Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi không gian áp dụng

02/12/2013

Ông Nguyễn Điểu

Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng

 

     Luật BVMT (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật Biển Việt Nam. Đó là những chia sẻ trong cuộc trao đổi giữa Tạp chí Môi trường với ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng về góp ý cho Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).

     Xin ông cho biết, Đà Nẵng đã triển khai Luật BVMT năm 2005 trong thời gian qua như thế nào?

     Ông Nguyễn Điểu: Luật BVMT 2005 có đối tượng và phạm vi điều chỉnh rất rộng, quy định về hoạt động BVMT, chính sách, biện pháp và nguồn lực để BVMT; trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT của UBND các cấp và cơ quan chuyên môn về môi trường. Tăng cường hoạt động quản lý và BVMT tại địa phương, phân cấp cụ thể chức năng nhiệm vụ QLMT cho UBND cấp huyện, xã như đăng ký và kiểm tra việc thực hiện cam kết BVMT; Tuyên truyền giáo dục pháp luật về BVMT cho cộng đồng, vận động nhân dân ký hương ước, cam kết về BVMT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng tồn tại những bất cập sau:

     Luật không quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tham mưu thuộc UBND cấp tỉnh dẫn đến khó khăn trong việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ được giao.

     Ví dụ, công tác thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có thời điểm các cơ sở nằm trong KCN do Sở TN&MT thẩm định trình UBND TP phê duyệt, có thời điểm lại do Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) Đà Nẵng thẩm định phê duyệt; Về xác nhận cam kết BVMT, có lúc do UBND các quận, huyện xác nhận, có lúc lại do BQL các KCN và KCX Đà Nẵng xác nhận. Do vậy, công tác quản lý môi trường tại các KCN chồng chéo và không thống nhất. Ngoài ra, dự án thuộc các Bộ, ngành đều do Bộ, ngành thẩm định và phê duyệt ĐTM, nên công tác kiểm tra sau báo cáo ĐTM bị bỏ trống, không cơ quan đơn vị nào kiểm tra, giám sát, kể cả cơ quan quản lý môi trường tại địa phương do không được ủy quyền thực hiện.

     Hầu hết, các chủ dự án đều xem báo cáo ĐTM là một thủ tục để hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án và hoạt động đầu tư. Do vậy, nội dung ĐTM không phù hợp với điều kiện thực tế của dự án khi triển khai; cũng như chủ dự án không hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công tác BVMT, nên không thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp BVMT theo nội dung cam kết tại báo cáo ĐTM.

     Việc xác định quy mô dự án để lập ĐTM và cam kết BVMT chưa đảm bảo, dẫn đến các chủ đầu tư hạ quy mô dự án để lách luật. Quy định về điều kiện của tổ chức dịch vụ tư vấn lập ĐTM còn bất cập, chưa có yêu cầu về trình độ, năng lực của cá nhân, tổ chức trong việc tư vấn, lập ĐTM nên việc đánh giá, phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án để đưa ra biện pháp BVMT khi triển khai dự án không đảm bảo.

 

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 trở thành thành phố môi trường

 

     Điều 43, Luật BVMT năm 2005 yêu cầu cụ thể phế liệu phải đáp ứng các quy định về BVMT, nhưng mang tính định tính không quy định về định lượng, gây khó khăn cho việc xác định yêu cầu về BVMT đối với phế liệu nhập khẩu trong quá trình thông quan. Quy định của Luật BVMT về trách nhiệm của chủ nguồn thải còn mang tính chung chung, chưa cụ thể hóa, chưa có giải pháp trong việc xử lý ô nhiễm hoặc đình chỉ hoạt động tại làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2005 trong lĩnh vực này hiện còn thiếu và chưa đồng bộ; việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại ở các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.

     Dựa vào thực tiễn công tác quản lý tại địa phương, ông có thể cho biết một số ý kiến về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về môi trường trong giai đoạn mới?

     Ông Nguyễn Điểu: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tổng kết 8 năm thực hiện Luật BVMT năm 2005, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác BVMT nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; bảo đảm kiểm soát ô nhiễm trên cả nước. Do đó, về cơ bản nội dung của Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi. Việc ban hành Luật BVMT (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tập trung theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về BVMT; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về BVMT; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho BVMT và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung nội dung mới về biến đổi khí hậu và BVMT; gắn kết bảo vệ tài nguyên và BVMT với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.

     Tuy nhiên, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần chú ý đến những vấn đề sau:

     Khởi kiện môi trường: Các thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể phát hiện trong thời gian ngắn kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể phát hiện sau nhiều năm. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ được khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm hại. Trên thực tế, nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện đã hết thời điểm khởi kiện. Vì vậy, đề nghị quy định thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

     Luật cần mở rộng phạm vi không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật Biển Việt Nam.

     Cần tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

     Xin cảm ơn ông!

 

Giáng Hương (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn