn chỉnh, phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công dân khai thác hiệu quả, quản lý đất bãi bồi trên địa bàn. Đây là cơ sở để phát triển kinh tế, ổn định xã hội và giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo về đất đai, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cơ quan quản lý nhà nước. Với nền tảng công nghệ hiện đại (công nghệ nền ArcGIS) cơ sở dữ liệu Sql Server ngôn ngữ phát triển C# (là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng) được thiết kế khoa học và thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm. Cơ sở dữ liệu đất bãi bồi ven biển bao gồm hệ thống bản đồ nền, bản đồ chuyên đề tổng cộng với 84 lớp đối tượng, bản đồ được sử dụng các công nghệ hiện đại như ảnh viễn thám và thu thập các loại bản đồ địa hình, bản đồ hiện trạng sử dụng đất các thời kỳ kết hợp với điều tra thực địa để rà soát, chỉnh lý biến động, bản đồ được biên tập bởi các phần mềm chuyên ngành nên đầy đủ, chính xác, khoa học. Về cơ sở dữ liệu thuộc tính, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra thu thập, phỏng vấn cán bộ và nhân dân địa phương, dùng các phương pháp phân tích số liệu thu thập được, phân loại đánh giá để đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý, dữ liệu không gian (bản đồ) và dữ liệu thuộc tính được liên kết chặt chẽ đảm bảo ứng với mỗi dữ liệu không gian đều có dữ liệu thuộc tính, việc thiết lập các mối quan hệ giữa các đối tượng sẽ đảm bảo tính thống nhất, toàn vẹn và không chồng đè giữa các đối tượng. Với các chức năng truy vấn, tìm kiếm sẽ giúp cho việc tra cứu thông tin nhanh, chính xác. Bên cạnh đó, chức năng tổng hợp in các báo cáo được thực hiện đơn giản, nhanh chóng và tính duy nhất của dữ liệu. Công tác an toàn thông tin dữ liệu cũng được quan tâm, chức năng phần quyền khai thác sử dụng, sao lưu dữ liệu đảm bảo cho việc khai thác thông tin, cập nhật dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn. Phần mềm được thiết kế khoa học với giao diện dễ sử dụng, cài đặt trên hệ thống máy tính không đòi hỏi cấu hình cao, phù hợp với điều kiện trang thiết bị của đơn vị tiếp nhận. Hiện đề tài khoa học được Hội đồng nghiệm thu, triển khai tại Sở TN&MT và 2 huyện có vùng đất bãi bồi ven biển là Giao Thủy và Nghĩa Hưng, đưa vào phục vụ công tác quản lý vùng đất bãi bồi ven biển trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo dữ liệu được cập nhật thường xuyên, Sở TN&MT sẽ có quy định phân cấp cập nhật dữ liệu định kỳ và từng bước nâng cấp phần mềm, giúp địa phương quản lý khai thác hiệu quả, phục vụ công tác quản lý đất bãi bồi của tỉnh.

Vũ Minh Lượng

Sở TN&MT Nam Định

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn