Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc và phân tích môi trường gắn với công tác bảo vệ môi trường

31/03/2016

   Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường tỉnh Đắc Lắc là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TN&MT thành lập theo Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 7/4/2009 của UBND tỉnh. Thực hiện quan trắc, phân tích môi trường theo nhiệm vụ của Sở TN&MT, UBND tỉnh và Bộ TN&MT giao. Trong đó, quan trắc và phân tích các chỉ tiêu hóa, lý, kim loại nặng, hóa chất BVTV phổ dụng; quan trắc và phân tích chất lượng nước thải sau xử lý để phục vụ công tác thu phí nước thải công nghiệp; đo đạc, lấy mẫu trưng cầu giám định, đánh giá chất lượng môi trường phục vụ cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về ô nhiễm môi trường.

   5 năm qua, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, các cơ quan Trung ương; Phòng TN&MT các huyện trên địa bàn tỉnh thu thập tổng hợp thông tin số liệu, xây dựng hoàn chỉnh Báo cáo quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Đắc Lắc năm 2011, 2012, 2013, 2014 và báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đắc Lắc 5 năm (2011 - 2015).

   Hoạt động quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Đắc Lắc 5 năm (2011 - 2015) được thực hiện tại 178 điểm quan trắc với tần suất 3 lần/năm bao gồm: 91 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước; 53 điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí; 22 điểm quan trắc chất lượng môi trường đất; 6 điểm quan trắc môi trường sinh thái trên sông Sêrêpốk; 6 điểm quan trắc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Duy trì và kết nối 24/24h hoạt động quan trắc chất lượng nước sông và quan trắc thủy văn tại 2 trạm quan trắc trên lưu vực sông Sêrêpốk với Bộ TN&MT.

   Ngoài ra, Trung tâm còn làm đầu mối tại địa phương về công tác trọng tài trong xử lý khiếu kiện về môi trường; hỗ trợ tích cực cho Thanh tra Sở, Chi cục BVMT, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh về việc phát hiện và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm, Trung tâm đã thực hiện hơn 120 lần đo đạc, lấy mẫu đánh giá chất lượng môi trường.

   Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch được giao, Trung tâm đã thực hiện được hơn 240 hạng mục công trình bao gồm: Thiết kế, thi công, xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải; Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Cam kết BVMT; Đề án BVMT chi tiết, Đề án BVMT đơn giản; Báo cáo giám sát về môi trường; Lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Báo cáo xả nước thải vào nguồn nước; Báo báo khai thác nước mặt, Báo cáo khai thác nước dưới đất...

   Sau 5 năm thành lập và phát triển, đến nay Trung tâm có phòng thí nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng chỉ công nhận phòng thí nghiệm phù hợp theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC17025:2005; Được Bộ TN&MT chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường tại Quyết định số 76/QĐ-BTNM ngày 15/1/2015 (Mã số VIMCERTS 046), bao gồm 137 thông số môi trường, phương pháp lấy và bảo quản mẫu được công nhận. Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường tỉnh Đắc Lắc được thành lập và đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhiệm vụ quan trắc và phân tích chất lượng môi trường phục vụ cho công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, các tỉnh lân cận và khu vực Tây Nguyên.

   Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, Trung tâm đã được UBND tỉnh Đắc Lắc tặng danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc; Giám đốc Sở TN&MT tặng Giấy khen; Công đoàn viên chức tỉnh Đắc Lắc tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động công đoàn; Nhiều cá nhân nhận Bằng khen, Giấy khen của Bộ TN&MT, UBND tỉnh, Sở TN&MT...

Phòng thí nghiệm phù hợp với TCVN

   Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và lâu dài, tập thể Lãnh đạo Trung tâm đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đề ra nhiều giải pháp, cụ thể: Thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm quản lý, phân công công việc cho cán bộ, viên chức thuộc đơn vị đảm bảo thời gian làm việc theo quy định, chất lượng và hiệu quả công việc; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và ý thức phục vụ nhân dân. Nhằm nâng cao tính hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng dịch vụ công tăng cường kiểm tra, đôn đốc phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc đảm bảo tiến độ, thời gian và chất lượng để khẳng định vị thế là một đơn vị đã và đang thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Trung tâm đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng đối với một sản phẩm dịch vụ công theo quy trình giao việc cụ thể kèm theo thời gian bắt đầu và kết thúc đáp ứng nhu cầu cải cách thủ tục hành chính, trong quá trình triển khai phải thực hiện tham vấn nội bộ để một sản phẩm dịch vụ công hoàn thành được ít nhất 4 cá nhân tham gia ý kiến góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng như cầu khách hàng. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu mà Chi bộ Đảng, Ban Giám đốc Trung tâm rất quan tâm đối với cán bộ viên chức thuộc đơn vị trong những năm qua. Đến nay có 15 cán bộ trẻ đã và đang hoàn thành văn bằng 2 hoặc cao học chuyên ngành, đây sẽ là nguồn lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm trong thời gian tới.

   Đạt được những kết quả trên, trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Sở, của UBND tỉnh và Bộ TN&MT đối với khu vực Tây Nguyên; Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Phòng, ban, đơn vị thuộc Sở, đặc biệt là sự chủ động, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường tỉnh Đắc Lắc rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

   Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức; gắn kết mọi hoạt động của cơ quan với việc thực hiện quy chế dân chủ. Phối hợp với các đoàn thể trong đơn vị phát động mạnh mẽ hơn nữa phong trào nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm phát huy và khơi dậy tính năng động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường của cán bộ viên chức Trung tâm; tạo động lực, nhân tố mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ công đáp ứng nhu cầu xã hội.

   Hai là, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, quy chế văn hóa công sở cơ quan, chế độ thông tin báo cáo, chế độ kiểm soát chất lượng, đánh giá đúng chất lượng công tác, nhiệm vụ của từng cán bộ công chức để kịp thời phát hiện những kinh nghiệm hay, những cách làm hiệu quả để động viên, khen thưởng kịp thời.

   Ba là, thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về chuyên môn, khích lệ các cá nhân trình bày những ý tưởng, giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình để mọi người cùng trao đổi, tham gia đóng góp, bổ sung, hoàn thiện, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; báo cáo, đăng ký với cấp trên để triển khai vào thực tiễn nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

   Bốn là, hàng năm thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, định hướng hoạt động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và bình xét thi đua khen thưởng kịp thời cho cá nhân có thành tích để khích lệ, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo thành phong trào phát triển sâu rộng trong đơn vị và cơ quan.

Hoàng Văn San - Giám đốc

Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường Sở TN&MT tỉnh Đắc Lắc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn