Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Langbiang - Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Tây Nguyên

05/04/2016

     Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên được UNESCO công nhận, đưa tổng số Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam lên con số chín.

    KDTSQ thế giới Langbiang có diện tích 275.439 ha, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực nam Tây Nguyên và được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang của người K’Ho - cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc của Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

     Về động vật

     Theo thống kê, hiện tại, Langbiang có 748 loài động vật thuộc 507 giống, 123 họ, 6 lớp với 3 loài đặc hữu, 45 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, trong đó, có 19 loài có giá trị bảo tồn cao. Một số loài quý hiếm như Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), Bò tót (Bos gaurus), Mi Lang Biang (Crocias langbianis), Khướu đầu đen má xám (Trochalopteron yersini).

     Về thực vật

     Langbiang còn là nơi sinh sống của 1940 loài thực vật  thuộc 825 chi,180 họ thuộc 4 ngành với 3 loài thực vật đặc hữu, 64 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong đó có 53 loài có giá trị bảo tồn cao như Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), Thông năm lá Đà lạt (Pinus dalatensis), Lan đốm (Gastrochilus calceolaris).

 

 

Chức năng của KDTSQ Langbiang

      Vùng lõi: Vùng lõi của khu sinh quyển là toàn bộ VQG Bidoup Núi Bà bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái với chức năng chính là bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn những khu rừng có giá trị bảo tồn cao. Ngoài chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, vùng lõi góp phần phát triển kinh tế cho người địa phương, đặc biệt là người K’ho thông qua các chương trình giao khoán quản lý bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái. Đồng thời, vùng lõi của khu sinh quyển thực hiện chức năng hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục của khu vực, quốc gia và quốc tế.

      Vùng đệm: Vùng đệm của khu sinh quyển bao gồm các vùng kế cận với vùng lõi, đóng góp vào sự bảo tồn ở vùng lõi và sự phát triển kinh tế của cộng đồng sống xung quanh. Vùng đệm còn là nơi phân bố của các dân tộc bản địa, đặc biệt là người K’Ho với những nét văn hóa đặc trưng trong đó có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các bản sắc văn hóa bản địa đang được bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, cùng với vùng lõi,  vùng đệm là nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục, đặc biệt là các nghiên cứu về phát triển bền vững.

       Vùng chuyển tiếp: Vùng chuyển tiếp bao gồm các phần diện tích nằm trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận tiếp giáp với vùng đệm của khu sinh quyển. Đây là các trung tâm phát triển kinh tế của vùng, trong đó du lịch và du lịch sinh thái, là những hoạt động đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, các hoạt động nông nghiệp  và lâm nghiệp mang lạị hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của người dân. Các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa, đặc biệt là cồng chiêng Tây Nguyên, cũng được thúc đẩy và nối kết với các hoạt động du lịch tại vùng chuyển tiếp. Ngoài ra, vùng chuyển tiếp cũng hỗ trợ cho thực hiện các dự án phát triển bền vững và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục.

       Với vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, ngày 9/6/2015, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO), Langbiang được UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới. Điều này góp phần khẳng định thêm vai trò quan trọng của khu vực đối với vùng Tây Nguyên, Việt Nam nói riêng và thể giới nói chung. Đây sẽ là cơ hội cho sự phát triển bền vững tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

 

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn