Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Lai Châu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững

14/12/2015

   Những năm qua, Sở TN& MT tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo, thực hiện kế hoạch BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) bền vững. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu về công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu

   Xin ông cho biết một số kết quả công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

   Ông Vũ Văn Lương: Những năm gần đây, với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT, sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Sở đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 15/8/2013 của Tỉnh ủy Lai Châu về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Quyết định số 1727/QĐ-UBND ngày 27/12/2013, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT. Đây là những văn bản mang tính định hướng xác định tầm quan trọng của công tác BVMT, là cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.

   Công tác BVMT đối với các dự án đầu tư được chú trọng từ xây dựng, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết BVMT và tổ chức thực hiện dự án. Tính đến nay, Sở đã phê duyệt 82 Báo cáo ĐTM, Đề án BVMT chi tiết và 10 dự án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Phòng TN&MT cấp huyện thẩm định và xác nhận Bản cam kết BVMT, đề án BVMT đơn giản cho 1.097 dự án. Nhìn chung, công tác thẩm định, cấp phép về môi trường ở các cấp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về BVMT; việc kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện ngay từ bước đầu triển khai dự án.

   Bên cạnh đó, Sở đã hoàn thành báo cáo hiện trạng môi trường giai đoạn 2011 - 2015; quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh đợt 1/2015; thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Điều chỉnh nội dung giám sát môi trường đối với 3 dự án trồng cao su của Công ty CP cao su Lai Châu, Công ty CP cao su Lai Châu II và Công ty CP cao su Dầu Tiếng Lai Châu. Rà soát, thống kê và thông báo cho các tổ chức nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp năm 2015 và 2 cơ sở nộp phí biến đổi, 28 cơ sở nộp phí cố định trên địa bàn tỉnh...

   Công tác kiểm tra, thanh tra được đẩy mạnh, 9 tháng đầu năm 2015, Sở đã trình UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, với tổng số tiền 400 triệu đồng; Tiếp nhận 5 đơn kiến nghị về lĩnh vực đất đai, môi trường, giao dịch dân sự; chuyển 4 đơn kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

   Để tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT, hàng năm, Sở tổ chức các hoạt động: Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Ngày Môi trường thế giới 5/6; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất; Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức BVMT cho cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện, cấp xã, cho doanh nghiệp và quần chúng nhân dân; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng phong trào BVMT trong khu dân cư… góp phần nâng cao nhận thức về BVMT trên địa bàn tỉnh.

   Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ không để phát sinh cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không để xảy ra ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường và không có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hay tranh chấp về môi trường.

   Là tỉnh miền núi với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, vậy tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, thưa ông?

   Ông Vũ Văn Lương: Trong 9 tháng đầu năm 2015, Sở đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện tăng cường kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, tổ chức 1 đợt kiểm tra liên ngành để kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản kim loại, chỉ đạo UBND các huyện kịp thời tổ chức giải tỏa; rà soát, khoanh định trình UBND tỉnh phê duyệt 5 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 23/4/2015. Phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 12/2/2015 về giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và trình UBND tỉnh phê duyệt số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại 16 điểm mỏ khai thác vật liệu xây dựng với tổng số tiền là 3.817 triệu đồng.

   Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định 4 đề án thăm dò khoáng sản; thẩm định và trình cấp 14 giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (3 giấy phép thăm dò khoáng sản kim loại, 10 giấy phép khai thác khoáng sản, 1 giấy phép khai thác khoáng sản phục vụ công trình); 5 đăng ký khai thác khoáng sản trong phạm vi công trình.

   Để tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Sở đã triển khai các biện pháp, cụ thể: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý khai thác khoáng giữa các cấp, ngành qua đó đã quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến khoáng sản, ngăn chặn hiệu quả hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và mua bán khoáng sản trái phép, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về khai thác trái phép khoáng sản; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

   Tổ chức thực hiện khoanh định vùng cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, trong đó hạn chế tối đa hoạt động khoáng sản ở những vùng, khu vực nhạy cảm về môi trường. Các dự án khai thác khoáng sản đều phải lập, phê duyệt Báo cáo ĐTM, dự án, đề án cải tạo, phục hồi môi trường trước khi xem xét, quyết định cấp phép khai thác khoáng sản. Công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép về khoáng sản, môi trường được quan tâm thường xuyên. Phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện dự án khoanh định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh Lai Châu và tổ chức lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Thông báo cho các tổ chức thực hiện các quy định theo Giấy phép khai thác khoáng sản. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản.

Công nhân Công ty CP Cao su Lai Châu chăm sóc cây cao su ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ

   Công tác di dân tái định cư (TĐC) Dự án Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành, các cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vậy Sở có đề xuất gì giải quyết vấn đề trên?

   Ông Vũ Văn Lương: Công trình thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, công tác di dân, TĐC dự án Thủy điện Lai Châu với 8 khu, 17 cụm, điểm là một trong những nhiệm vụ đặc biệt đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; người dân TĐC được cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ lương thực, cải thiện sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, đường, trường, trạm tại nơi TĐC đồng bộ, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

   Tuy nhiên, các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm TĐC cũng được đặt ra như thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tập quán nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn... Để giải quyết vấn đề này, Sở đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền cho bà con từng bước bỏ thói quen canh tác cũ hạn chế phá rừng làm nương rẫy, nuôi nhốt vật nuôi dưới gầm sàn. Thực hiện tốt tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt, tổ chức thu gom và đổ rác thải đúng nơi quy định, xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngoài nhà sàn cách xa nguồn nước…

   Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT trong giai đoạn tới, Sở sẽ triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

   Ông Vũ Văn Lương: Năm 2015, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các đơn vị trong ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

   Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2014, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác BVMT đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp đối với sự nghiệp BVMT; Phát hành bản đồ hành chính huyện Mường Tè, bản tin tài nguyên môi trường; Đăng tải thông tin hoạt động của ngành trên trang thông tin điện tử của Sở; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý TN&MT cho công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ngành TN&MT từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực TN&MT; Tham mưu giải quyết, xử lý dứt điểm đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo quy định; Kiểm tra, xác nhận công trình, biện pháp BVMT đối với những dự án đã phê duyệt báo cáo ĐTM, đề án, cam kết BVMT; Kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Thực hiện, tổng hợp kết quả quan trắc hiện trạng môi trường năm 2015; Điều tra, thống kê, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh...

Xin cảm ơn ông!

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn