Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Làng xã sạch đẹp nhờ hố rác 2 ngăn

04/10/2014

     Những hố rác 2 ngăn khá đơn giản và tiết kiệm chi phí đã giúp người dân xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) giải được bài toán rác thải ngập làng quê.

     Đây là mô hình hố rác dùng cho hộ gia đình với kích thước dài 1,8 m, rộng 1 m, cao 1 m và được chia làm 2 ngăn, mái lợp phi brô xi măng. Trong đó, 1 ngăn chứa rác có thể phân hủy được các loại rau, củ, quả hỏng, vỏ trái cây, bã chè, lá bánh…; ngăn còn lại dùng để đựng túi nilon, chai lọ, giấy báo cùng nhiều loại rác khó phân hủy khác. Hố rác được xây dựng khá đơn giản bằng vật liệu sẵn có tại địa phương với chi phí khoảng 500.000 đồng, trong đó hội phụ nữ các cấp hỗ trợ 50%.

     Bà Nguyễn Thị Sậu (xóm 8) cho biết, các gia đình đều có ý thức tự phân loại rác, cho vào các ngăn chứa. “Chúng tôi rắc vôi bột vào ngăn rác có thể phân hủy, sau một thời gian sẽ đem ra đồng bón ruộng. Các loại rác khó phân hủy như túi ni lông, chai lọ bằng nhựa, lông ngan, lông vịt… vì khối lượng không lớn nên ban đầu bà con cũng cho vào đốt. Tuy nhiên, sau khi được phổ biến về sự nguy hại của việc đốt các loại rác trên, hiện bà con đã gom lại để bán đồng nát”, bà Sậu nói.

 

Những hố rác 2 ngăn khá đơn giản và tiết kiệm chi phí

 

     Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Kiệm, bà Mai Thị Thắm cho biết, mô hình hố rác 2 ngăn tại gia được Hội LHPN tỉnh Ninh Bình thí điểm tại xã để giải quyết tình trạng rác thải vứt bừa bãi khắp nơi, “đầu độc” sông Phát Diệm, vừa mất mỹ quan làng quê, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

     “Trước đây, trung bình mỗi ngày, sông Phát Diệm phải “nuốt” hàng tấn rác thải đủ loại. Tuy nhiên, từ khi có hố rác 2 ngăn, các gia đình đã có ý thức hơn, tự biết phân loại rác và xử lý luôn tại gia đình nên vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện đáng kể”, bà Thắm nói.

     Thành công của mô hình này đang mở ra hướng giải quyết tình trạng rác thải ngập làng quê tại nhiều vùng nông thôn Ninh Bình và cả nước. Theo thống kê của Sở TN- MT Ninh Bình, trên toàn tỉnh còn 33 xã chưa có mô hình thu gom rác thải, tồn tại 38 “điểm đen” rác thải ở ven đê Trường Yên, tuyến đê sông Đáy và sông Hoàng Long..., với khối lượng hàng ngàn mét khối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

     Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình Chu Thanh Hà đánh giá cao mô hình xử lý rác thải tại gia của xã Thượng Kiệm và cho rằng, đây có thể là cách làm hiệu quả trong việc xử lý rác thải ở nông thôn.

     Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng, khi triển khai mô hình này, các địa phương cần hướng dẫn, vận động và giám sát chặt chẽ, không để người dân tự đốt các loại rác trong ngăn chứa rác không phân hủy được thì hiệu quả đem lại mới trọn vẹn. “Nếu để người dân đốt nhựa, túi ni lông... mô hình này sẽ là “hiểm họa” đối với môi trường”, ông Tùng cảnh báo.

 

Phạm Văn Ngọc

 

Ý kiến của bạn