Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Lào Cai phát huy hiệu quả mô hình khu dân cư xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường

20/01/2015

     Lào Cai là tỉnh miền núi cao nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc, với 25 dân tộc sinh sống nên rất phong phú về bản sắc văn hóa. Từ năm 2010, thực hiện Chương trình “Toàn dân tham gia BVMT” của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Lao Cai đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm “Khu dân cư (KDC) thực hiện xóa đói giảm nghèo và BVMT”. Đến nay, sau 3 năm triển khai các mô hình điểm, nhận thức về BVMT của nhân dân đã có nhiều chuyển biến.

     Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã chọn 2 KDC là thôn Giang Đông, xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai và thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai để xây dựng mô hình điểm xóa đói giảm nghèo và BVMT. Qua khảo sát thực tế, các hộ dân thuộc KDC được chọn xây dựng mô hình điểm có mức sống trung bình, tỷ lệ hộ nghèo cao. Điển hình như xã Sín Chéng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Si Ma Cai. Toàn xã có 708 hộ với 3.838 khẩu cư trú tại 9 thôn, bản, gồm 5 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 92,7%, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 37,26%.

     Để triển khai xây dựng các mô hình điểm đạt hiệu quả cao, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm đầu tư, hỗ trợ giống, phân bón, tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân thay đổi tập quán lạc hậu. Đến nay nhận thức về BVMT của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Các hộ dân đã chuyển từ nền sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; 100% các hộ đã đưa giống mới vào gieo trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện thâm canh tăng vụ. Đời sống bà con nông dân được cải thiện, hiện tỷ lệ hộ nghèo thôn Giang Đông giảm còn 6%; thôn Mào Sao Phìn còn 41,67%. Các hộ gia đình có chuồng gia súc, gia cầm được di dời xa nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Thành viên của đội tự quản thôn Giang Đông, xã Vạn Hòa thu gom rác thải góp phần giữ gìn môi trường

 

     Về xây dựng cơ bản, chính quyền xã đã vận động nhân dân đóng góp trên 7 nghìn ngày công, thu gom 210 m3 đá hộc, tự nguyện hiến 541 m2 đất, ủng hộ trên 100 triệu đồng để làm đường bê tông. Các KDC xây dựng 3.000 m đường bê tông; 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,7% số hộ được sử dụng nước sạch; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường…

     Cùng với đó, Ban thường trực MTTQ tỉnh đã vận động bà con thành lập các tổ tự quản, gồm 20 người, các thành viên đã xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, duy chì chế độ sinh hoạt, kiểm tra đôn đốc KDC triển khai công tác thu gom rác thải. Xã đã quy hoạch các bãi rác nằm cách xa KDC. Các thành viên tổ tự quản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thu gom rác, chất thải gia súc, gia cầm đúng nơi quy định. Mỗi hộ gia đình được trang bị 1 thùng rác, hàng ngày rác được thu gom; mỗi khẩu trong các hộ gia đình đóng góp 4.000 đồng phí thu gom rác thải; Nơi ở được sắp xếp gọn gàng, xung quanh nhà được trồng cây xanh, cây ăn quả, vườn rau; Hàng tuần, các khu dân cư tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống, rãnh, quét dọn vệ sinh, thu gom xử lý chất thải, rác thải…

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn có những tồn tại, hạn chế như: Trình độ dân trí tại các KDC thấp nên công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp tập huấn về BVMT cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thả rông gia súc, thói quen sinh hoạt, các hủ tục lạc hậu vẫn còn nên đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện mô hình điểm.

     Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới Ban thường MTTQ tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình điểm KDC BVMT và xóa đói giảm nghèo ra các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát của người dân đối với công tác BVMT; tổ chức kiểm tra thực hiện các nội dung cam kết BVMT ở hộ gia đình; khen thưởng những cá nhân trong KDC có trách nhiệm cao, sáng kiến hay trong BVMT; khuyến khích sự tham gia của các hộ kinh doanh thực hiện các dịch vụ về môi trường; vận động nhân dân đấu tranh khắc phục các tệ nạn, thói quen xấu trong sản xuất, tiêu dùng, xâm hại đến tài nguyên môi trường; đẩy mạnh các hoạt động ký cam kết BVMT; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho người dân cải tạo tập quán lạc hậu; Phát huy vai trò của trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng, thực hiện lấy đoàn kết cộng đồng làm sức mạnh, thực hiện tốt phương châm “vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân, do dân tự quản”.

          

  Lưu Tuấn

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn