Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Một số vấn đề trong đánh giá tác động môi trường đối với dự án chăn nuôi bò dưới tán rừng

03/03/2016

   Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (tỉnh Pleiku), Công ty TH True Milk (tỉnh Nghệ An) đang có kế hoạch đầu tư chăn nuôi bò dưới tán rừng tại những khu rừng tự nhiên nghèo. Điều này mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường. Để các dự án chăn nuôi bò dưới tán rừng đem lại hiệu quả bền vững cần đặc biệt lưu ý công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của dự án.

Để các dự án chăn nuôi bò dưới tán rừng đem lại hiệu quả bền vững cần đặc biệt lưu ý công tác ĐTM

   Trong thời gian qua,Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư một số dự án ở tỉnh Đắc Lắc như: Chăn nuôi bò sữa tại tiểu khu 146 (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp), với diện tích 850,7 ha, trong đó có 650 ha trồng cỏ, tổng đàn bò khoảng 20.000 con; Dự án đầu tư khu liên hợp Nông - Công nghiệp xanh Phước Thành - Tây Nguyên tại tiểu khu 23 và 40 (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo), diện tích 730 ha với quy mô khoảng 10.000 con; Dự án chăn nuôi bò thịt tại tiểu khu 167 (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp), với diện tích 876,45 ha, trong đó diện tích xin chuyển đổi sang trồng cỏ là 694 ha và xây dựng chuồng trại, các công trình phụ trợ là 82,45 ha, quy mô đàn bò thời điểm cao nhất là 31.677 con… Bên cạnh đó, Công ty TH True Milk cũng dự kiến đầu tư nuôi 20.000 bò sữa trên diện tích 2.000 ha tại Lâm Đồng, với giống bò nhập từ Ôxtrâylia hoặc Thái Lan.

   Đánh giá tác động môi trường đối với các dự án chăn nuôi đại gia súc

   Theo Mục 2 Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định các dự án phải thực hiện ĐTM gồm: Dự án có sử dụng từ 5 ha trở lên với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, từ 10 ha trở lên với rừng tự nhiên hoặc từ 50 ha trở lên với các loại rừng khác; Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên.

   Nếu dự án sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên; dự án thuộc 2 tỉnh trở lên hoặc thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của Bộ TN&MT.

   Đối với báo cáo ĐTM của dự án chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng: Cần lưu ý mô tả rõ diện tích rừng giữ lại để chăn nuôi dưới tán rừng; hiện trạng rừng. Mô tả rõ các công trình trong đó lưu ý đến chuồng trại, khu vực ủ phân, xử lý nước thải, diện tích trồng cỏ, nhà máy chế biến sữa (nếu có).

   Mặt khác, việc chăn nuôi dưới tán rừng mặc dù chưa trực tiếp làm mất rừng nhưng việc tái sinh rừng khó hơn nhiều, vì vậy, sau một thời gian triển khai dự án sẽ mất diện tích rừng phục vụ chăn thả gia súc. Chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cần bố trí chuồng trại xa khu dân cư để hạn chế tác động tiêu cực của mùi hôi và lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, lượng nước phục vụ chăn nuôi và trồng cỏ là tương đối lớn, vì vậy cần lưu ý đến số lượng, chất lượng nước ngầm cấp cho dự án.

   Để giảm đầu tư lớn cho việc xử lý nước thải chăn nuôi đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường, cần lưu ý giải pháp tận dụng nước thải để tưới. Đặc biệt, với lượng sữa không đảm bảo chất lượng hoặc không bán được cần có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm lớn.

   Ước tính, mỗi con bò trưởng thành thải ra khoảng 40 kg phân tươi/ngày (tương đương khoảng 6 kg phân khô). Lượng phân bò phần lớn đem lại hiệu quả kinh tế do việc bán phân bò nhưng nếu không có biện pháp xử lý, quản lý phù hợp thì đây cũng chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần lưu ý tác động do việc sử dụng giống cỏ nhập ngoại, nếu không được xem xét, cân nhắc kỹ có thể là sinh vật ngoại lai xâm hại…

   Có thể nói, các dự án chăn nuôi bò dưới tán rừng mang lại hiệu quả cao về kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các dự án này cũng tiềm ẩn một số tác động bất lợi cần có biện pháp thích hợp để giảm thiểu.

TS. Hoàng Hải, CN. Bùi Năng Kha

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn