Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Mùa xuân về thăm làng nghề Bích Trì

23/01/2014

     Hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về, làng Bích Trì, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam lại rộn ràng trong không khí sản xuất cuối năm. Người dân Bích Trì sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vào những lúc nông nhàn, các hộ dân phát triển thêm các nghề phụ như làm bún, bánh đa, giò, chả để tăng thu nhập, trong đó nghề sản xuất miến rất phát triển.

     Nghề miến Bích Trì hình thành từ năm 1997, người dân nơi đây tự học nghề và xây dựng các cơ sở sản xuất miến nhỏ theo quy mô hộ gia đình.Trước kia, miến được làm theo phương pháp thủ công nên năng suất thấp, chất lượng không đạt yêu cầu. Nhờ tham khảo nghề làm miến ở các tỉnh lân cận và trau dồi kinh nghiệm, nên người dân nơi đây đã sản xuất được miến có chất lượng cao, trở thành một thương hiệu uy tín, nổi tiếng tại địa phương.

     Đến nay, các hộ sản xuất đã đầu tư dây chuyền sản xuất miến hiện đại, từ máy nghiền, máy bơm, quấy bột, nồi hơi, nên rút ngắn được ngày công sản xuất và sức lao động của người dân. Hiện bình quân mỗi hộ hàng năm cung cấp cho thị trường 100 - 120 tấn miến khô, thu lãi 150 - 200 triệu đồng. Miến bán buôn với giá 23 - 25.000 đồng/kg cho các đại lý trong cả nước.Nhờ làm miến, làng Bích Trì được xem là nơi phát triển kinh tế nhất của huyện Thanh Liêm. Vài năm nay, miến Bích Trì được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Mỗi lò làm miến ít nhất có 10 công nhân, lương bình quân mỗi ngày từ  80.000 - 100.000 đồng/người. Đây là mức thu nhập tương đối cao với người lao động làm thuê ở những vùng quê. Để đảm bảo chất lượng miến, nguồn nguyên liệu sản xuất là bột củ rong riềng, được các hộ dân nhập về từ các tỉnh Hòa Bình, Bắc Cạn, sau đó được nghiền thủ công, ngâm vào nước, lọc thành tinh bột, tráng  bằng nồi hơi, tạo ra miến thành phẩm và đưa ra phơi bằng các phên tre. Nghề sản xuất miến cho thu nhập cao nên các hộ sản xuất quanh năm, năng suất bình quân 2 tấn/ngày. Vào dịp Tết các tiểu thương thương mua nhiều nên giá miến tăng cao.

     Tuy nhiên, vấn đề rác thải và chất thải từ các hộ sản xuất miến đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do các hộ dân sản xuất dùng hóa chất (a xít sunphuric) để tẩy trắng miến, xả nước thải chảy trực tiếp ra sông Châu Giang làm cá chết nổi đầy sông. Các cánh đồng ven sông không trồng cấy được vì ô nhiễm nguồn nước.

     Trước tình trạng trên, UBND xã Thanh Liêm đã chỉ đạo các cán bộ, hội viên các đoàn thể vận động bà con tích cực BVMT, không vứt rác thải bừa bãi; không đốt rơm rạ trên các tuyến đường làm ô nhiễm môi trường; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hạn chế thấp nhất lượng nước thải ra môi trường và cam kết không sử dụng hóa chất tẩy trắng miến.

 

Mô hình sản xuất miến của làng Bích Trì được coi là mô hình sản xuất sạch,

không gây ô nhiễm môi trường

 

     Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh xã đã tổ chức các mô hình thu gom rác tự quản. Mỗi tổ thu gom rác khoảng 2 - 3 người, đến các hộ dân thu gom rác 1 tuần 3 lần về bãi rác tập trung. Các hội viên đã tự nguyện tham gia và là nòng cốt của tổ thu gom rác, góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường. Để duy trì các hoạt động BVMT, Hội Phụ nữ xã đã cử các hội viên bám sát địa bàn khu dân cư để vận động, tuyên truyền người dân giữ vệ sinh môi trường. Kết quả 100% hộ gia đình trong xã đều nhất trí ký vào bản cam kết BVMT, không xả rác, đổ nước thải bừa bãi, không phá hoại cây cối tại khu vực công cộng, không thả vật nuôi ra đường, xây nhà xí hợp vệ sinh…

     Năm 2008, Sở TN&MT Hà Nam đã phối hợp với Tổ chức Năng lượng bền vững Đan Mạch (OVE), Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (S- CODE) triển khai Dự án phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô (CEDO) về  cải thiện chất lượng môi trường nông thôn tại một số xã của tỉnh Hà Nam. Dự án đã hỗ trợ làng Bích Trì xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải làng nghề.

     Ngoài ra, Dự án còn hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn phương pháp đệm lót sinh học và cách ủ phân hữu cơ vi sinh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, giảm sâu bệnh. Dự án còn hướng dẫn người dân cải thiện đời sống bằng các nghề trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm đem lại giá trị kinh tế cao.

     Ông Nguyễn Văn Lương - Phó Chủ tịch xã Thanh Liêm cho biết: Công tác BVMT làng Bích Trì đã có chuyển biến rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm thoáng đãng, sạch sẽ. Cây xanh được trồng khắp nơi công cộng. Rác thải được thu gom, phân loại, tái chế ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Các hộ sản xuất đảm bảo chất lượng miến sạch nên doanh thu tăng cao. Tuy vậy, xã vẫn chưa có nước sạch, các hộ dân phải dùng nước giếng khoan để sản xuất và sinh hoạt. Tình trạng khan hiếm nước vẫn xảy ra vào mùa khô.

     Trong thời gian tới, người dân làng nghề Bích Trì cần nâng cao ý thức trách nhiệm BVMT trong các phong trào xây dựng "làng văn hóa”, "gia đình văn hóa”, "khu dân cư tiên tiến”, "khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường”. Kiên quyết xử lý các hành vi hủy hoại môi trường, cảnh quan thiên nhiên… 

     Mô hình sản xuất miến của  làng Bích Trì được coi là mô hình làng nghề sản xuất sạch, không gây ô nhiễm môi trường, cần được nhân rộng ra toàn  địa phương và cả nước. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thông qua các chính sách khuyến khích các hộ dân đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo sản xuất và  giữ gìn môi trường nơi đây luôn “ Xanh - Sạch - Đẹp”.

 

Châu Loan

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn